Lễ hội đình Mè (xã Hồng Lạc, Thanh Hà) được lưu giữ nhiều nét văn hóa đặc sắc, trong đó phải kể đến tục rước lợn độc đáo…
Tục rước “ông lợn” độc đáo được người dân Hồng Lạc tổ chức hằng năm
Ngày 18 tháng giêng âm lịch hằng năm, xã Hồng Lạc (Thanh Hà) lại tổ chức lễ hội truyền thống đình Mè để tưởng nhớ công đức của các vị thành hoàng đã có công phò vua, giúp nước đánh đuổi giặc thù. Lễ hội được tổ chức đều đặn hằng năm và còn lưu giữ nhiều nét văn hóa đặc sắc, trong đó phải kể đến tục rước lợn độc đáo. Di sản đình Mè Đình Mè được xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh từ năm 2010. Đình thờ nhị vị thành hoàng có tên huý là Đào Công Dực và Đào Công Quảng, đã có công phò tá vua Lý Nam Đế đánh đuổi giặc Lương năm 542. Đình nằm trên khu đất cao nhất ở giữa làng Đại Điền, được kiến thiết và xây dựng vào năm 1930 sau khi nhân dân trong làng đã bán 70 mẫu ruộng lấy kinh phí xây dựng. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, đình là nơi cất giấu tài liệu, vũ khí và là nơi che giấu cán bộ cách mạng. Khi hòa bình lập lại, ngôi đình đã trở thành lớp bình dân học vụ cho nhân dân địa phương. Sau nhiều biến cố, thăng trầm của thời gian và do chiến tranh tàn phá, ngôi đình đã bị xuống cấp nặng nề. Năm 1998, cán bộ và nhân dân làng Đại Điền đã tiến hành tu sửa và nâng cấp ngôi đình với tổng diện tích trên 200 m2, nằm trong một khuôn viên đẹp đẽ, trang nghiêm. Hằng năm, cứ vào ngày 18 tháng giêng, nhân dân các thôn trong xã Hồng Lạc lại mở hội, sửa sang lễ vật để tưởng nhớ công lao của các vị thành hoàng. Vào ngày này, đã là những người con làng Đại Điền, dù công việc có bận bịu đến đâu thì vẫn dành thời gian về dự hội làng, cầu cho mưa thuận gió hòa, công việc thuận lợi, muôn nhà được bình yên hạnh phúc. Ông Phạm Văn Bắc, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã, Phó Ban tổ chức lễ hội cho biết: “Lễ hội hằng năm được tổ chức phần lễ gồm các thôn rước lễ chay, lễ lợn và phần tế lễ; phần hội gồm các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao như: bóng chuyền, chọi gà, kéo co, cờ tướng, hát quan họ…”. Phong tục lạ Cụ Bùi Như Bóc, một cao niên ở thôn Đồng Hởi cho biết: “Tục rước ông lợn được nhân dân duy trì khoảng hơn 20 năm nay. Trong ngày lễ hội, những ông lợn đã được các xóm nuôi dưỡng từ trước sẽ được làm thịt, bỏ phần nội tạng, cạo lông sạch sẽ, còn tất cả các bộ phận khác phải được giữ nguyên. Ông lợn được đặt lên kiệu trong tư thế quỳ gối, phần mỡ chài trong bụng sẽ được phủ lên lưng, mồm ngậm bông hoa hồng cho thêm phần trang trọng và đẹp mắt”. Nghi thức rước lợn không chỉ thể hiện lòng thành kính của nhân dân các làng mà còn là dịp để các làng thi tài. Ban tổ chức sẽ trao giải nhất cho làng có ông lợn to nhất, được trang trí đẹp mắt nhất, có lễ chay đẹp, đoàn rước đông và có trang phục đẹp. Bên cạnh đó, làng có ông lợn to nhất còn được đi đầu tiên để rước ra đình. Ông Bùi Đức Nam, người dân thôn Đại Điền chia sẻ: “Việc chọn lợn để chuẩn bị cho lễ rước cũng rất công phu. Ông lợn dâng lên thành hoàng phải là lợn đực, có dáng đẹp, cao, tai phải vểnh, mặt dữ. Ông lợn được chăm sóc cẩn thận và vỗ béo trước ngày hành lễ một thời gian dài để bảo đảm cân nặng. Việc chọn người để khiêng ông lợn trong lễ rước cũng rất quan trọng, đây phải là những trai làng chưa vợ và có sức khỏe tốt”. Trong mùa lễ hội đình làng năm ngoái, ông lợn của làng Đoài đã giành giải nhất vì có thân hình đẹp và có cân nặng tới gần 300 kg. Ông Bùi Đức Thà, người trực tiếp chăm sóc và nuôi dưỡng “ông lợn” của làng Đoài kể: “Làng chúng tôi đưa ông lợn về nuôi vào tháng 4 – 2013, lúc đó trọng lượng mới đạt 170 kg. Trước khi ông lợn được đưa vào khu trang trại của gia đình tôi để tiện cho việc chăm sóc, ông lợn được sát khuẩn bằng tia cực tím. Sau đó được nuôi tại một chuồng riêng biệt, với chế độ chăm sóc đặc biệt”. Việc mổ lợn cũng vô cùng quan trọng. Vào chiều 17 tháng giêng, “ông lợn” được đưa ra khỏi chuồng nuôi, tắm rửa sạch sẽ và tiến hành kiểm tra cân nặng. Ông Đoàn Văn Bích, một người cao tuổi thôn Đoài cho biết: “Vào đúng những thời khắc đầu tiên của ngày 18, việc mổ lợn mới được tiến hành. Do ông lợn có trọng lượng lớn, nên cần những người có sức khỏe và có kinh nghiệm, để sao cho sau khi mổ ông lợn vẫn giữ được hình dáng đẹp. Ông lợn sau đó được cạo sạch lông, bỏ hết nội tạng, phần mỡ chài ở dạ dày được lấy ra và phủ lên lưng như đang khoác long bào”. Sau khi mọi công việc đã hoàn tất, “ông lợn” được đưa ra trước sân UBND xã để chấm điểm. Phần lễ của thôn nào bảo đảm được các yêu cầu sẽ được vinh dự dẫn đầu. “Ông lợn” được đặt trên kiệu có trang trí hoa văn đẹp mắt và rước đi trên con đường chính dẫn tới đình làng. Trong tiếng hò reo vui mừng của người dân hai bên đường, các “ông lợn” được hàng chục chàng trai khỏe mạnh khiêng trên vai trong tư thế hiên ngang, tiến về sân đình để tiến hành làm lễ. Đây được xem là một phong tục độc đáo được nhân dân ở xã Hồng Lạc duy trì trong các mùa lễ hội hằng năm. ĐỨC ANH
|