Cơ sở sản xuất đá của ông Nguyễn Đức Kiêm ở xã Thanh Thủy (Thanh Hà) được cung cấp điện ổn định, bảo đảm sản xuất
Thanh Hà hiện có hơn 4.000 ha vải, hằng năm cho thu hoạch từ 30 – 50 nghìn tấn quả. Đến mùa, hầu hết vải được bán tươi. Những năm được mùa, mất giá, 30% vải sẽ để sấy khô. Gần đây, vải còn được bảo quản đông lạnh để vận chuyển vào miền Nam hoặc sang Trung Quốc… tiêu thụ.
Bảo quản vải bằng nước đá
Quả vải tươi thường rất bí về đầu ra. Lý do là không thể vận chuyển quả tươi đi xa được, bởi có ủ mát bằng lá cây thì chỉ 1-2 hôm là quả héo, xuống mã hoặc bị thối không bán được. Ông Nguyễn Đức Kiêm ở xã Thanh Thủy nhớ lại: Cách đây chừng 13 năm, có đoàn thương lái ở xinh-ga-po về Thanh Hà mua gom vải thiều, đóng công-ten-nơ chuyển về nước. Họ hướng dẫn bà con phương pháp giữ vải tươi bằng nước đá, có thể vận chuyển nửa tháng hoặc gần 1 tháng mà quả vải vẫn tươi. Vải được cho vào giỏ tre, ngâm trong nước đá lạnh rồi xếp vào công-ten-nơ. Cứ 2 lớp vải, 1 lớp đá, công-ten-nơ gắn máy lạnh duy trì thường xuyên có thể vận chuyển đi xa, sau vài tuần, vải vẫn tươi. Để ướp lạnh vải phải có đá cây với khối lượng lớn. Lúc đó tìm khắp nơi trong tỉnh vẫn không đủ đá đáp ứng việc này, bà con phải xuống tận TP Hải Phòng mua mới có đủ để đóng hàng. Sau này, người dân có sáng kiến sau khi ngâm vải với nước đá, cho vải vào thùng xốp, mỗi thùng 20-30 kg, bọc thêm 1 viên nước đá lớn, dùng băng dính dán kín lại. Cách này có thể để vải tươi từ 3-5 ngày, bảo đảm vận chuyển tới các tỉnh phía Nam hoặc nhiều tỉnh của Trung Quốc, Lào.
Làm thế nào để có đá cây thì vải thiều Thanh Hà mới vươn xa, tìm thị trường tiêu thụ mới? Đó là điều ông Kiêm day dứt mãi. Năm 2001, ông Kiên quyết định đầu tư một dây chuyền sản xuất đá cây đầu tiên tại huyện Thanh Hà. “Vạn sự khởi đầu nan” bởi điện rất yếu. Ông nhờ ngành điện kéo 700 mét đường dây riêng từ trạm biến áp về nhà để chạy máy đá. Tuy nhiên, đến giờ cao điểm đều phải ngừng chạy vì điện quá yếu. Cũng do điện yếu đã làm cháy 5 lốc máy của cơ sở, sau này phải tìm lốc máy chạy điện áp thấp mới tránh khỏi bị cháy.
Vừa làm, vừa học hỏi, vừa đầu tư theo hướng hiện đại hóa, bây giờ ông đã là người đi đầu trong lĩnh vực sản xuất đá cây ở Thanh Hà. Gia đình ông dốc hết vốn liếng, đầu tư trên 4 tỷ đồng, xây dựng 2 nhà máy sản xuất đá cây có công suất 2.000 cây đá/ngày, phần lớn được tự động hóa từ việc bơm nước sông, lọc nước, nạp nước vào khay, dỡ đá khỏi bể đều được máy móc hỗ trợ tối đa. Hệ thống làm lạnh được tự động hóa khi đá đủ độ lạnh, độ cứng. Với hệ thống cần trục chạy dọc các bể làm đá, mỗi lần ra đá được 15 cây, mỗi cây nặng từ 45-50 kg. Nạp nước đồng loạt cho 15 khay chỉ mất 1 phút. Hiện giờ đúng mùa vải, cơ sở của ông sản xuất liên tục 24/24 giờ vẫn không đủ đá để bán. Cơ sở sản xuất đá của ông Kiêm tiêu thụ nhiều điện nhất, mỗi ngày đúng vụ tiêu thụ khoảng 7.000 kWh điện (tương đương với 10 triệu đồng tiền điện/ngày).
Lo đủ điện
Hiện nay Thanh Hà có 6 cơ sở sản xuất đá cây với tổng công suất 6.300 cây đá/ngày . Xã Thanh Thủy là trung tâm mua gom, sơ chế, tiêu thụ vải thiều của huyện. Xã có 3 cơ sở sản xuất nước đá với tổng công suất 3.500 cây/ngày. Các cơ sở còn lại: 1 cơ sở ở xã Tiền Tiến, công suất 1.000 cây đá/ngày; 1 cơ sở ở xã Thanh Xá công suất 500 cây/ngày và 1 cơ sở xã Thanh Bính 500 cây/ngày. Để bảo đảm cung cấp điện ổn định cho các cơ sở sản xuất nước đá và điện cho vùng vải, từ năm 2012, Điện lực Thanh Hà đã lập các dự án từng bước đầu tư nâng cấp hệ thống điện nông thôn. Đến nay, hệ thống lưới điện ở 10 trong tổng số 19 xã về với ngành điện đã được nâng cấp đồng bộ, bảo đảm lưới điện ổn định, chất lượng điện tốt. Từ đầu năm 2012 đến nay, huyện đã được cấy thêm 20 trạm biến áp chống quá tải, trong đó có 13 máy ở các xã trồng và tiêu thụ nhiều vải thiều. Các xã có cơ sở sản xuất nước đá đều được bổ sung các trạm biến áp, bảo đảm chất lượng điện ổn định phục vụ cho việc sơ chế vải thiều và sinh hoạt trong dân. Bà Đỗ Thị Thu ở Doanh nghiệp tư nhân Xuân Thắng, xã Thanh Thủy sản xuất 1.200 cây đá/ngày cho biết: Từ đầu vụ, ngành điện luôn cung cấp điện ổn định. Vải đang chín rộ, cơ sở sản xuất đến đâu, khách hàng tiêu thụ hết đến đó. Chúng tôi sản xuất đá bằng nước máy, đáp ứng yêu cầu cho khách hàng nước ngoài yêu cầu khắt khe hơn về vệ sinh, an toàn thực phẩm. Còn ông Nguyễn Đức Kiêm cho biết: Cả 2 nhà máy sản xuất đá đều có điện ổn định, điện khỏe, có thể chạy máy 24/24 giờ trong ngày. Ông Nguyễn Quốc Thưởng, Phó Giám đốc Điện lực Thanh Hà khẳng định, các cơ sở sản xuất nước đá ở Thanh Hà đều được sử dụng điện ưu tiên. Các trạm biến áp được nâng công suất hoặc lắp mới đều dư công suất, đáp ứng phụ tải tăng cao cho các cơ sở sản xuất và sinh hoạt trong khu vực.
Cung cấp điện ổn định cho các cơ sở sản xuất nước đá góp phần làm tốt việc sơ chế, bảo quản vải quả, giúp người trồng tiêu thụ thuận lợi hơn.