Nhiều người tỏ ra ngỡ ngàng khi chứng kiến những nông cụ đá, đồ đá cổ khi đến thăm bảo tàng độc nhất vô nhị ấy ở huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Người đã sưu tầm được bộ đồ đá khổng lồ quý hiếm đó là nhà sư Thích Thanh Thắng.
Về đến xã Tiền Tiến, nếu hỏi từ trẻ chăn trâu đến cụ già tóc bạc thì ai cũng biết chùa Đồng Ngọ Tự, nhưng thường gọi theo tên dân gian là Cửu Phẩm.
Ngôi chùa này được Khuông Việt Thiền sư xây dựng năm 971 theo chiếu lệnh của vua Đinh Tiên Hoàng, nghĩa là có tuổi đời lâu hơn cả Thăng Long – Hà Nội hay chùa Một Cột.
Tường vây vĩnh cửu khuôn viên vườn chùa |
Muốn xem bảo tàng đá độc đáo ở chùa Cửu Phẩm thì chẳng gặp khó khăn gì vì hiện vật được bày ngay từ ngoài sân, nhưng chúng tôi không hiểu được những hiện vật ấy thực hư ra sao nên phải đợi thầy Thắng về.
Điều lạ ở sân, vườn trong ngôi chùa
Hơi bị bất ngờ khi có người tận Hà Nội tìm về hỏi han về bộ sưu tập đồ đá của mình, nhưng nhà sư vẫn niềm nở giới thiệu: “Đồ sộ và lớn lắm, là thành quả của tôi suốt 25 năm qua. Mọi người vào chùa thường ngó qua một chút, nhưng không mấy ai hiểu gì, xem cũng chỉ như để thỏa trí tò mò thôi”.
Thầy Thích Thanh Thắng năm nay gần ngũ tuần, đã trụ trì ngôi chùa Cửu Phẩm được tròn 25 năm. Cũng bằng đó thời gian, nhà sư đã lặn lội đi lùng tìm những bộ đồ đá cổ của vùng nông thôn Bắc bộ. Những cuộc đi tìm kiếm ấy đầy gian nan và ngoạn mục, có thể so với những cung đường mà Đường Tăng sang Tây Trúc thỉnh kinh.
Đến nay, theo ghi chép thống kê, bộ sưu tập đồ đá của thầy Thắng đã lên đến xấp xỉ 2.000 hiện vật với tổng trọng lượng khoảng 180 tấn.
Tại Đồng Ngọ Tự, chúng tôi được chứng kiến một bộ sưu tập đồ đá cổ vô cùng phong phú, đa dạng, có thể nói không nơi nào có, gồm trụ đá, cột đá, tháp đá, trục đá, bia đá, phiến đá, hương đá, cầu đá, chó đá, gạch lát đường bằng đá… Hầu như tất cả những gì làm bằng đá của người xưa đều được trưng bày ở trong sân chùa, vườn chùa.
Nhà sư Thích Thanh Thắng – chủ nhân của bảo tàng |
Những chiếc cối đá cổ dùng để trồng cây cảnh ven hồ sen |
Những chiếc trụ đá trong bộ cối giã gạo ngày xưa |
Bước chân qua cổng chùa, chúng tôi thấy có một chiếc hồ sen và một chiếc ao kiểu giếng làng ngày xưa. Cả ao và hồ đều được thầy Thắng kê những chiếc cối đá xung quanh miệng. Tính ra phải có đến gần 300 chiếc cối đá to nhỏ khác nhau hiện hữu ở đây.
Trên những chiếc cối đá ấy, thầy cho trồng hoa hoặc cây cảnh, cây thuốc. Thầy kể rằng cối đá chính là vật dụng mà ngày xưa, nhà nào ở vùng nông thôn Bắc bộ cũng phải có. Nó kết hợp với chiếc chày tay bằng gỗ để giã thóc gạo, muối vừng, lạc, thịt…
Từ khi có máy xay, máy xát thì những chiếc cối đá ấy trở nên vô dụng. Thầy Thắng cho hay những chiếc cối đá ở chùa hiện nay có niên đại ít nhất là sáu, bảy chục năm cho đến trên trăm năm tuổi.
Ở góc vườn chùa có vài chục hiện vật đá rất lạ mắt mà chúng tôi chưa nhìn thấy bao giờ, không biết gọi tên là gì. Nhà sư giảng giải:
“Đây là những chiếc trục, hay một số nơi gọi là các trụ đá, nằm trong bộ cối giã gạo đạp chân, rất phổ biến ở vùng Bắc bộ thời trước Cách mạng tháng Tám. Công cụ này gồm một chiếc cối, thường làm bằng đá để đựng thóc gạo và nhiều chày có cán. Chày có cán trong bộ cối giã gạo đạp chân cấu thành từ chày giã (bằng gỗ cứng, tròn, dài 40 – 50cm) và cán (bằng gỗ, vuông tròn đều được, dài ít nhất hai thước). Ở vị trí khoảng 1/3 về cuối có lắp một con xỏ ngang, gọi là tai cán chày. Để có thể hoạt động (đạp chân), chày có cán được gá lên một trụ bằng đá”.
Đống trục đá ngày xưa dùng để cán lúa được thầy Thắng sưu tầm |
Chiếc thống đá có niên đại gần 400 tuổi, người xưa dùng để đựng nước và đãi gạo nấu xôi khi có yến tiệc |
Loại cổ vật có số lượng nhiều nhất trong bộ sưu tập của nhà sư Thích Thanh Thắng là trục cán lúa bằng đá xanh. Phải có đến sáu, bảy trăm chiếc trục cán lúa như vậy được xếp đặt ngay từ ngoài cổng, trong sân chùa, hoặc quanh gốc cây cổ thụ, ao bèo.
Mỗi chiếc trục cán lúa cổ ấy là một khối đá hình tròn hoặc hình bầu dục, dài gần một thước, được đục hai đầu để cho hai thanh sắt cỡ lớn vào. Sau đó, người nông dân buộc dây vào hai thanh sắt đó cán lăn qua lăn lại trên những bông lúa đã gặt để hạt thóc rời ra.
Nhà sư tỏ ra sáng tạo khi cho xây những bức tường rào, lan can rồi lắp trục đá cán lúa vào giữa. Bức tường nhờ vậy vừa bền chắc, vừa tạo cho bất cứ ai được chiêm ngưỡng một hình ảnh lạ mắt, thú vị. Ngay gần bức tường lan can với hàng chục trục cán lúa, chúng tôi thấy một chiếc trục khổng lổ. Nếu chiếc trục cán lúa nhỏ chỉ nặng khoảng 70kg thì chiếc trục này nặng đến cả tấn. Nó vốn là vật dụng mà xưa kia bà con vùng Hòa Bình, Thanh Hóa dùng để ép mía.
Sự sáng tạo trong cách trưng bày của nhà sư với những chiếc trục cán lúa chưa dừng lại ở đó. Khi chúng tôi vòng ra phía sau ngôi chùa mới thấy những chiếc trục đá cán lúa được gắn kết với nhau thành một lan can rất đẹp chạy xung quanh một ao bèo.
Ở giữa sân chùa còn có chiếc thống đá cổ hình trụ tròn, trên một mặt phẳng vuông vắn có bia khắc chữ Hán cổ. Chiếc thống đá này nặng 2,5 tấn, có niên đại gần 400 năm, tức là có từ thời Hậu Lê, được người xưa dùng để đựng nước. Theo thầy Thắng thì trước đây, thống đá ở chùa Đồng Ngọ này còn là phương tiện để các tăng ni dùng để đựng nguyên liệu làm oản, xôi khi nhà chùa có việc đại sự.
Nhà sư rất sáng tạo khi xếp những trục đá cán lúa thành tường bao quanh ao bèo |
Phiến đá cổ mà nhà sư đã tìm được cách đây 24 năm |
Ở phía bên phải của vườn chùa là khu trưng bày bia đá, phiến đá, hương đá và cầu đá. Ấn tượng nhất với chúng tôi là phiến đá cỡ lớn cao khoảng hai thước, rộng trên một thước, rêu phong cổ kính, đã hiện hữu ở vườn chùa suốt 25 năm qua. Tính theo niên đại thì tuổi phiến đá trên 300 năm (thời Lê Trung hưng).
Bên cạnh đó, chiếc cầu đá ở đây cũng có niên đại ngót 400 năm. Những chiếc cột đá đỡ lấy nhịp cầu được chạm khắc hoa văn rất tinh xảo. Ngày xưa, ở vùng nông thôn Bắc bộ, để bắc qua những con mương hoặc sông nhỏ, các làng thường liên kết với nhau thuê thợ làm cầu đá vĩnh cửu. Việc làm một chiếc cầu đá có khi mất vài năm trời.
Nhà sư tâm sự: “Giáo lý Phật giáo ở trong sách vở răn dạy chúng sinh rất cao siêu và khô cứng. Xưa kia, các nhà sư thường ẩn dật, tìm đến các ngọn núi cao tu luyện, xa rời trần tục, nhưng thực ra nếu hiểu linh hoạt thì đạo và đời rất gần gũi nhau.
Không có bất cứ sách Phật nào hay sư phụ nào khuyên tôi đi sưu tập đá cổ để tu hành, nhưng tôi thấy tiếc, rất tiếc những giá trị văn hóa. Nếu những nét xưa cũ của người dân nông thôn Bắc bộ bị mai một thì thế hệ sau không còn ai biết tới nữa”.
Kiên trì, nhọc nhằn những chuyến săn lùng đồ đá cổ
Bảo tồn văn hóa, khơi gợi lại những giá trị văn hóa tốt đẹp của cha ông ta ngày xưa là việc rất nên làm, kể cả đối với những nhà tu hành. Cũng từ ý nghĩ ấy, nhà sư đã bắt đầu cuộc trường chinh lùng tìm đá cổ. Câu chuyện bắt đầu cách đây đã 25 năm.
Trong một lần đi cầu siêu, giải hạn cho chúng sinh ở vùng Thanh Hà, thầy Thắng phát hiện một phiến đá xanh to ven đường. Khi đọc niên đại trên phiến đá, thấy có ghi từ thời Lê Trung hưng, thầy thấy quý quá, liền nhờ người và xe chở về sân chùa. Toàn bộ tiền bố thí của dân được thầy dùng để thuê xe chở phiến đá về chùa.
Chiếc cầu đá này là một nét sáng tạo trong giao thông của cư dân Đồng bằng Bắc bộ xưa |
Một lần khác đi đến huyện Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình, thầy thấy một chiếc cầu đá cổ rất đẹp nằm dưới bờ ruộng. Toàn bộ chiếc cầu đá nặng hàng chục tấn nên thầy đã nhờ chính quyền địa phương trông coi, sau đó quay lại chùa tìm thuê xe tải hạng nặng đến mang cầu đá về.
Thầy kể: “Nhiều bạn trẻở vùng Tam Điệp khi ấy tưởng thầy gàn dở, cứ trêu đùa và khích bác, cản trở việc vận chuyển chiếc cầu đá cổ ra khỏi làng, dù không ai có ý giữ lại làm gì”.
Nhiều lần, nhà sư Thích Thanh Thắng mặc đồ dân thường đi lùng tìm đá cổ. Đến mỗi vùng quê, công việc đầu tiên của thầy là tìm quán nước đầu làng hoặc gặp các cụ cao niên để dò hỏi tin tức.
Sau khi biết chính xác làng này, xóm kia có bao nhiêu công cụ cổ bằng đá đã bị người dân vứt bỏ, thầy thuê thanh niên trong vùng bê vác, tập kết chúng ở chỗ thuận tiện giao thông rồi lại thuê xe chở về chùa. Nếu biết có công cụ đá cổ dưới đáy ao hay đáy hồ, thầy cũng thuê người dân địa phương mò lên.
Rất nhiều cột đá, bia đá cổ |
Những con chó đá ngồi dưới gốc si |
Chiếc trục ép mía bằng đá nặng tới nửa tấn |
Nếu như đường gần, thầy thuê công nông, xe ngựa chở đá cổ về, còn từ nơi xa, ví dụ tận các huyện Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh), Vũ Thư (tỉnh Thái Bình) hoặc Hà Tây, Hòa Bình… thì công sức và tiền của còn tốn kém nữa. Có chuyến đi, nhà sư lùng được bốn, năm chục bộ đồ đá, gồm cối đá giã gạo, chó đá, nhiều trục đá cùng đôi trục đá ép mía rất lớn, nặng đến gần chục tấn.
Sau khi tập kết cổ vật ở ven đường quốc lộ, nhà sư phải thuê máy cẩu chúng lên ôtô để chở về chùa. Đến chùa, lại phải thuê người chuyển những đồ đá nặng kinh khủng đó vào đặt bên trong sân, vườn. Cứ qua một chuyến lùng đồ đá như vậy, nhà sư tốn cỡ vài ba chục triệu đồng.
Vậy mà có những vụ khi phát hiện được đồ đá rồi, thầy Thắng phải vất vả vài năm trời mới thương thuyết xong để được phép mang cổ vật đi. Thầy kể:
“Năm 2005, khi về huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, tôi phát hiện ra ở làng nọ có một cây cầu đá rất đẹp, dài bảy nhịp. Thế là tôi tìm cách thương lượng với chính quyền địa phương để xin nhượng cầu cho nhà chùa, đổi lại chùa sẽ xây cho xã ngôi nhà văn hóa trị giá 70 triệu đồng.
Thế nhưng sau nhiều lần thương thuyết, lãnh đạo địa phương nhất định không chịu. Đến tận năm 2009, họ thấy tôi thể hiện rõ ý đồ bảo tồn chiếc cầu đá ấy cho thế hệ mai sau thì mới hiểu, thông cảm và nhượng lại cho nhà chùa”.
Trong thời gian gần đây, thầy Thắng về huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên và tìm thấy một chiếc trục đá cổ có cách đây hơn 200 năm, nặng khoảng một tấn.
Cũng giống lần trước, nhà sư đã mất thời gian đàm phán với chính quyền địa phương cả năm trời mới có được sự đồng cảm và cho phép mang trục đá đi. Có những lần trên hành trình lùng đá, thầy còn bị người dân đuổi đánh, chó cắn vì tưởng là kẻ đi ăn trộm cổ vật…
Mỗi một hiện vật đá đang hiện hữu ở Đồng Ngọ Tự đều có giá trị, ý nghĩa về mặt văn hóa – lịch sử nhất định. Bộ sưu tập đồ đá như một nơi lưu dấu thời gian, phác họa lại cả một thời kỳ dài trong đời sống lao động, sinh hoạt của bà con vùng đồng bằng Bắc bộ cả ngàn năm qua.
Nguyễn Hường - Ảnh: Thái Sương