Vốn đam mê rối nước từ nhỏ đã giúp nghệ nhân Phạm Khắc Xoa – Chi hội trưởng Phường rối nước xã Thanh Hải gặt hái nhiều thành công trong nghề rối nước.
Niềm đam mê rối nước
Đó là nghệ nhân Phạm Khắc Xoa- Chi hội trưởng Phường rối nước xã Thanh Hải. Gần 20 năm gắn bó với nghề rối nước, anh Xoa vẫn còn nhớ rất rõ, hồi nhỏ được xem các cụ trong làng biểu diễn rối nước đã cảm thấy rất thích thú và mơ ước được tham gia. Năm 1999, khi phường rối nước xã Thanh Hải được khôi phục, các cụ trong làng đến vận động anh vào nghề. Vốn đam mê rối nước từ nhỏ, lại xuất thân từ gia đình có truyền thống rối nước nên anh Xoa đồng ý tham gia. Anh được phường rối giao nhiệm vụ đảm đương môn pháo bông phụ họa cho các tích trò rối nước. Theo anh Xoa, trong rối nước, nếu không có pháo bông phụ họa sẽ giảm sự thành công của các tiết mục, và các tiết mục gắn liền với pháo bông đều đạt giải cao như tiết mục “Rồng đốt lá đề”; “Sự tích Hồ Gươm”, “Vũ hội quần long”; “Quay tơ diệt lụa”. Ngày đầu khôi phục lại, Phường rối nước xã Thanh Hải gặp không ít khó khăn. Các thành viên trong phường đã phải cùng nhau khôi phục, tạo dựng lại các tích trò, đi xin gỗ về đẽo con rối, xin tre về làm sào. Ban đầu Phường rối có trên 20 thành viên tham gia với hơn 10 tích trò. Anh Xoa tâm sự: Từ một người đảm đương môn pháo bông phụ họa cho các tích trò, rồi làm diễn viên điều khiển các con rối, năm 2006 anh Xoa được các thành viên trong đoàn tín nhiệm bầu làm Trưởng Phường rối nước xã Thanh Hải ( nay là Chi hội trưởng Phường rối nước). Đảm đương cương vị này, anh Xoa đã cùng với các thành viên trong đoàn khắc phục khó khăn từng bước đưa loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của nhiều du khách trong và ngoài nước. Thực hiện niềm đam mê Để duy trì hoạt động, ngoài bao quát và phân công công việc cụ thể cho từng bộ phận như văn nghệ, biểu diễn con rối, tạo hình, âm thanh áng sáng và quản lý kho, anh Xoa còn tìm kiếm công việc cho anh em trong phường để đáp ứng ngày công lao động sau mỗi lần biểu diễn. Đặc biệt từ tháng 10 năm 2015, do quen biết anh Xoa đã tìm được các mối tua phục vụ khách. Anh bắt đầu thiết lập tua du lịch đi khắp các vùng miền theo đường sông, trong đó có 1 chương trình xem múa rối nước ở Thanh Hải. Mỗi tháng, chi hội phường rối biểu diễn phục vụ khách nước ngoài từ 3-4 tua tại tòa thủy đình hồ nhà văn hóa xã Thanh Hải. Để phục vụ khách du lịch xem tích trò, mới đây anh đã huy động các thành viên trong chi hội mỗi người góp 1 trđ và tham gia ngày công lao động để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất tòa thủy đình. Kết quả đã đổ sân bê tông rộng 150m2 ở dưới đáy tòa thủy đình múa rối nước đặt ở hồ trung tâm xã. Đồng thời xây dựng kho chứa đồ ở thủy đình; làm cả nhà bạt phục vụ khách. Với tổng kinh phí đầu tư trên 40 trđ, chưa kể ngày công lao động. Bản thân anh còn không ngừng cải thiện các tích trò, đặc biệt là phục dựng các tích trò cổ gắn liền với đời sống người nông dân để đáp ứng nhu cầu thưởng thức của khán giả và tâm lý biểu diễn của các thành viên trong chi hội.Với cương vị là người quản lý phường rối có 27 thành viên, anh Xoa kiêm cả đạo diễn và diễn viên điều khiển con rối. Niềm đam mê với nghề rối nước đã thôi thúc anh thực hiện ước mơ của mình. Và tiết mục đầu tay “Lễ đón bằng làng văn hóa” do anh Xoa làm đạo diễn đi biểu diễn tại Bảo tàng dân tộc học VN năm 2006 đã đạt giải nhất toàn quốc. Thành công bước đầu này đã tiếp thêm động lực để anh cùng phường rối duy trì hoạt động, thực hiện niềm đam mê và tinh thần nhiệt huyết với nghề. Thời điểm đó đang có phong trào xây dựng làng văn hóa, BTC đưa ra cuộc thi sáng tác tiết mục theo đề tài đương đại. Anh mày mò, đúc kết kinh nghiệm từ các cụ cao tuổi để điều khiển con rối bằng giây kết hợp với dùng sào, con rối vừa đi xa, vừa uyển chuyển nên di chuyển linh hoạt nhanh nhẹn hơn. Từ những con rối úp nơm, đi cày, đi cấy được chính người nông dân điều khiển qua con rối nên càng sinh động, rõ nét, cụ thể hơn. Màn kết tiết mục sử dụng hệ thống pháo phun tạo ẩn tượng tốt với ban giám khảo. Anh Xoa cho biết: Đến nay, chi hội phường rối nước xã Thanh Hải đã xây dựng được gần 30 tích trò. Để có một tích trò biểu diễn là cả một quá trình chuẩn bị với nhiều công đoạn từ nội dung, dàn dựng kịch bản, tạo thành đường nét để các con rối thể hiện, có lời ca tiếng hát cùng phụ họa. Người diễn viên điều khiển con rối, ngoài đôi tay khéo léo, phải kết hợp cả đôi tai để nghe, con mắt quan sát và phải toàn tâm, toàn ý điều khiển con rối dưới nước mới có thể bắt nhịp được bối cảnh tạo thành sự thuần thục. Tuy nhiên khó khăn nhất là việc tạo hình con rối. Theo anh Xoa, việc tạo hình con rối vừa thuộc hội họa, vừa điêu khắc, phải có trí tưởng tượng phong phú, bởi con rối không có hình mẫu nào cả để các nghệ nhân đẽo rối. Công việc này tốn nhiều công phu và kinh phí. Mỗi con trò đầu tư 700-800 nghìn đồng. Từ những khúc gỗ sung già, anh em trong Chi hội phường rối nước xã Thanh Hải đã tạo nên những con rối ngộ nghĩnh, phù hợp với các tích trò thể hiện. Gần 20 năm gắn bó với nghề rối nước, bằng sự đam mê, yêu nghề, anh Xoa đã cùng với các thành viên trong chi hội đi lưu diễn ở khắp các nơi như Huế, Hà Nam, Ninh Bình vv. Trung bình mỗi năm lưu diễn khoảng 100 buổi ở khắp các tỉnh thành. Ngoài ra còn biểu diễn ở trong xã. Chi hội còn tham gia các cuộc thi ở tỉnh Hải Dương và thi toàn quốc đều đạt giải như đạt 3 huy chương vàng, 3 huy chương bạc cùng với nhiều giải thưởng khác. Năm 2015, anh Phạm Khắc Xoa và cụ Nguyễn Văn Kiên (85 tuổi) được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú loại hình Nghệ thuật trình diễn dân gian tỉnh HD, đã có cống hiến xuất sắc trong giữ gìn và phát huy di sản văn hóa của dân tộc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa XH và bảo vệ Tổ Quốc. Trăn trở với nghề Thành công của chi hội phường rối nước xã Thanh Hải có sự đóng góp không nhỏ của nghệ nhân Phạm Khắc Xoa. Niềm đam mê nghề rối nước vẫn làm nghệ nhân Xoa luôn trăn trở đó là chưa phục dựng được hết các tích trò cổ, chưa đáp ứng được ngày công lao động của các thành viên trong chi hội nên một số người đã phải bỏ nghề chuyển sang làm nghề khác. “Mong muốn có nhiều lớp trẻ đam mê nghề rối nước, cũng giống như những người đã và đang làm nghề để có thêm lực lượng kế cận, nếu không di sản văn hóa này không cẩn thận sẽ bị mai một. Có như vậy mới bảo tồn, gìn giữ và phát huy được giá trị di sản. Điều đó rất cần sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, các ngành giúp chi hội tháo gỡ khó khăn, tạo niềm đam mê, hứng khởi để mọi người có cơ hội phát huy giá trị văn hóa nghệ thuật này”. Anh Xoa chia sẻ: Niềm mong muốn của nghệ nhân Phạm Khắc Xoa, cũng là nỗi niềm chung của những người đam mê và nhiệt huyết với nghề rối nước. Ngọc Hà |