Sắn dây, là một loại cây trồng hàng năm đang được người dân tại một số địa phương trồng và phát triển mạnh mẽ như xã An Phụ, Thượng Quận, Long Xuyên, Lạc Long… huyện Kinh Môn, xã Thanh Lang, Thanh An… huyện Thanh Hà.
Từ sắn dây, nhiều hộ gia đình ở đây đã vươn lên thoát nghèo. Cứ vào tháng giêng đến tháng 3 hàng năm mùa thu hoạch sắn dây lại bắt đầu. Năm nay từ khi bắt đầu vào vụ thu hoạch thị trường thu mua sắn dây đã bắt đầu sôi động, được giá và đang hứa hẹn mang về thu nhập cao cho người dân trồng sắn nơi đây. Theo anh Tăng Bá Ngọc Hà khuyến nông viên xã Thanh Lang cho biết sắn dây là một loài cây dễ trồng, không kén đất và có giá trị dinh dưỡng cao, ngoài công dụng y học, sắn dây còn là nguồn phân xanh và thức ăn cho gia súc, đầu tư ít, dễ bán thị trường ổn định.
Xã Thanh Lang, là một trong những xã có diện tích trồng sắn dây nhiều nhất nhì của huyện Thanh Hà. Theo ông Tăng Bá Hoành chủ tịch UBND xã cho biết diện tích trồng sắn dây của xã là 19,56 ha, được trồng tập trung tại các vùng ven đê của xã.
Vào những ngày đầu năm, các thương lái và người dân trồng sắn đang tập nập mua bán sắn. Là một thương lái chuyên thu mua sắn dây từ nhiều năm nay anh Tăng Bá Đô xã Thanh Lang cho biết từ đầu vụ đến giờ anh thu mua gần chục tấn sắn dây rồi, và giá sắn dây năm nay cao hơn mọi năm cùng thời điểm từ 1 – 2 nghìn đồng (trung bình 8.000 đồng/kg).
Chị Tăng thị Hoa thôn Lang Can xã Thanh Lang là một hộ có 50 ụ trồng sắn dây, đã thu hoạch được 10 ụ sắn được 700 kg bán với giá 8.000 đồng/kg thu về 5.600.000 đồng. Chị cho biết gia đình chị trồng sắn dây từ nhiều năm nay rồi, những năm trước trồng quy mô nhỏ 5-10 ụ sắn dây. Thấy được giá, thị trường tiêu thụ dễ, ổn định nên năm nay gia định chị phát triển trồng đến 50 ụ. Thương lái đến tận vườn để mua. Tính trung bình mỗi ụ 70 kg với giá bán như hiện nay 8.000đồng/kg chị cũng thu về 28 triệu đồng.
Cũng giống như xã Thanh Lang huyện Thanh Hà, xã Thượng Quận huyện Kinh Môn, là một xã phát triển trồng sắn dây từ lâu và quy mô lớn với diện tích luôn được tăng dần theo từng năm. Theo anh Nguyễn Đức Minh cán bộ khuyến nông xã cho biết: “Năm nay tổng diện tích trồng sắn dây của xã Thượng Quận là 70 ha, sang năm diện tích có thể tăng lên 95ha nếu thị trường ổn định và được giá như mấy năm trở lại đây”, phát triển trồng sắn dây đã trở thành một hướng thâm canh cây trồng có truyền thống, người dân ở đây có kỹ thuật, kinh nghiệm canh tác tương đối tốt, bên cạnh đó còn được các cán bộ khuyến nông huyện tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật đắp ụ, làm giàn, chăm bón, phòng trừ một số loại sâu bệnh (Bệnh nhện đỏ, muội sùi,…) nên năng suất, chất lượng sắn dây của người dân trong xã Thượng Quận bao giờ cũng cao hơn các địa phương khác. Điển hình hộ gia đình anh Nguyễn Đức Bôn thôn Bãi Mạc xã Thượng Quận huyện Kinh Môn, nhiều năm nay anh áp dụng đúng kỹ thuật trồng, đắp ụ, làm giàn, chăm sóc tốt nên năm nào năng suất rất cao, chất lượng tốt và luôn được các thương lái chú ý và đặt hàng mua từ trước. Anh cho biết sau nhiều năm trồng sắn dây anh đã đúc rút kinh nghiệm và kỹ thuật trồng sắn dây anh cho biết: Sắn dây là cây lấy củ nên muốn có năng suất cao ngoài chăm sóc thì khâu đắp ụ, làm giàn (Ụ trồng sắn càng to càng tốt, đất phải mới, tơi xốp, giàn phải đủ cho sắn leo, nếu dây sắn trên giàn dầy quá dẫn đến quang hợp kém, cho hiệu quả không cao…). Năm nay, gia đình anh trồng 240 ụ, từ đầu vụ đến giờ anh đã thu hoạch được 50 ụ rồi, trung bình mỗi ụ cũng được 75-80 kg, với giá bán 8000 đồng/kg. Anh nhẩm tính vụ sắn dây năm nay anh trồng 240 ụ trung bình mỗi ụ 75 kg với giá bán 8000 đồng/kg anh cũng thu về trên 144 triệu đồng. Không chỉ gia đình anh Nguyễn Đức Bôn mà xã Thượng Quận có rất nhiều hộ gia đình trồng từ 100 ụ sắn dây trở lên và có thâm niên trồng 5-10 năm như gia đình anh Nguyễn Đức Bính thôn Quế Lĩnh hiệu quả trồng sắn dây cũng rất cao. Anh cho biết năm nay gia đình nhà anh trồng trên 5 sào sắn dây vừa qua đã thu hoạch và bán xong. Trung bình mỗi sào gia đình anh thu được 1,2 tấn sắn củ, giá bán 8.000 đồng/kg, thu về 48 triệu đồng, trừ chi phí anh thu lãi khoảng 30 triệu đồng.
Anh Nguyễn Đức Minh cho biết trồng sắn dây dễ trồng, đầu tư ít, đầu ra ổn định mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều năm trở lại đây người dân không phải lo lắng về đầu ra của sản phẩm, tư thương thu mua ở rất nhiều nơi, ngoài thương lái thu mua người Hải Dương còn có các tỉnh như Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh…đến tận bờ ruộng, bờ đê nơi trồng sắn để thu mua. Bên cạnh đó, trồng sắn dây có thể tận dụng những vùng đất hoang hoá ngoài đê, trong vườn nhà, ruộng canh tác cho hiệu quả năng suất thấp, chỉ canh tác được một vụ. Anh cho biết thêm, đầu tư trồng sắn dây chủ yếu là làm giàn cho sắn và chỉ cần làm một vụ có thể trồng 4-5 vụ. Cho nên hiệu quả trồng sắn sẽ nâng cao dần vào các năm sau. Đối với kỹ thuật trồng sắn dây có một số kỹ thuật cơ bản người dân phải chú ý đó là: “Đối với sắn dây đất mới thì càng tốt ngoài ra đất phải tơi xốp, đối với giàn cho sắn leo thì giàn phải đảm bảo đủ cho dây sắn leo, tránh các dây sắn đè lên nhau ( giảm khả năng quang hợp), đặc biệt không để dây sắn chạm đất, sắn sẽ đâm rễ tạo gốc mới, năng suất giảm…”
Trồng, thâm canh sắn dây tại một số địa phương trong tỉnh Hải Dương đến nay có thể khẳng định là cây trồng cho hiệu quả kinh tế, không những giúp người dân trồng sắn thoát nghèo mà đã có rất nhiều hộ vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, hiện nay diện tích trồng sắn dây của người dân vẫn là tự phát, kỹ thuật trồng chủ yếu được đúc rút từ kinh nghiệm. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả kinh tế của cây sắn dây, đề nghị các cấp các ngành trong thời gian tới tổ chức các cuộc thăm quan, hội thảo, tổng kết đánh giá các diện tích trồng sắn dây tự phát của người dân để người dân học hỏi, nhân rộng, đúc rút bài học và những hạn chế từ các mô hình, trên cơ sở đó có thể triển khai, xây dựng các mô hình trồng sắn, tăng cường tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân. Cùng với đó có thể quy vùng, tiến tới tạo thương hiệu cho sản phẩm sắn dây tỉnh Hải Dương.
Theo sonongnghiep.haiduong.gov.vn