Kỹ thuật phòng chống rét cho mạ

Trong những ngày vừa qua, thời tiết diễn biến tương đối phức tạp và theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia thì đợt không khí lạnh tràn về sẽ còn kéo dài, như vậy sẽ ảnh hưởng tới sự sinh trưởng và phát triển cho mạ xuân.

che phu ma
Ảnh minh họa

Trong kỹ thuật thâm canh lúa nước, mạ là yếu tố rất quan trọng, nó quyết định đến năng suất, chất lượng của sản phẩm. Trong dân gian đã đúc kết bằng kinh nghiệm có câu: “tốt giống tốt má, tốt mạ tốt lúa”. Đối với vụ chiêm xuân ngoài việc chăm bón, phòng trừ sâu bệnh, biện pháp phòng chống rét cho mạ khi nhiệt độ xuống thấp là khâu cần được bà con nông dân chú trọng đặc biệt quan tâm và thực hiện một số biện pháp sau:

- Đối với nước: Thường xuyên duy trì mực nước từ 1-3cm (1/3 cây mạ) để dữ ấm cho mạ; cứ 2-3 ngày cần thay nước một lần.

- Đối với phân bón:

+ Tuyệt đối không sử dụng đạm Ure, mà chỉ sử dụng Lân Supe hòa với nước tưới thường xuyên 2-3 ngày/lần; liều lượng 100-200g/m2 mạ, với điều kiện thời tiết rét hại liên tục nhiệt độ trên dưới 10oC.

+ Mạ có biểu hiện vàng úa, chết từng chòm, từng đám ngoài biện pháp duy trì mực nước bà con bổ sung phân bón qua lá dạng hữu cơ như AH, KH, A2 phun trực tiếp lên mạ; liều lượng theo hướng dẫn trên bao bì.

- Che phủ ni lông để tránh rét cho mạ bằng cách:

Dựng khung vòm theo rãnh mạ đã có sẵn, dùng ni lông màu trắng bao theo khung, lấp đất chặn riềm xung quanh tránh gió làm lật ni lông. Biện pháp này cần được đóng mở nhịp nhàng theo thời tiết và trời có ánh nắng, cần lưu ý được mở ni lông từ 5-7 ngày và có thể bón thêm đạm Ure trước khi mang mạ ra ruộng cấy.

Kỹ sư Phạm Văn Cường - PGĐ Trung tâm DVNN huyện Thanh Hà