Chuyện “Cụ Vải” làng Thúy Lâm

Trong ánh sáng hào quang của danh hiệu “Vải thiều Thanh Hà – sản phẩm vàng nông nghiệp – 2015”, có công đức của cụ.

Rừng Cúc Phương nổi tiếng với “Cụ Chò”, hồ Gươm vang danh “Cụ Rùa”, còn ở mảnh đất làng quê thuần nông này, không ai không biết đến “Cụ Vải”. Tết Bính Thân này, “Cụ Vải” làng Thúy Lâm, xã Thanh Sơn (Thanh Hà) đã trên dưới 150 tuổi… Trong ánh sáng hào quang của danh hiệu “Vải thiều Thanh Hà – sản phẩm vàng nông nghiệp – 2015”, có công đức của cụ.

 vai_ok
Ông Hoàng Văn Thu, 87 tuổi, cháu đời thứ tư của cụ Hoàng Văn Cơm hiện đang trông coi cây vải tổ

Từ một các tên nhân nghĩa…

Ở làng Thúy Lâm có một câu chuyện thật 100% nhưng nghe kể cứ phảng phất màu cổ tích.

Thế kỷ thứ 19, anh thanh niên tên là Hoàng Phúc Thành, sinh ngày 10-5-1848 ra Hải Phòng buôn bán hoa trái để mưu sinh. Một lần tình cờ thấy người nước ngoài ăn một quả gì ngon lắm, mới kín đáo nhặt 3 hạt mang trồng ở vườn nhà. Cả ba hạt nẩy mầm, nhưng chỉ có một cây sống sót.

Đất, nước và phong thổ của vùng đất sa bồi từ con sông Gùa, bàn tay chăm bẵm của con người… đã dung dưỡng cho cây sớm đơm hoa kết quả. Khi ăn thử thấy mát ngọt như đường, nhưng vị thơm đến kỳ lạ, biết là giống quý, anh Thành mừng lắm, hết mực chăm sóc và gìn giữ. Tiếng lành đồn xa, người quanh vùng tìm về tận nơi xem hư thực. Anh Thành tốt bụng, khi biếu quả, lúc chiết cành nhân ra làm giống. Chỉ ít lâu, cây vải được trồng khắp nơi. Người ta quen gọi giống vải thiều.

Vải thiều hạt nhỏ, có quả không thấy hạt, cùi dầy, trong như miếng thạch. Ngậm cùi vải trong miệng, một vị ngọt thơm thanh tao cứ ngân nga lắng đọng nơi đầu lưỡi.

Ông Phạm Tá Sơn, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Thanh Hà kể rằng năm 1958, một cán bộ địa phương mang vải lên Phủ Chủ tịch biếu Bác Hồ. Bác ăn vải Thúy Lâm, khen ngon và dặn mọi người hãy trồng và bảo vệ giống cây quý. Khi có phong trào Tết trồng cây, cây vải đã đi tới các vùng đất xa xôi ở Chí Linh, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Phú Thọ…

Cụ Hoàng Phúc Thành mất năm 1923, con cháu cụ vẫn thay nhau vun trồng gìn giữ cây vải như báu vật của gia đình, dòng họ. Năm 1992, Hội Làm vườn Việt Nam ra quyết định công nhận cây vải do cụ Thành trồng là “Cây vải tổ”. Những người có lòng hiếu kính đã tôn xưng cây vải tổ là “Cụ Vải”.

Chúng tôi đã về thăm “Cụ Vải”. Những người hàng xóm kể rằng: “Cụ Vải” để lại lộc cho làng, cho xã. Con đường từ chợ Lại Xá về tận đây, đường bê tông, khang trang. Tháng 5 năm Ất Mùi (2015), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã về thăm “Cụ Vải”, bắt tay dân làng ra chào đón rất tình cảm. Chủ tịch nước đã động viên ông Hoàng Văn Thu, cháu nội cụ Thành, người đang quản lý vườn đất của ông cha, nay đã gần chín chục tuổi.

Năm Bính Thân này, “Cụ Vải” đã trên dưới 150 tuổi, được liệt vào hàng bách tuế. “Cụ Vải” cứ âm thầm tỏa rộng bóng mát và ban phát lộc cho con người.. “Cụ Vải” đang tọa lạc trong vườn, 5 nhánh to đùng xòe ra che kín bốn chung quanh. Cả làng Thúy Lâm hiện còn 8 cây vải thuộc hàng con “Cụ Vải”, vẫn còn sung sức lắm.

Từ lâu lắm rồi, người quanh vùng quen gọi cụ Thành là cụ Hoàng Văn Cơm. Hỏi ra mới biết nhờ cụ mang cây vải về quê, người dân mới được cơm no, áo ấm, xây được nhà cửa khang trang. Đạo lý trên đời cũng bắt nguồn từ điều giản dị, từ con người có cơm áo.

Mùa vải chín, nơi đây có hàng trăm khách trong và ngoài nước đến chiêm ngưỡng và thắp hương tưởng nhớ ngôi đền thờ cụ Cơm… Tiếng loa đài từ đâu đó, vang lên khúc chèo:

“Vải thiều quê em, nghĩa nặng tình người,
lọc đất sa bồi, năm nắng mười sương,
chắt trong mồ hôi cay đắng,
khắc khoải mong tháng ngày, những âu lo vơi đầy
Nên mùa vải chín hôm nay, ngọt lành đắm say…”

…đến chuyện “Cụ Vải” và những kỷ lục

Còn nhớ ngày 21-8-2014, trong một cuộc hội thảo về “Quy hoạch hệ thống tượng đài, đài kỷ niệm tỉnh Hải Dương đến năm 2020”, có một ý kiến tham luận rất đáng chú ý. Ở Hải Dương, nhất là trên đất Thanh Hà có thể lập tượng đài “Cụ Vải”. Đó là ân nhân, là vị thần trợ giúp cho quê hương có một đặc sản, một thương hiệu đặc sắc.

“Cụ Vải” Thuý Lâm trải qua bao thăng trầm biến động của lịch sử, khắc nghiệt của thiên nhiên, nay vẫn sum suê tỏa bóng mát cho con người. Mỗi mùa vải chín, cụ vẫn còn chia lộc cho con cháu vài tạ quả. Ông Hoàng Văn Thu biếu mọi người xung quanh và khách đến thăm chứ không bán. Quả vải tuy nhỏ nhưng ngọt, đậm đà, thanh tú. Quả vải gián tiếp nuôi sống con người, vượt qua sự bình thường của vật chất, thành giá trị tinh thần, nét đẹp văn hóa, thú vui ẩm thực đặc sắc, đi vào thi ca, nhạc họa.

Ngay cạnh cây vải tổ là đền thờ cụ Hoàng Văn Cơm (tức Hoàng Phúc Thành). Trong điện có bức trướng “Nhân dân các dân tộc Lục Ngạn biết ơn cụ Hoàng Văn Cơm (ông tổ vải thiều)”. Còn tấm bia ký do nhân dân Thanh Hà dựng khắc để ghi nhớ công lao cụ.

Giống như con người, cây vải thiều Thanh Hà cũng có những lúc thăng trầm… Diện tích, sản lượng có lúc tăng, lúc giảm. Nhưng chất lượng thì vẫn nguyên hương. Đời con, cháu, chắt “Cụ Vải” chỉ quanh quẩn trong làng, trong xã, xa lắm là đến các vùng miền, các tỉnh xung quanh. Còn bây giờ chút chít “Cụ Vải” làng Thúy Lâm là vải thiều Thanh Hà đã đến Mỹ, Úc… đãi người bốn phương.

Càng hưởng vị ngọt bùi hôm nay, càng ơn nhớ “Cụ Vải”.

Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã quyết định “Cụ Vải” đạt kỷ lục Việt Nam, là cây vải thiều lâu năm nhất trong cả nước. Trước đó, từ năm 2007, Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Rồi vải thiều Thanh Hà vào “Top 50 sản phẩm tiêu biểu tin cậy vì người tiêu dùng năm 2012”. Chưa hết, vải thiều Thanh Hà có tên trong “Top 10 thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng năm 2013” và lọt vào “Top sản phẩm dịch vụ uy tín chất lượng năm 2013”. Cao quý hơn, vải thiều Thanh Hà được tôn vinh là “Thương hiệu Việt Nam tin dùng, tinh hoa đặc sản ba miền năm 2014”.

Trong ánh sáng hào quang của danh hiệu “Vải thiều Thanh Hà – sản phẩm vàng nông nghiệp năm 2015”, có công đức của “Cụ Vải”.

 

KHÚC HÀ LINH (baohaiduong.vn)