Vào khoảng thời gian từ giữa tháng 5 đến tháng 6 dương lịch, về huyện Thanh Hà (tỉnh Hải Dương), chúng ta sẽ lại thấy cảnh nhộn nhịp, tấp nập “người bán, kẻ mua”. Bởi đây chính là lúc trái vải thiều cho thu hoạch. Vải là loại cây trồng chủ lực, có hiệu quả kinh tế cao và đem lại cuộc sống khấm khá cho người dân ở huyện Thanh Hà nhiều đời nay.
Vải thiều Thanh Hà là trái cây được thị trường cả trong và ngoài nước rất ưa chuộng
Lùi lại một chút về quá khứ, theo những ghi chép để lại, cách đây gần 200 năm, cây vải thiều được cụ Hoàng Văn Cơm (tên tự là Phúc Thành) sinh ngày 10 tháng 5 năm Mậu Thân (1848) mang về trồng ở thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn (Thanh Hà). Từ cây vải quý đó, cụ Cơm đã chiết cành nhân rộng ra vườn nhà và tặng, cho người thân trong làng, ngoài xã. Và cho đến nay, cây vải tổ này vẫn còn uy nghi hiện hữu, tỏa bóng xanh tươi.
Hiện nay, toàn huyện Thanh Hà có 3.865 ha vải, trong đó vùng xuất khẩu có diện tích trên 92 ha, diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP là 25 ha (do Viện Nghiên cứu rau quả xây dựng mô hình), khoảng 200 ha được chứng nhận VietGAP và hơn 3.000 ha sản xuất theo quy trình VietGAP.
Riêng vải chín sớm, Thanh Hà có trên 1.300 ha, tập chung chủ yếu ở các xã thuộc khu Hà Đông. Dự kiến sản lượng năm nay đạt khoảng 18.000 tấn và sẽ cho thu hoạch từ ngày 15/5 đến 5/6.
Diện tích còn lại là vải chính vụ, tập chung ở khu Hà Nam và một số xã khác trên địa bàn huyện. Sản lượng dự kiến trên 20.000 tấn, thời gian cho thu hoạch khoảng từ ngày 5/6 -30/6.
Vải thiều Thanh Hà khi chín có màu đỏ, vỏ mỏng, vị ngọt đậm, cùi dày, hạt nhỏ và có hương thơm đặc trưng. Đây cũng chính là điểm khác biệt nổi bật của trái vải Thanh Hà với trái vải ở các vùng miền khác. Có lẽ do bí quyết canh tác truyền thống của người dân Thanh Hà đã làm nên chất lượng trái vải mà không một vùng nào có được.
Theo các chuyên gia, đây là loại trái cây bổ dưỡng, hàm lượng vitamin cao, có tác dụng chữa bệnh, rất hiệu quả trong việc tăng cường hệ miễn dịch. Đồng thời, tốt cho trí não, điều hòa huyết áp, tạo làn da đẹp… Ngoài vải tươi, trái vải còn được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như hoa quả sấy héo, sấy khô, để trong tủ lạnh, cùi vải ướp đường, ngâm rượu, nấu chè…
Qua khảo sát các kênh thông tin, vải thiều Thanh Hà là trái cây được thị trường cả trong và ngoài nước rất ưa chuộng. Những năm gần đây, cùng với sự lan tỏa rộng tại thị trường trong nước, trái vải của huyện Thanh Hà còn vươn mạnh sang thị trường các quốc gia như: Trung Quốc, Australia, Pháp, Singapore, Canada, Mỹ, Đức, Hàn Quốc, Phần Lan… và được đánh giá cao về mẫu mã cũng như chất lượng.
Đại diện UBND huyện Thanh Hà cho biết, huyện đã xây dựng kế hoạch quảng bá, xúc tiến thương mại và hỗ trợ, hướng dẫn các hộ dân sản xuất theo quy trình VietGAP để tạo ra sản phẩm quả vải có chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, chủ động in bao bì, tem nhãn, tờ rơi, thư mời để phục vụ cho việc quảng bá và tiêu thụ sản phẩm vải thiều trong thời gian tới.
Phùng Nguyện
Thời báo Mê Kông số 220