Chăm sóc vải thiều: Kinh nghiệm ở Thanh Sơn

Cây vải tổ ở Thanh Sơn đã bén rễ gần 200 năm, vì thế khi hỏi về cách chăm sóc vải thiều, người dân ở đây đều thuộc làu.


Bà Bùi Thị Dua ở thôn Tráng Liệt luôn tuân thủ quy trình kỹ thuật theo tiêu chuẩn VietGAP trong chăm sóc vải

Nhiều năm trước, vải bị mất mùa, chỉ có duy nhất nhà ông Nguyễn Văn Bềnh, thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn là được mùa. Hỏi ra mới biết, ông Bềnh đã dùng dung dịch Boóc-đô phun nên mới giữ được vải quả. Lúc đó dung dịch Boóc-đô chưa được người dân Thanh Hà sử dụng cho cây vải. Học tập từ kinh nghiệm của ông Bềnh, sau này nông dân đã sử dụng dung dịch Boóc-đô phun cho vải nhiều hơn.

Tuy nhiên, phun thuốc chỉ là một yếu tố. Các khâu chăm sóc cây vải vào từng thời kỳ cũng được người trồng vải ở Thanh Sơn hết sức quan tâm. Mỗi năm, bà Bùi Thị Dua ở thôn Tráng Liệt thu hoạch được từ 1,5-1,7 tấn từ 6 sào vải thiều. Để năng suất đều đặn như vậy, bà Dua đã đúc rút kinh nghiệm trồng vải từ nhiều đời để lại. Bà Dua chia sẻ: “Thời gian vừa qua, do mưa kéo dài nên tôi thường xuyên phải phun thuốc chống sương mai. Có đợt mưa cả tháng thì cứ 4-5 ngày, tôi lại rung cây cho bớt nước mưa để phun thuốc, chống rụng quả. Thời gian này, tôi không bón nhiều đạm cho vải vì dễ làm rụng hoa và quả non”. Về thời gian phòng, chống bệnh cho vải khi mới ra hoa, bà Dua cho biết, đây là thời điểm vất vả nhất vì mùa xuân mưa phùn nhiều, ảnh hưởng đến tỷ lệ đậu quả. Nhiều nhà còn cẩn thận dùng ni-lông trắng quây kín tán cây khi hoa vải nở để tránh mưa và gió lạnh. Năm 2012, bà Dua tham gia mô hình trồng vải theo tiêu chuẩn VietGAP, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn. Bà Dua và nhiều nông dân tham gia mô hình đã được tập huấn kiến thức khoa học, áp dụng vào chăm sóc vải thiều. Các công đoạn tỉa cành, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đều tuân thủ đúng nguyên tắc và được theo dõi, ghi chép cẩn thận. Nhờ đó, nhiều năm trở lại đây, vườn vải nhà bà Dua đều được mùa.

Hiện tại, trên cây vải đang xuất hiện một số loại sâu ăn quả non và gặm cuống quả. Nắm bắt được tình hình đó, nông dân ở xã Thanh Sơn đã chủ động phòng bệnh. Ông Trần Mạnh Tuân ở thôn Tráng Liệt cho biết: “Tôi dùng phân Multi-k (13-0-46) pha nồng độ 1-2% với thuốc trừ bệnh như Alpine, Zinep và thuốc trừ sâu Sherpa 25EC, định kỳ 7-10 ngày/lần. Nhờ đó đã hạn chế rụng quả sinh lý, trừ được rệp, sâu đục cuống quả, bệnh sương mai, bệnh thán thư. Năm nào cũng thế, trước khi thu hoạch, tôi ngừng phun thuốc từ 15-20 ngày để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm”. Nhờ có kinh nghiệm chăm sóc, đến nay, tỷ lệ vải thiều đậu quả ở xã Thanh Sơn đạt 85-90%.

Để vải thiều năm sau cho quả đều như năm trước, ngay sau khi thu hoạch quả, nông dân tập trung tỉa bỏ những cành già cỗi, tạo điều kiện để vải nảy lộc đều. Sau đó, tích cực bón phân NPK, u-rê, supe lân và phân xanh cho gốc cây. Tùy thuộc vào từng thời kỳ phát triển của cây vải, người trồng vải ở Thanh Sơn đều có những cách chăm bón thận trọng, vừa giúp cây sinh trưởng tốt, cho quả to, đều, đẹp.

MINH NGUYÊN