Mùa hoa vải không những là mùa của những giọt mật ngọt ngào, mà nó còn mang lại nguồn thu rất lớn cho người nuôi ong, góp phần mang đến một vụ vải thắng lợi.
Năm nào cũng vậy, cứ mỗi độ hoa vải nở là lúc những đàn ong từ khắp nơi được chuyển về trên quê hương vải thiều Thanh Hà để lấy mật. Đây đã trở thành nguồn thu nhập không nhỏ đối với người nuôi ong, mà nó còn là điều kiện để giúp thụ phấn cho cây vải, góp phần tạo nên một vụ mùa bội thu.
Mỗi độ hoa vải nở cũng là lúc các đàn ong từ khắp mọi miền đổ về để lấy mật
Những đàn ong di cư
Đã 4 ngày nay, anh Trần Xuân Thế – một ông chủ ong người Hưng Yên đưa 1.000 thùng ong vượt quãng đường gần 1.500 km từ tỉnh Gia Lai về đặt tại thị trấn Thanh Hà. Anh Thế cho biết: “Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa hoa vải bắt đầu nở là chúng tôi lại mang ong về đây để lấy mật. Đây là thời điểm mà những đàn ong vừa trải qua 6 tháng dưỡng đàn giữa những bạt ngàn cà phê trên mảnh đất Tây Nguyên. Khi số lượng ong ở các đàn tăng lên, cũng là lúc chúng được đưa đi khắp mọi miền của đất nước để lấy mật.”
Cũng qua anh Thế chúng tôi được biết, cuộc đời của những người nuôi ong như anh cũng giống như những đàn ong di cư, nay đây mai đó, ở đâu có nguồn hoa lớn thì các anh lại mang những đàn ong của mình đến đó. Trong một năm, các anh di chuyển qua rất nhiều nơi trên mọi miền đất nước, từ Gia Lai, tới Quảng Bình, Hải Dương, Bắc Giang, Quảng Ninh… Với 16 năm trong nghề, anh Thế đã có trong tay vốn kiến thức rất lớn về loài ong. Anh cho biết: “nghề này phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, độ rủi ro cũng rất cao, hơn nữa chi phí đầu tư lớn với khoảng 1,5 triệu đồng/thùng, nên chuyện thua lỗ là điều khó tránh khỏi.”
Những thùng ong được đặt giữa những vườn vải đang nở hoa
Giống như anh Thế, anh Hoàng Anh Tuấn cũng vừa vượt hàng nghìn cây số để đưa gần 1.000 thùng ong Ý về Thanh Hà. Anh Tuấn chia sẻ: “Mỗi lần về đây, chúng tôi phải bỏ ra gần 70 triệu đồng để thuê xe. Bên cạnh đó, việc vận chuyển phải tiến hành vào buổi tối vì lúc đó ong mới quay về tổ hết. Thông thường chúng tôi sẽ ở lại Thanh Hà khoảng 20 ngày, nhưng nếu thời tiết thuận lợi và nguồn hoa vẫn còn dồi dào thì có thể ở lại lâu hơn.”
Theo anh Tuấn, công việc nuôi ong tuy nhẹ nhàng hơn so với những công việc khác, nhưng phải di chuyển thường xuyên, có khi phải xa nhà đến cả nửa năm, nơi sinh hoạt thì tạm bợ, thiếu thốn. Còn chưa kể đến những lần bị mất trộm cả vài chục thùng ong, rồi bị côn đồ nhũng nhiễu, phiền hà, người dân địa phương xua đuổi. Tuy nuôi ong cho thu nhập cao nhưng nếu không có lòng yêu nghề thì nhiều người sẽ phải bỏ cuộc.
Sau khi mùa hoa vải kết thúc, các ông chủ ong như anh Thế, anh Tuấn lại chuyển những thùng ong của mình trở về quê nhãn Hưng Yên. Hết mùa hoa nhãn, ong lại được đưa lên những rừng keo ở Quảng Ninh, vào Huế để lấy mật hoa tràm, rồi đi sâu vào rừng cao su ở các tỉnh phía Nam. Cuộc đời của người nuôi ong cũng cần mẫn, miệt mài như những chú ong thợ. Ở đâu có thể tìm thấy mật ngọt là ở đó có dấu chân của những con người này.
Nguồn lợi lớn
Qua đánh giá của những thợ nuôi ong chuyên nghiệp, hoa vải là loại hoa có tỷ lệ mật cao hơn hẳn so với các loại hoa khác, nên thời gian được lấy mật nhanh hơn rất nhiều. Anh Nguyễn Tuấn Điền – một ông chủ ong vừa mang ong về đặt tại xã Thanh Thuỷ cho hay: “Đối với những loại hoa khác, thì phải mất 10 ngày ong mới cho lấy mật 1 lần, còn đối với hoa vải thì con số này được rút xuống chỉ còn từ 3 đến 5 ngày. Qua đó giúp người nuôi ong giảm được chi phí nhưng vẫn mang lại nguồn thu cao hơn hẳn.”
Công việc nuôi ong tuy nhẹ nhàng nhưng phải thường xuyên phải di chuyển
Anh Điền nhẩm tính, mỗi thùng ong đến thời kỳ lấy mật có thể quay được trung bình từ 4 đến 5 lít, với 1.000 thùng ong trong tay, mỗi lần lấy mật anh cũng thu được từ 4 đến 4,5 tấn. Tuy giá bán hiện nay của mật vải có thấp hơn so với mật nhãn, chỉ đạt khoảng 50 nghìn đồng/lít, nhưng sau mỗi lần về Thanh Hà trừ tất cả chi phí, anh cũng thu lãi khoảng 100 đến 150 triệu đồng.
Do mới là đầu vụ, nên lượng mật thu được vẫn chưa nhiều. Tuy nhiên, nếu thời tiết thuận lợi, hoa vải sẽ mang lại cho những người nuôi ong một nguồn thu không hề nhỏ. Mật sau khi lấy, sẽ được tập kết lại và trải qua một quá trình kiểm định kỹ càng, sau đó sẽ được chuyển vào miền Nam hoặc xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Châu Âu và một số nước lân cận. Ngoài mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người nuôi ong, con ong cũng có rất nhiều tác dụng đối với cây vải, như giúp tăng hiệu quả thụ phấn cho hoa, tiêu diệt một số loại côn trùng, sâu bệnh gây hại cho cây vải.
Huyện Thanh Hà hiện có gần 4.000 ha vải các loại, trong đó trà vải sớm chiếm trên 1.000 ha, còn lại là vải thiều chính vụ. Hằng năm, nơi đây đã trở thành địa điểm lý tưởng để các ông chủ ong tìm về. Mùa hoa vải không những là mùa của những giọt mật ngọt ngào, mà nó còn mang lại nguồn thu rất lớn cho người nuôi ong, góp phần mang đến một vụ vải thắng lợi.
Đức Anh