Thanh Hà vững bước đi lên

Vượt qua mọi khó khăn, thử thách, 70 năm qua Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thanh Hà đã đoàn kết một lòng xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

ha tang huyen thanh ha

 Kết cấu hạ tầng trên địa bàn huyện Thanh Hà được quan tâm đầu tư xây dựng

Kháng chiến kiên cường

Trước Cách mạng Tháng Tám, dưới chế độ thực dân, phong kiến, đời sống của người dân huyện Thanh Hà ngày càng bần hàn, khổ cực; mâu thuẫn giữa nhân dân lao động với giai cấp địa chủ phong kiến ngày càng sâu sắc. Ngày 25-5-1945, Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện được thành lập ở chùa Vạn Tuế (xã Tân Việt), đánh dấu một thời kỳ mới, một bước ngoặt trong lịch sử phát triển của huyện. 

Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, nhân dân Thanh Hà đã vùng lên lật đổ chế độ phong kiến, kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược. Năm 1951, thực dân Pháp bao vây chặt khu Hà Đông bằng 8 tàu chiến, 16 ca nô, giết hàng trăm người dân vô tội. Nhân dân Thanh Hà đã chung sức chung lòng cùng Trung đội 9 Bắc Hà phục kích, bắt sống 12 tên địch. Đây là trận thắng lớn, đánh dấu sự trưởng thành của bộ đội, dân quân du kích huyện Thanh Hà, tạo khí thế đấu tranh trong lòng dân. Mặt trận Việt Minh được mở rộng, thu hút đông đảo mọi tầng lớp nhân dân, kể cả thân hào, thân sỹ tiến bộ và các tăng ni phật tử, linh mục yêu nước… 

Cuối năm 1965, Mỹ mở rộng đánh phá miền Bắc. Với tinh thần vì miền Nam ruột thịt, vì Phú Yên – Hải Dương kết nghĩa, Huyện ủy Thanh Hà đã chủ trương tích cực xây dựng làng chiến đấu ở các xã, tập trung vào các khâu: xây dựng xã vững mạnh về chính trị, tư tưởng, chặt chẽ về tổ chức, mạnh mẽ về quân sự và khá về kinh tế, biến mỗi xã thành một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ kiên cường đánh giặc. Ngày 19-6-1967, Mỹ rải bom xuống cánh đồng xã Hồng Lạc giết hại 19 người dân, 15 người bị thương, đốt cháy 21 nóc nhà và hơn 10 tấn thóc. Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, huyện đã chỉ đạo 25 xã đăng ký tham gia các phong trào “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”. Với truyền thống “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, người dân Thanh Hà thực hiện tốt nghĩa vụ với Tổ quốc, đóng góp hàng chục nghìn tấn lương thực, thực phẩm, chi viện cho chiến trường miền Nam; huy động hàng chục nghìn người tham gia kháng chiến chống Mỹ thắng lợi.

Trong quá trình đấu tranh gian khổ kéo dài hàng chục năm trời ấy, Đảng bộ huyện Thanh Hà đã không ngừng xây dựng, củng cố tổ chức ngày một đông đảo và vững mạnh. Biết bao lần kẻ địch khủng bố tàn bạo, nhiều chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tra tấn nhiều lần nhưng vẫn kiên trung với cách mạng. Trong các cuộc đấu tranh, nhân dân đều tìm cách che chở, bảo vệ cán bộ, tạo mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân. Trong kháng chiến, tuy giặc luôn càn quét, khủng bố nhưng tổ chức Đảng vẫn quan tâm mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng đảng viên; tổ chức các cuộc chỉnh huấn nhằm nâng cao, giữ vững lập trường, quan điểm của đảng viên, không sợ hy sinh gian khổ, không lùi bước trước mọi nhiệm vụ. Nhờ đó, giữ vững được kỷ cương trong đảng, các chi bộ hoạt động hiệu quả. 

Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, toàn huyện đã có 351 mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; 1.980 thương bệnh binh và 3.389 liệt sĩ. Với những cống hiến to lớn, Đảng bộ và nhân dân Thanh Hà đã được Đảng và Nhà nước trao tặng 11.692 huân chương, huy chương các loại. 8 xã, 5 cá nhân, lực lượng vũ trang và nhân dân huyện Thanh Hà được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Phát triển trong thời kỳ đổi mới

giao duc dao tao thanh ha

 Sự nghiệp giáo dục – đào tạo của Thanh Hà đã có những tiến bộ vượt bậc trong thời gian qua

Phát huy truyền thống cách mạng trong kháng chiến, Đảng bộ huyện lãnh đạo nhân dân Thanh Hà tích cực lao động sản xuất, xây dựng quê hương. Cơ sở hạ tầng của huyện ngày càng được hoàn thiện, mức sống của người dân được nâng cao. Hệ thống kết cấu hạ tầng như điện, đường, trường, trạm, công sở làm việc, nhà văn hóa và các công trình phúc lợi công cộng khác được xây dựng, phục vụ tốt nhu cầu đời sống nhân dân. Các cây cầu, con đường được hoàn thành, đưa vào sử dụng đã giúp Thanh Hà thoát khỏi tình trạng khó khăn trong giao lưu, buôn bán với các địa phương khác. Cầu Hương hoàn thành năm 2003, cầu Hợp Thanh hoàn thành năm 2010 giúp nối liền các xã khu Hà Bắc với khu Hà Nam, Hà Tây, đặc biệt là 6 xã khu đảo Hà Đông với 3 khu, chấm dứt sự chia cắt giữa các xã trong huyện. Nút giao lập thể tại điểm giao cắt giữa đường sắt Hà Nội – Hải Phòng – quốc lộ 5 và đường nối với tỉnh lộ 390 được đưa vào sử dụng đầu năm 2014; đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng qua 3 xã với 2 cây cầu bắc qua sông Văn Úc và sông Thái Bình, nối Thanh Hà với huyện Tứ Kỳ và TP Hải Phòng.


Từ chỗ là một huyện thuần nông, ngày nay Thanh Hà đã phát triển các ngành công nghiệp – xây dựng với giá trị sản xuất cao hơn sản xuất nông nghiệp. Năm 2014, giá trị sản xuất nông nghiệp – thủy sản đạt 1.991 tỷ đồng; giá trị sản xuất công nghiệp – xây dựng 2.015 tỷ đồng; giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt bình quân 130 triệu đồng. Bình quân lương thực đầu người đạt 272 kg; thu nhập bình quân đầu người ước đạt 27,5 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 4,83%.

Không chỉ tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế, Đảng bộ huyện còn hết sức quan tâm đến lĩnh vực văn hóa – xã hội để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Toàn huyện hiện có 91,5% số phòng học kiên cố cao tầng, 44 trong tổng số 83 trường học đạt chuẩn quốc gia. Mỗi năm huyện có hơn 500 học sinh đỗ đại học nguyện vọng 1. Trường Mầm non xã Cẩm Chế và 1 cá nhân được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được quan tâm. Huyện có 22 trong tổng số 25 xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện đạt 67%. 

Trải qua hơn 70 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng bộ huyện Thanh Hà từ 3 đảng viên khi thành lập, đến nay đã có 7.184 đảng viên với nhiều thế hệ khác nhau, sinh hoạt ở 50 chi bộ, đảng bộ trực thuộc Huyện ủy. Đã có 3.440 đảng viên được trao tặng Huy hiệu Đảng. Đảng bộ huyện nhiều năm liền đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh được Tỉnh ủy tặng bằng khen. Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập chi bộ đầu tiên, là sự kiện có ý nghĩa chính trị sâu sắc của Đảng bộ huyện Thanh Hà nhằm giáo dục và phát huy truyền thống yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội. Cán bộ, đảng viên và nhân dân Thanh Hà hôm nay tiếp tục kế tục và phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang 70 năm qua của Đảng bộ. 

Thạc sĩ LÊ THANH BÌNH
Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy