Vải Thanh Hà có hạt nhỏ, cùi dày, ăn rất thơm và ngọt lịm như đường…
Vải thiều hay còn có tên gọi khác là “lệ chi” trong tiếng Hán-Việt, là một trong những loại trái cây đặc sản của Việt Nam. Ở nước ta, vải thiều đã xuất hiện từ rất lâu đời và được trồng chủ yếu ở các tỉnh miền Bắc như Hải Dương, Bắc Giang, Quảng Ninh, …nhưng ngon nhất thì phải kể đến vải thiều Thanh Hà (Hải Dương). Thương hiệu vải thiều Thanh Hà đã được UBND huyện Thanh Hà, sở khoa học công nghệ Hải Dương tiến hành đăng ký bảo hộ, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm này lên Cục Sở Hữu Trí Tuệ.
Vào tầm tháng 5, tháng 6, cả xứ Thanh Hà như được bao trùm bởi một màu vải chín đỏ tươi đẹp mắt. Từ sáng sớm đã nhộn nhịp thương lái ngược xuôi đến mua vải và du khách đến tham quan cây vải tổ tại thôn Thúy Lâm (xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà).
Thương lái tấp nập ngược xuôi thu mua vải. (Hình sưu tầm)
Nông dân đang thu hoạch vải. (Hình sưu tầm)
Tục truyền rằng, trong những năm cuối thế kỉ thứ 19 hoặc đầu thế kỉ thứ 20, cụ Hoàng Văn Cơm từng làm khuân vác ở Hải Phòng, khi thấy vài người lái buôn Trung Quốc ăn quả vải vứt hạt đi, cụ đã nhặt được sáu hạt, đem về quê ươm giống và mọc được ba cây. Nhưng do cụ bà dọn cỏ sơ ý đã làm chết mất hai cây chỉ còn lại một cây. Đó chính là cây vải thiều đầu tiên của nước ta. Cây vải tổ được trồng ở vùng đất phù sa ven sông Thái Bình, hợp với khí hậu nên phát triển rất tốt, cho loại quả ngon có tiếng mà người dân thường hết lòng khen ngợi.
Cây vải tổ hơn 200 tuổi bên cạnh đền thờ cụ Hoàng Văn Cơm. (Hình sưu tầm)
Vải Thanh Hà có hạt nhỏ, cùi dày, ăn rất thơm và ngọt lịm như đường, không có vải nơi nào có thể sánh được. Dưới cái nắng nóng oi bức của mùa hè, chỉ cần được nhấm nháp một trái vải, thưởng thức vị ngọt thanh mát lan tỏa đến đầu lưỡi là biết bao mệt nhọc, khó chịu dường như được xua tan hết. Bên cạnh đó, ít ai biết rằng vải còn là một loại trái cây cực kì bổ dưỡng và có tác dụng chữa bệnh rất tốt. Cụ thể là hàm lượng vitamin trong vải cực kì cao rất hiệu quả trong việc tăng cường hệ miễn dịch, tạo làn da đẹp rạng ngời, tốt cho trí não, điều hòa huyết áp và kháng ung thư.
Giống vải thiều vỏ mỏng, cùi dày, hạt bé, ngot mát. (Hình sưu tầm)
Vải có thể dùng tươi hoặc cũng có thể dùng dưới dạng vải sấy khô, vải đóng hộp hoặc nước ép vải.
Vải sấy khô (Hình minh họa)
Vải thiều đã trở thành một loại cây trồng chủ lực của mảnh đất Thanh Hà, đem lại nguồn thu nhập chính cho người dân ở đây. Không chỉ được tiêu thụ trong nước, vải Thanh Hà còn rất được ưa chuộng tại các thị trường khó tính khác như Trung Quốc, Malaysia, Úc… và đáng kể nhất là gần đây hai lô vải thiều Việt Nam lần đầu tiên đến Pháp đã được tiêu thụ rất nhanh với giá bán tương đương 240.000 đồng/kg. Đây là một tín hiệu rất vui cho cây vải nói riêng và cho toàn ngành nông nghiệp của Việt Nam nói chung, góp phần khẳng định chất lượng của thương hiệu vải Thanh Hà.
Đinh Thị Mỹ Duyên (theo travelcarevietnam.com)