Hướng dẫn bao trái cho quả vải thiều xuất khẩu

Trước khi bao trái cho vải, nông dân cần cắt tỉa những cành tăm và những quả bị nhiễm sâu bệnh…

Để xuất khẩu vải thiều nông dân phải thực hiện nhiều biện pháp nghiêm ngặt
Ảnh tư liệu

Để xuất khẩu vải thiều đi Mỹ và một số quốc gia khác trên thế giới, ngoài tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất nông dân còn phải thực hiện biện pháp bao trái cho quả nhằm tránh sâu bệnh, giảm tỷ lệ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây là cũng là năm đầu tiên người trồng vải tỉnh ta thực hiện bao trái cho quả vải. Do đó, những kỹ thuật sau đây sẽ giúp nông dân thực hiện bao trái hiệu quả và tiết kiệm.

Nguyên tắc bao trái: Trước khi bao trái cho vải, nông dân cần cắt tỉa những cành tăm và những quả bị nhiễm sâu bệnh. Trước khi tiến hành bao trái từ 2-4 ngày, nông dân cần phun thuốc phòng sâu đục cuống quả và bệnh thán thư để diệt hết trứng, sâu non và nấm bệnh đã tồn tại trên mặt quả. Thời gian tốt nhất để bao trái là trước khi thu hoạch từ 20-35 ngày hoặc sau đậu trái từ 50-55 ngày.

Lựa chọn túi: Hiện nay trên thị trường có nhiều loại túi được sản xuất từ nhiều chất liệu khác nhau: Túi xốp, túi ni-lông và loại túi chuyên dùng được thiết kế dành riêng cho từng loại quả. Theo khuyến cáo của Chi cục Bảo vệ thực vật, nông dân nên sử dụng túi chuyên dùng dành cho vải (túi được làm bằng một chất liệu vừa có thể hấp thụ được ánh sáng vừa thoát nước tốt…).

Kỹ thuật bao trái: Lồng túi bao bên ngoài chùm vải theo chiều từ ngoài vào qua chùm quả, sau đó buộc miệng túi phía trên cuống quả bằng dây mềm. Sau khi bao trái hoặc trong quá trình bao trái, nông dân cần thường xuyên theo dõi, kiểm tra chùm quả nếu thấy quả bị thối, hỏng hoặc túi bị tuột cần báo cho cán bộ kỹ thuật để xử lý.

Túi bao trái được nhiều nông dân coi là áo bảo hộ tốt nhất cho các loại quả. Bao trái cho vải giúp hạn chế sâu đục cuống quả gây hại, côn trùng châm, chích, ảnh hưởng đến mẫu mã của quả. Dùng túi bao chùm quả còn giúp hạn chế quả vải bị rụng do sâu bệnh; giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật; tăng thời gian bảo quản cho quả vải khoảng 5 ngày so với không bao túi. Đặc biệt, kỹ thuật bao quả còn có tác dụng giúp hạn chế tồn dư thuốc bảo vệ thực vật mà không ảnh hưởng đến mã quả, đáp ứng được các tiêu chuẩn xuất khẩu sang Mỹ và một số thị trường khó tính khác.

LAN ANH (tổng hợp)