Để đưa vải Thanh Hà trở lại ngôi đầu, các cơ quan chức năng của tỉnh, huyện và người trồng vải phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ.
Năm nay, người trồng vải Thanh Hà lãi cao vì quả vải được giá. Ảnh: Minh Nguyệt
Với hương vị, sắc diện riêng, từ lâu vải thiều Thanh Hà đã trở thành đặc sản. Nhưng quả vải Thanh Hà đã giảm sút cả về chất và lượng. Để đưa vải Thanh Hà trở lại ngôi đầu, các cơ quan chức năng của tỉnh, huyện và người trồng vải phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ.
Báo Hải Dương cuối tuần ra ngày 16-6 đã đăng bài “Từ vải Lục Ngạn nghĩ về vải Thanh Hà”. Từ thực tế của hai vùng vải thiều đang mùa thu hoạch sôi động, tác giả đã đưa ra những dẫn chứng cụ thể về diện tích, sản lượng, giá cả, những biện pháp bứt phá mạnh mẽ, rất hiệu quả của cán bộ và nông dân trồng vải huyện Lục Ngạn (Bắc Giang). Rồi trở lại so sánh với tình hình giảm sút của vùng vải đặc sản xứ Đông… Một thực tế không chỉ các nhà báo và bạn đọc cảm thấy chạnh lòng, mà chắc hẳn những cán bộ có trách nhiệm và người trồng vải Thanh Hà cũng không khỏi bức xúc với câu hỏi: vì sao?
Đầu tiên, tôi đem thắc mắc đó tìm câu trả lời từ ông Vũ Đình Bát, Chủ tịch Hiệp hội Vải thiều Thanh Hà. Ông Bát công nhận rằng đem ra thị trường, vải Thanh Hà không thắng được vải Lục Ngạn! Theo ông Bát, dù chăm dưỡng thế nào thì quả vải Thanh Hà cũng không to, mã không đẹp bằng vải Lục Ngạn. Bởi cây vải có sức vóc, rễ nó ăn sâu và xa. Lục Ngạn vườn đồi, đất rộng, tán vải rộng, rễ ăn sâu thoải mái. Còn Thanh Hà đa phần là đất ruộng bãi triều, vật lên luống đắp gốc trồng vải, rễ chỉ ăn sâu vài mét là nước rồi, nên lực kém. Về thị trường, Bắc Giang tiện đường giao thông, gần Trung Quốc.
Tôi tiếp tục đem thắc mắc này hỏi ông Trần Đức Loản, Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn. Ông Chủ tịch xã nơi có cây vải tổ nổi tiếng cho biết, vào năm được công nhận cây vải tổ, hầu như toàn bộ ruộng cấy lúa của Thanh Sơn đã vượt đất thành vườn chuyển sang trồng vải tới 246 ha. Nay cả xã chỉ còn 170 ha. Do thất thu liên tục, dân chuyển sang trồng ổi, trồng quất, kinh tế hơn. Trả lời thắc mắc vì sao ngay vải của Thuý Lâm giá bán trên thị trường cũng không cạnh tranh được với vải Lục Ngạn, ông Loản cũng có câu trả lời tương tự như ông Chủ tịch Hiệp hội Vải thiều. Vẫn là vấn đề thổ nhưỡng! Tôi hỏi lại: Nhưng cũng nhờ yếu tố thổ nhưỡng và kinh nghiệm truyền thống trồng vải mà vải thiều Thuý Lâm – từ lâu đã ở ngôi đầu bảng cơ mà? Ông Loản như sực nhớ, thừa nhận thực tế ấy vẫn đang tồn tại. Người làng thồ xe vải lên Hà Nội, nhìn chùm vải, rồi nếm thử, người ăn tinh vẫn phân biệt được vải thiều Thanh Hà đích thực với các quả vải khác mà dân buôn bán vẫn “nhận vơ” là vải Thanh Hà để chào khách và nâng giá bán.
Tôi hỏi thêm kỹ sư Nguyễn Thị Huệ, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Hà. Chị Huệ cho rằng cần nhìn nhận sự giảm sút của vải Thanh Hà ở cả hai khâu: sản xuất và thị trường. Huyện đã nhận biết rõ và đang có giải pháp để khôi phục lại vị thế của cây vải, của nghề trồng vải, nguồn thu lớn của địa phương…
Vải thiều là cây ăn quả lâu năm. Sau cái thì sung mãn sai hoa đầy quả thì phải được liên tục bồi bổ chăm sóc hoặc trồng lại, tái canh. Sự khủng hoảng nguồn cơn từ lối làm ăn tự phát theo phong trào, nơi nơi đua nhau trồng vải. Bạt ngàn vải trên vùng đồi Chí Linh, Bắc Ninh, Bắc Giang dẫn đến cung vượt cầu. Mùa vải chín rộ giá rẻ đến mức có nhà trồng vải không muốn hái, quả chín rụng xuống đất. Sau vụ lại chán không tỉa cành, chăm bón, diệt sâu. Cây thoái hoá, tất yếu quả vải xấu mã, bán càng mất giá. Mấy năm liên tục thất thu thì phải tính chặt vải chuyển sang trồng ổi, trồng chuối, trồng quất… Đáng lẽ, với lợi thế đặc sản đã có thương hiệu từ lâu, vải Thanh Hà có khả năng dẫn dắt làm chủ thị trường nay lại phải nhường bước cho vải Lục Ngạn, nơi mà cách đây chưa lâu họ lũ lượt đánh ô-tô, xe thồ về Thanh Hà mua cây vải giống về trồng. Thành công của vải Lục Ngạn trước hết là nhờ ở đầu tư, áp dụng kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh. Vải chín đều, chùm quả to, đẹp và sạch. Nhất là Lục Ngạn đã rất năng động giải quyết đầu ra, quảng bá, mở rộng thị trường cả ở trong và ngoài nước, như tác giả bài báo đã phản ánh. Tỉnh, huyện không chỉ hô hào chỉ đạo chung chung mà đã thực sự vào cuộc với nông dân. Đúng là đã mở lối tìm đường. Làm kiên trì và bài bản. Chẳng hạn mùa vải chín rộ phải tiêu thụ nhanh, nếu không có giải pháp bảo quản vải tươi ngon trên đường vận chuyển, thuận lợi về thủ tục xuất khẩu qua biên giới thì cũng khó thành công. Những việc này người nông dân chỉ có thể trông cậy ở các cơ quan nhà nước. Thực ra những biện pháp đó huyện Thanh Hà cũng đã và đang làm, nhưng có lẽ chưa thật bài bản, chưa tới tầm. Chẳng hạn việc áp dụng tiêu chuẩn VietGAP. Với diện tích ngót 4.000 ha thì mới được vài chục ha áp dụng. Như vậy nếu tham gia xuất khẩu phần lớn vải quả vẫn chưa đáp ứng tiêu chuẩn bắt buộc về an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhất là khâu thị trường thì còn thả nổi, do người dân tự sản xuất, tự tìm đầu ra, nên giá cả thấp so với vải Lục Ngạn.
Dù là người ngoại đạo tôi thấy chưa đủ thuyết phục với quan điểm vải Lục Ngạn “thắng” vải Thanh Hà trên thị trường (tức là quả to, ngon, mã vải đẹp) chủ yếu nhờ ưu thế về thổ nhưỡng bởi tin rằng hầu hết đất Thanh Hà vốn là dải đất phù sa của sông Thái Bình và các sông nhánh (như sông Hương) bồi đắp. Có thể độ cao, thấp, màu mỡ khác nhau, nhưng yếu tố thổ nhưỡng, yếu tố vi lượng trời cho đã và vẫn là ưu thế, tiềm năng của cả vùng trồng vải. Nó góp phần tạo nên hương vị riêng, sắc diện riêng của quả vải Thanh Hà, trở thành đặc sản, khác với vải Lục Ngạn hay các vùng khác. Tất nhiên không thể trồng vải tràn lan mà phải chọn đất thích hợp. Nếu cây vải được chăm sóc đầy đủ dinh dưỡng, đẫy quả (không nhất thiết cứ phải to), mã lụa tươi hồng, hạt nhỏ, cùi dày, trong, giòn, vị ngọt thơm thì nhất định sẽ đắt giá hơn những quả vải to, đỏ tươi bắt mắt nhưng hạt to, cùi ướt nước, ngọt nhưng kém hương vị so với vải Thanh Hà. Để đông đảo người ăn nhận biết điều này, không thể coi nhẹ đầu tư quảng bá tiếp thị, trước mắt hướng tới đối tượng sành ăn. Vấn đề là ai làm và làm như thế nào? Chắc rằng cơ quan chức năng và người trồng vải Thanh Hà đã có câu trả lời. Vấn đề chỉ còn là quyết tâm và giải pháp thực hiện. Ở đây tôi muốn nhấn mạnh đến vai trò của Hiệp hội Vải thiều. Hiệp hội cần được lãnh đạo địa phương quan tâm củng cố, tổ chức lại. Cần đứng ra liên kết những người trồng vải có “máu” làm ăn, quán xuyến cả trong sản xuất và kinh doanh, nhất là tích cực chiếm lĩnh thị trường. Được Nhà nước hỗ trợ, song các hộ trồng vải phải tự nguyện liên kết với nhau như một loại hình tổ hợp tác, áp dụng đồng loạt quy trình sản xuất sạch. Đến vụ thu hoạch thì tập trung nguồn hàng đủ số lượng và bảo đảm tiêu chuẩn, có thể vượt qua khâu trung gian tiêu thụ của các thương lái, người trồng trực tiếp đưa những quả vải tươi ngon đến với người ăn các vùng trong nước và xuất khẩu. Từng vụ, từng bước khôi phục và phát triển, với sản phẩm xứng danh là đặc sản, biết cách tiếp cận làm chủ thị trường, vải thiều Thanh Hà vẫn sẽ là đầu bảng, tại sao không?
NGUYỄN PHÚC LAI