Nếu ai đã từng đến Thanh Hà, chắc hẳn sẽ được nghe câu: “Đã là con mẹ con cha/Sinh ra ở đất Thanh Hà, xứ Đông”. Câu ca chưa rõ có tự khi nào nhưng đã được lưu truyền ở mảnh đất này từ nhiều đời nay, góp phần khẳng định niềm tự hào của mỗi người dân nơi đây. Thanh Hà còn được biết đến là miền quê trù phú, giàu truyền thống lịch sử cách mạng, với nhiều sản vật và cũng là nơi lưu giữ một kho tàng văn hóa vật thể, phi vật thể vừa đa dạng loại hình, vừa phong phú về giá trị.
Theo các nguồn tư liệu, Thanh Hà là một địa danh nằm trên vùng đất sa bồi đã qua hàng vạn năm bồi tụ. Vào thời Lý – Trần, nơi này có tên là Bàng Hoa, thời Minh có tên là Bình Hà. Trải qua nhiều lần thay đổi, đến thế kỷ thứ XVI mới chính thức có tên là huyện Thanh Hà.
Về vị trí địa lý, huyện Thanh Hà nằm ở phía Đông Nam tỉnh Hải Dương, phía Bắc và Đông giáp huyện Kim Thành, phía Tây và Tây Bắc giáp TP Hải Dương, phía Nam và Tây Nam giáp huyện Tứ Kỳ, phía Đông Nam giáp huyện An Lão, TP Hải Phòng. Với tổng diện tích đất tự nhiên 14.070 ha, Thanh Hà có 19 xã, 01 thị trấn, được chia làm 04 khu: Hà Bắc, Hà Nam, Hà Tây, Hà Đông và có hệ thống giao thông khá thuận tiện.
Vải thiều – sản vật nức tiếng gần xa và đã được trồng ở Thanh Hà cách đây gần 200 năm (Ảnh: Phùng Nguyện)
Trên địa bàn huyện hiện có hàng trăm di tích lịch sử, đình, miếu, đền, chùa… trong đó có 13 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 18 di tích cấp tỉnh, 02 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, 01 bảo vật quốc gia. Những di tích còn lưu giữ nhiều giá trị lịch sử văn hóa như: Chùa Minh Khánh, Chùa Bạch Hào, Chùa Động Ngọ, Đền Từ Hạ, Đền Ngọc Hoa… và trên 30 lễ hội lớn: lễ hội chùa Minh Khánh, thị trấn Thanh Hà (diễn ra từ 30/10 – 1/11 Âm lịch), lễ hội chùa Bạch Hào, xã Thanh Xá (được tổ chức vào mùng 5 – 6 tháng Giêng)… Ngoài ra, trên địa bàn còn có Phường rối nước Thanh Hải và làng nghề chiếu cói Tiên Kiều nổi tiếng…
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Hà, với điều kiện khí hậu, đất đai thuận lợi đã tạo cho Thanh Hà lợi thế để phát triển các loại cây trái quanh năm tươi tốt. Hiện nay, diện tích cây ăn quả toàn huyện là 6.730 ha, trong đó diện tích trồng vải khoảng 3.500 ha, diện tích trồng ổi gần 1.600 ha, diện tích trồng chuối 350 ha, trên 200 ha trồng bưởi và khoảng 600 ha trồng các loại cây ăn quả: cam, quất, mít, roi, hồng, đu đủ…
Các loại cây ăn quả được huyện quy hoạch và phát triển thành những vùng tập trung, chuyên canh như: vùng vải sớm ở các xã khu Hà Đông; vùng vải chính vụ ở các xã khu Hà Nam; vùng ổi ở Liên Mạc, Thanh Xuân, Thanh Lang; vùng quất trái vụ ở An Phượng, Thanh Sơn, Cẩm Chế; vùng bưởi ở Thanh Hồng… Tại các vùng này, việc sản xuất được áp dụng theo quy trình VietGAP đã góp phần tạo ra sản phẩm nông sản có chất lượng cao, mẫu mã đẹp. Trong đó, ổi Thanh Hà và bưởi Thanh Hồng được cấp giấy bảo hộ thương hiệu, nhãn hiệu tập thể.
Thanh Hà còn lưu giữ một kho tàng văn hóa vật thể, phi vật thể vừa đa dạng loại hình, vừa phong phú về giá trị
Riêng quả vải thiều Thanh Hà được người dân trong và ngoài vùng hết lời ca ngợi: “Mã ngoài như lụa hồng tơ tía, thịt vải như thủy tinh, như dáng tuyết, vị ngọt đậm, ăn vào thấy hương thơm, tưởng như thứ rượu tiên trên trời”. Năm 2007, sản phẩm vải thiều Thanh Hà được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng Bảo hộ chỉ dẫn địa lý; năm 2012, vải thiều Thanh Hà đạt tốp 50 sản phẩm uy tín, chất lượng; năm 2015 được vinh danh tốp đầu với 02 giải thưởng “Thương hiệu vàng, Logo và Slogan ấn tượng năm 2015”… Ngoài ra, thiên nhiên còn ban tặng cho Thanh Hà các loại đặc sản của vùng nước lợ như: cà ra, rươi, tôm, trạch, ruốc, cáy… để chế biến những món ăn đậm đà dư vị đồng quê.
Thanh Hà còn được biết đến bởi dòng sông Hương thơ mộng, với tổng chiều dài khoảng 21,5 km, cùng nguồn nước trong xanh gần như chia đôi huyện thành hai phần là phần Đông Bắc và Tây Nam. Từ đây, có hàng trăm kênh mương, sông nhỏ nối sông Hương với sông Thái Bình và sông Rạng, tạo thành mạng lưới các kênh, rạch. Đây là đặc thù của du lịch sinh thái Thanh Hà với hạt nhân là dòng sông Hương và các vườn cây trái hai bên bờ sông.
Dòng sông Hương thơ mộng với nguồn nước trong xanh
Ngày 12/12/2016, UBND tỉnh Hải Dương ban hành Quyết định số 3687/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch sinh thái sông Hương – Thanh Hà, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Định hướng các sản phẩm du lịch chính của Khu du lịch sinh thái sông Hương bao gồm: Du lịch sinh thái dọc tuyến sông Hương bằng thuyền chèo tham quan các vườn cây trái đặc sản, mua sắm, tham gia các hoạt động giải trí, câu cá, ẩm thực, cắm trại; Trải nghiệm, khám phá cuộc sống sinh hoạt của người dân địa phương; Tham quan khu bảo tàng, bảo tồn lúa nước; Tham quan các di tích văn hóa lịch sử bằng đường bộ kết nối với các bến thuyền; Du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp, nghỉ dưỡng sinh thái dưới mô hình làng quê Việt; Du lịch vui chơi giải trí cao cấp với nhiều trò chơi trong nhà, ngoài trời… Trong đó, vị trí khu vực điểm đón tiếp đầu tuyến nằm trên xã Cẩm Chế; điểm đón tiếp cuối tuyến nằm trên địa bàn xã Thanh Thủy; điểm dừng chân giữa tuyến nằm trên địa bàn xã Thanh Xá…
Chia sẻ với chúng tôi, lãnh đạo huyện Thanh Hà cho biết, huyện đã và đang kêu gọi sự đầu tư của các doanh nghiệp để phát triển du lịch Thanh Hà trở thành một điểm đến hấp dẫn trong thời gian tới. Thanh Hà sẽ luôn đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp khi đến đầu tư trên địa bàn.
Theo Thời báo Mê Kông