Tân Việt đổi thay

Tân Việt hôm nay đã khang trang, hiện đại. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày một nâng cao.

bia ki niem-tan viet

Nhà bia kỷ niệm – nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Thanh Ha

Để đạt được kết quả này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương đã vượt qua nhiều gian khó để tự khẳng định mình, xứng đáng là nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Thanh Hà.

Tối 25-5-1945, tại chùa Vạn Tuế (xã Tân Việt), Tỉnh ủy công bố quyết định thành lập Chi bộ đảng đầu tiên của huyện Thanh Hà. Đồng chí Ngô Xuân Lựu, Ủy viên Ban Cán sự Việt Minh tỉnh được bầu làm Bí thư Chi bộ. Sau đó, đồng chí Lựu được điều động về Chiến khu Đông Triều công tác, đồng chí Nguyễn Duy Thứ được bầu làm Bí thư Chi bộ.

Lần đầu tiên phong trào cách mạng của Thanh Hà có tổ chức Đảng lãnh đạo. Chùa Vạn Tuế là nơi diễn ra các cuộc họp bí mật của tổ chức Đảng. Từ cơ sở cách mạng đó, phong trào nhanh chóng lan tỏa và nhận được sự hưởng ứng của đông đảo quần chúng nhân dân. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, phong trào cách mạng ngày càng phát triển. Ngày 21-8-1945, Huyện bộ Việt Minh Thanh Hà mở cuộc họp tại chùa Vạn Tuế bàn kế hoạch tổ chức lực lượng cướp chính quyền. Ngày 22-8-1945, từ các thôn, xóm của Tân Việt, từng đoàn thuyền cắm cờ đỏ sao vàng vượt qua cánh đồng nước mênh mông về bến đò Hương tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở huyện. Ngày 23-8, Mặt trận Việt Minh xã Tân Việt tập hợp lực lượng tự vệ vũ trang, tổ chức giành chính quyền ở 3 thôn Vạn Tuế, Cam Lộ và Ngọc Lộ, mở ra một thời kỳ mới, thời kỳ người dân thực sự làm chủ mảnh đất quê hương mình. Mặc dù khó khăn, gian khổ, nhưng người dân Tân Việt luôn một lòng một dạ kiên trung theo Đảng.

Phát huy truyền thống kiên cường trong chiến đấu, các tầng lớp nhân dân Tân Việt hăng hái lao động sản xuất, đưa xã trở thành một trong số địa phương phát triển kinh tế nhanh, bền vững của huyện Thanh Hà. Các công trình trường học, nhà làm việc của Đảng ủy, HĐND, UBND xã, Trạm Y tế, đường giao thông nông thôn đều được xây mới khang trang. Những ngôi nhà cao tầng, hiện đại mọc lên san sát. Ngôi chùa Vạn Tuế năm xưa được xây mới, nhưng vẫn giữ được vẻ tôn nghiêm của cơ sở cách mạng đầu tiên. 

Có được cuộc sống khấm khá như hôm nay do nhân dân Tân Việt cần cù chịu khó, tận dụng lợi thế phát triển ngành dịch vụ vận tải đường thủy, đường bộ. Toàn xã có trên 100 chiếc tàu sông biển, với tổng trọng tải trên 150.000 tấn hoạt động trong nước và quốc tế; có 2 HTX vận tải hàng hóa và hành khách với 25 xe ô-tô chở khách, 26 xe ô-tô tải và 20 xe ô-tô con. Ngoài ra, nghề nông ở Tân Việt cũng phát triển. Thế mạnh của địa phương là lúa lai và cây ăn quả, đặc biệt là cây ổi, nhiều hộ trồng hồng xiêm, mít cũng mang lại hiệu quả cao. Cơ cấu kinh tế của xã đã chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng dịch vụ – thương mại, giảm dần nông nghiệp. Công tác giáo dục, khuyến học luôn được quan tâm. 5 năm trở lại đây, toàn xã có 200 học sinh trúng tuyển vào đại học, 116 em học sinh giỏi các cấp. Các trường tiểu học và THCS đều đạt chuẩn quốc gia. Năm 2014 trạm y tế xã được công nhận chuẩn mức độ 2. Hằng năm, toàn xã có khoảng 80% số gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa; 2 thôn Ngọc Lộ và Vạn Tuế giữ vững danh hiệu làng văn hóa nhiều năm liền.

Đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Trọng Long cho biết, Đảng ủy, chính quyền và nhân dân xã Tân Việt đã khai thác, huy động mọi nguồn lực để phát triển kinh tế – xã hội. Năm 2014, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt hơn 50 tỷ đồng (tăng hơn 29 tỷ đồng so với năm 2010); tiểu thủ công nghiệp, xây dựng 47 tỷ đồng (tăng gấp 3 lần); thu nhập bình quân đầu người đạt 29,5 triệu đồng. Chương trình giảm nghèo được xã quan tâm chỉ đạo thực hiện có hiệu quả, tỷ lệ hộ nghèo hiện còn 4,8%. Đến nay, xã đã đạt 14 trong tổng số 19 tiêu chí nông thôn mới. Thời gian tới, Tân Việt tiếp tục phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, xứng đáng là nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Thanh Hà.

MINH NGUYỆT