Sản xuất nông sản sạch người dân được lợi đôi đường: được hướng dẫn hỗ trợ cách làm, giá thành nông sản cao …
Những năm trước, nông dân tỉnh ta chưa mặn mà với sản xuất nông nghiệp theo quy trình VietGAP vì giá bán sản phẩm cũng chỉ ngang nông sản thường trong khi quy trình sản xuất lại khắt khe hơn. Nhưng 2 năm trở lại đây, tình hình đã thay đổi.
Vải VietGAP Thanh Hà bán tại các siêu thị ở Hà Nội được nhiều người tiêu dùng lựa chọn
Đã thấy lợi ích
Kết thúc vụ vải thiều năm nay, gia đình ông Nguyễn Văn Khánh ở xã Thanh Xá (Thanh Hà) đã mở tiệc ăn mừng. Ông bảo: “Năm nay không những vải được mùa, bán được giá mà quả vải VietGAP còn được đi Tây, bán ở Mỹ, Úc”. Bà Ngân, hàng xóm của ông Khánh nói thêm vào: “Vải nhà ông được đi Tây còn vải VietGAP của nhà tôi cũng được doanh nghiệp đưa vào bán ở nhiều siêu thị trên Hà Nội”.
Chưa bao giờ người trồng vải VietGAP ở Thanh Hà lại vui đến thế. Những năm trước, mặc dù vải VietGAP đã bán được với giá cao hơn so với vải được trồng và chăm sóc theo quy trình truyền thống nhưng người dân vẫn phải chật vật lo đầu ra. Năm nay, ngay từ đầu vụ vải VietGAP đã được nhiều doanh nghiệp đặt cọc và cam kết thu mua với giá cao hơn vải thường từ 10-20%. Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Thanh Hà khẳng định: “Năm nay, vải trồng theo quy trình VietGAP của Thanh Hà đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường. Nếu như năm 2012, toàn huyện có hơn 16 ha vải được cấp giấy chứng nhận VietGAP, thì năm 2015 tăng lên hơn 100 ha. Bên cạnh đó, huyện còn gần 1.000 ha người dân tự sản xuất theo quy trình VietGAP. Bên cạnh VietGAP, nông dân còn mở rộng sản xuất vải theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Ngoài ra, huyện cũng có chủ trương mở rộng diện tích ổi VietGAP tại xã Liên Mạc và Thanh Xuân”.
Những ngày này, người trồng na VietGAP ở Chí Linh cũng tất bật hơn. Năm nay, quả na của họ sẽ được siêu thị Fivimart (Tổng công ty CP Nhất Nam) thu mua, dự kiến giá mua sẽ cao hơn so với na không VietGAP. Anh Hoàng Vũ Hùng, thôn Phục Thiện, xã Hoàng Tiến (Chí Linh) cho biết: “Đại diện siêu thị Fivimart vừa về đây khảo sát và dự định sẽ trở lại để ký hợp đồng thu mua toàn bộ số na VietGAP của gia đình tôi. Họ bảo, quả na trước khi được đưa vào siêu thị phải được kiểm tra nghiêm ngặt từ khâu chăm sóc đến thu hoạch. Quả na phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Vì thế, bây giờ chúng tôi phải học cách viết nhật ký ghi lại quy trình sản xuất mới có thể đưa quả na Hoàng Tiến vào bán ở siêu thị”.
Theo Sở NN-PTNT, hiện nay tỉnh ta mới có hơn 100 cơ sở, hộ sản xuất được chứng nhận đạt chuẩn VietGAP, chủ yếu đối với rau, vải, cà rốt… Bà Nguyễn Thị Kiểm, Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NN-PTNT) tỉnh cho biết: “Nông sản VietGAP chỉ thực sự tìm lại được chỗ đứng khi sản phẩm được người tiêu dùng trân trọng. Trước đây, nông sản VietGAP bị bỏ rơi cũng vì chưa tạo được sự khác biệt giữa nông sản đạt chuẩn VietGAP và nông sản thông thường. Tuy nhiên, sau những hội nghị xúc tiến thương mại được tổ chức tại tỉnh cũng như tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, chúng tôi nhận thấy nhu cầu tiêu thụ nông sản VietGAP khá lớn. Nhiều doanh nghiệp đã tìm đến Hải Dương để kết nối nhập hàng về bán tại siêu thị hoặc làm nguyên liệu chế biến xuất khẩu”.
Xu hướng tất yếu
“Nhiều doanh nghiệp đã tìm đến Hải Dương để kết nối nhập hàng về bán tại siêu thị hoặc làm nguyên liệu chế biến xuất khẩu”. |
Sản xuất nông sản an toàn chính là chìa khóa thành công đối với sản xuất nông nghiệp hiện đại. Bởi lẽ để nông sản đạt tiêu chuẩn xuất khẩu hay bán ở hệ thống phân phối hiện đại với giá cao thì đòi hỏi phải sản xuất theo chuẩn VietGAP. Ở nhiều quốc gia trên thế giới ngoài VietGAP, nông sản còn phải đạt tiêu chuẩn cao hơn như: GlobalGAP, EuroGAP… Ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Hoa Mai (Nam Sách) cho biết: “Đối với các doanh nghiệp chế biến nông sản xuất khẩu thì chuẩn VietGAP là yêu cầu đầu tiên khi thu mua nông sản. Nếu sản phẩm không được sản xuất theo quy trình bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng thì khó có thể chế biến để xuất khẩu, nhất là sang các thị trường khó tính như Mỹ, EU. Do đó, hiện nay chúng tôi không mua nông sản trôi nổi mà tập trung thu mua những nông sản đã được sản xuất theo quy trình VietGAP. Doanh nghiệp cũng đang gấp rút thuê đất để xây dựng vùng sản xuất nông sản VietGAP bảo đảm duy trì nguồn cung nguyên liệu sạch cho nhà máy”.
Trong dự thảo tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, nhiều sản phẩm nông sản sẽ được lựa chọn quy hoạch để sản xuất theo hướng VietGAP. Theo bà Vũ Thị Hà, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh, nông sản sạch sẽ mở ra cơ hội lớn cho ngành trồng trọt và là xu hướng tất yếu trong tiêu dùng. Tỉnh ta lại có tiềm năng về sản xuất nông sản VietGAP do nông dân có nhiều kinh nghiệm, thị trường tiêu thụ rộng. Các nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu cũng có khả năng thu mua nông sản VietGAP sản lượng lớn. Đặc biệt, nhu cầu về thực phẩm sạch của người dân mấy năm gần đây cũng tăng mạnh sẽ tạo động lực để mở rộng diện tích sản xuất theo hướng VietGAP”.
Thời gian qua, cà chua Thượng Đạt (Nam Sách), bí xanh An Châu (TP Hải Dương) đạt chuẩn VietGAP đã được đưa vào bán ở siêu thị Big C Hải Dương. Vải VietGAP được bán ở tất cả các hệ thống siêu thị và xuất khẩu… Tuy nhiên, hiện nay sản xuất nông sản theo hướng VietGAP vẫn còn gặp nhiều rào cản do nông dân trong tỉnh chưa nhận thức được hết ý nghĩa của sản xuất VietGAP. Nông dân cũng chưa nhận được sự hỗ trợ đầy đủ của Nhà nước trong việc áp dụng các quy trình của VietGAP. Do đó, để mở rộng diện tích, tỉnh cần có chính sách tạo đầu ra cho nông sản VietGAP; cần có cơ chế hỗ trợ thích đáng hoặc hướng dẫn người dân làm VietGAP tốt hơn.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến năm 2020 toàn tỉnh phấn đấu 100% diện tích vải, ổi, na được sản xuất theo quy trình VietGAP. Trong đó, 50% diện tích được cấp giấy chứng nhận. Ngoài mở rộng diện tích VietGAP trên cây trồng, tỉnh sẽ tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ nông dân chăn nuôi theo hướng VietGAP. |
HẢI MINH (baohaiduong.vn)