Giá như ai đó…

Nhiều người đã giàu lên nhờ các thế hệ cây con cháu của cây vải tổ, nhưng hai cụ già trông nom báu vật này vẫn nghèo khó.

2-cay vai to 1
Cây vải tổ ở làng Thúy Lâm, xã Thanh Sơn (Thanh Hà), một báu vật xứ Đông
hiện do vợ chồng ông Hoàng Văn Thu chăm sóc. Ảnh: Thành Chung

Thời gian trôi nhanh. Thế là đã vừa bốn mươi tư năm tôi mới có dịp trở lại làng Thúy Lâm, xã Thanh Sơn (Thanh Hà). Buổi ấy tôi về tìm hiểu và viết bài về cây vải tổ trên báo Nông nghiệp Việt Nam và báo Hải Hưng. Bây giờ đang là mùa xuân mưa lây rây hạt, tiết trời ấm áp, đường ngõ nhà cửa khang trang, vui quá. Đường vào cây vải tổ đã được đầu tư rộng rãi. Chính quyền địa phương hằng năm quan tâm giúp chủ nhà một phần kinh phí chăm sóc cây vải tổ. Cây vải giờ như to hơn, xanh hơn. Đất ủ vào gốc cao hơn xưa hàng năm bảy chục phân. Dưới gốc cây, bên phải là hai tấm bia của Hội Làm vườn Việt Nam dựng năm 1992 và bia của lãnh đạo huyện Thanh Hà ghi công cụ Hoàng Văn Cơm, người đã có công trồng cây vải tổ. Rồi bức trướng của đồng bào các dân tộc huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) biết ơn cụ tổ cây vải thiều Thanh Hà. Bức tượng tạc cụ Hoàng Văn Cơm bằng gỗ mít sơn đỏ được chủ nhà ngày ngày hương khói…

Bốn mươi tư năm, ngày ấy ông Hoàng Văn Thu là cháu bốn đời của cụ tổ Hoàng Văn Cơm, người thừa kế trông coi cây vải tổ còn trai tráng khỏe mạnh lắm. Thế mà giờ đây ông đã bước vào tuổi tám tư. Hai ông bà già sống trong căn nhà cấp bốn, đồ đạc gia dụng không có gì đáng kể, có thể gọi là nghèo nàn. Không nghèo sao được bởi thu nhập hằng tháng nhờ vào đồng trợ cấp người cao tuổi, cộng cả thảy là 360 nghìn đồng. Tiền thu hoạch gần ba sào vườn vải không đáng là bao, bởi còn chi phí thuê mướn, chăm bón, thuốc trừ sâu, rồi công thu hái.

Bây giờ đang là tiết giêng hai, cây vải tổ năm nay trổ hoa sai đều. Lá cây có nhỏ nhưng vẫn còn xanh. Ngôi đền thờ cụ tổ vải đã đổ nát. Ngôi đền mới khiêm tốn đang được dựng lên trên nền cũ. Tôi không đo đếm nhưng áng chừng cũng chỉ hơn chục mét vuông là cùng. Tuy vậy nhưng còn bỏ dở bởi cụ Thu bảo để còn tìm tiền dần dần. Hai cụ năm nay đã ngoài bát tuần, chắc ý thức được ngày về với tiên tổ không xa nên cố gắng dồn hết mọi tâm lực gìn giữ báu vật của ông bà cụ kỵ.

Vâng, báu vật của họ Hoàng ở làng Thúy Lâm. Nhưng hơn thế là báu vật của huyện Thanh Hà, của tỉnh Hải Dương, rồi của huyện Lục Ngạn, Bắc Giang, của cả vùng đông bắc châu thổ sông Hồng. Thanh Hà – Chí Linh mỗi năm thu hàng mấy trăm tỷ đồng. Huyện Lục Ngạn thu hàng nghìn tỷ đồng. Nhiều nhà giàu lên, mở mày mở mặt nhờ các thế hệ cây con cháu của cây vải tổ Thúy Lâm. Vậy mà trong một ngõ nhỏ ở làng Thúy Lâm có hai cụ già nghèo khó đang ngày đêm chăm chút khao khát thiêng liêng cố giữ lại kỷ vật là cây vải tổ cho mai sau. Cụ Hoàng Văn Thu và mấy cụ trong xóm nói vừa qua có một đoàn khách ở Lục Ngạn hành hương về đây cứ ngẩn ngơ bảo chúng tôi mà có địa chỉ này chắc sẽ đầu tư thành điểm du lịch khang trang to đẹp chứ không để èo uột như thế này.

Thắp cho cụ tổ vải thiều một nén nhang tôi rời làng Thúy Lâm trong tâm trạng bâng khuâng. Ngôi đền đang xây lại chặt mất một cành vải tổ. Rồi móng đào xuống có hại gì đến rễ vải không? Ấy là chưa nói đến vị trí ngôi đền không hợp với phong thủy và cảnh quan kiến trúc chút nào. Ai sẽ bỏ tiền ra hoàn thiện tiếp ngôi đền? Hai người già mắt mờ chân chậm liệu có còn đủ sức gìn giữ báu vật cho mai sau?

Giá như ai đó…

SƠN VĂN