Đối với những diện tích vải đã ra lộc cuối thu, đầu đông, bà con cần tập trung chăm sóc lộc bằng biện pháp bón phân, phun phân bón lá.Để hạn chế vải phát triển lộc đông, bảo đảm năng suất, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa đề nghị UBND cấp huyện, đặc biệt là hai huyện Thanh Hà, Tứ Kỳ và thị xã Chí Linh chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị liên quan theo dõi sát tình hình sinh trưởng, phát triển của cây vải, tổ chức tập huấn, hướng dẫn bà con nông dân áp dụng các biện pháp hạn chế lộc đông. Đối với những diện tích vải đã ra lộc cuối thu, đầu đông (đầu tháng 10 đối với vải sớm và đầu tháng 11 với vải thiều chính vụ), bà con cần tập trung chăm sóc lộc bằng biện pháp bón phân, phun phân bón lá… để cành lộc phát triển nhanh, kịp bước sang giai đoạn phân hóa mầm hoa và ra hoa. Đối với những diện tích vải có nguy cơ ra lộc đông từ giữa đến cuối tháng 11, bà con cần áp dụng ngay các biện pháp hạn chế lộc đông như: khoanh vỏ, chặn rễ, siết nước… để cây hạn chế phát triển. Từ đầu tháng 12 đến hết tháng 1, nếu bà con đã áp dụng các hướng dẫn trên mà vải vẫn ra lộc đông thì tiếp tục áp dụng biện pháp diệt lộc như cắt, phun thuốc bằng hóa chất chuyên dụng để cây ra hoa.
Hiện nay, một số diện tích vải thiều chính vụ không được nông dân cắt tỉa, chăm sóc theo quy trình kỹ thuật và một số diện tích vải sớm trên chân đất tốt có nguy cơ ra lộc đông từ cuối tháng 11 đến đầu tháng 12. Mặt khác, theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh, vụ đông xuân 2013-2014 ấm, nền nhiệt độ tháng 11, tháng 12 cao hơn trung bình nhiều năm, kết hợp ảnh hưởng của cơn bão số 14 gây mưa trên toàn tỉnh là điều kiện thuận lợi để cây vải phát triển lộc đông.
Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cần tích cực hướng dẫn nông dân các biện pháp chăm sóc cây vải và xử lý lộc đông, khắc phục những bất lợi của thời tiết, bảo đảm vải ra hoa, đậu quả tốt.
PV