Những đối tượng không được bảo hộ chỉ dẫn địa lý

Chỉ dẫn địa lý là một trong những đối tượng sở hữu trí tuệ được bảo hộ theo quy định của pháp luật Sở hữu trí tuệ ở các nước nói chung và Việt Nam nói riêng.

Theo Điều 4 khoản 22 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 của Việt Nam, chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ, hay quốc gia cụ thể. Như vậy trước hết chỉ dẫn địa lý phải là một dấu hiệu (có thể là hình ảnh hoặc bằng chữ hoặc kết hợp cả hai) nhìn thấy được, dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể. Vậy, một sản phẩm phải đáp ứng được những điều kiện gì để có thể được bảo hộ chỉ dẫn địa lý?

nhung-doi-tuong-khong-duoc-bao-ho-chi-dan-dia-ly-0
Chỉ dẫn địa lý là một trong những đối tượng sở hữu trí tuệ được pháp luật bảo hộ

Những đối tượng được bảo hộ chỉ dẫn địa lý:

Theo quy định tại điều 79 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, những điều kiện chung đối với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ bao gồm:

- Thứ nhất, sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có nguồn gốc địa lý từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý;

- Thứ hai, sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu do điều kiện địa lý của khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý đó quyết định.

Như vậy, để có thể được bảo hộ dưới danh nghĩa chỉ dẫn địa lý, thì cần phải tồn tại một địa danh, và tại địa danh này một loại sản phẩm nào đó được sản xuất ra mà danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu của sản phẩm được quyết định bởi những điều kiện địa lý của địa danh đó. Vậy để sản phẩm có được những đặc tính khác biệt, bắt buộc sản phẩm đó phải được sản xuất tại địa danh đó.

Có thể lấy một số ví dụ điển hình đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam công nhận, bảo hộ là chỉ dẫn địa lý như: Nước mắm Phú Quốc; Cà phê nhân Buôn Ma Thuột; Bưởi Đoan Hùng; Vải thiều Thanh Hà; Gạo Tám Xoan…

nhung-doi-tuong-khong-duoc-bao-ho-chi-dan-dia-ly-1
Việt Nam hiện có 38 sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý

Những đối tượng không được bảo hộ chỉ dẫn địa lý:

Theo quy định tại Điều 80 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 thì có 4 loại đối tượng sau không được bảo hộ với danh nghĩa chỉ dẫn địa lý, bao gồm:

- Thứ nhất, tên gọi, chỉ dẫn đã trở thành tên gọi chung của hàng hóa ở Việt Nam

- Thứ hai, chỉ dẫn địa lý của nước ngoài mà tại nước đó chỉ dẫn địa lý không được bảo hộ, đã bị chấm dứt bảo hộ hoặc không còn được sử dụng.

- Chỉ dẫn địa lý trùng hoặc tương tự với một nhãn hiệu đang được bảo hộ, nếu việc sử dụng chỉ dẫn địa lý đó được thực hiện thì sẽ gây nhầm lẫn về nguồn gốc của sản phẩm.

- Chỉ dẫn địa lý gây hiểu sai lệch cho người tiêu dùng về nguồn gốc địa lý thực của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đó.

Như vậy, nếu một địa danh đăng ký cho sản phẩm được sản xuất tại đó thuộc một hoặc nhiều hơn trong bốn trường hợp nêu trên sẽ không được bảo hộ là chỉ dẫn địa lý.

Tuyết Trinh (vietq.vn)