Huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương đang triển khai ứng dụng tiến bộ kỹ thuật bảo tồn, lưu giữ và phát triển nguồn gen quý cây vải tổ tại thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn với kinh phí 668 triệu đồng.
Chú thích ảnh Cây Vải tổ trong khuôn viên nhà ông Hoàng Văn Lượm – cháu đời thứ 5 của cụ Hoàng Văn Cơm, thôn Thúy Lâm,
xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà. Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN
Ông Phạm Khắc Dũng, Phó Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Thanh Hà cho biết, việc bảo tồn được tiến hành trong hai năm 2019 và 2020. Trước mắt, Thanh Hà sẽ đánh giá hiện trạng sinh trưởng, phát triển của cây vải tổ và hiện trạng bảo tồn phát triển nguồn gen cây vải tổ tại địa phương; áp dụng một số biện pháp kỹ thuật để bảo tồn cây vải tổ như cải tạo môi trường sống bề mặt của cây, cắt tỉa và dọn cành, bón phân thích hợp với từng thời kỳ sinh trưởng, phòng trừ sâu bệnh và dịch hại đối với cây vải tổ và hai cây thế hệ 2.
Tiếp đó, sẽ thiết lập phương án kế vị, sử dụng biện pháp kỹ thuật chiết cành từ cây vải tổ, xây dựng vườn cây kế vị với quy mô 10 cây.
Tương truyền, cụ Hoàng Văn Cơm là một người dân thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà có công mang cây vải thiều đầu tiên về trồng cách đây gần 200 năm. Ngày 10/10/1992, Trung ương Hội Làm vườn Việt Nam đã có quyết định công nhận cây vải cụ Cơm trồng đầu tiên là cây vải tổ.
Hiện nay, cây vải vẫn đơm hoa tạo quả, nhờ gia đình ông Hoàng Văn Lượm – cháu đời thứ 5 của cụ Hoàng Văn Cơm cùng với sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp huyện Thanh Hà chăm sóc.
Khuôn viên bảo tồn cây vải tổ những năm qua cũng được địa phương đầu tư ngày một khang trang, có nhà thờ cụ Hoàng Văn Cơm, có ao sen, tường rào, khu vực đón tiếp du khách đến tham quan. Đặc biệt, bên cạnh cây vải tổ, trong vườn còn có những cây vải thiều thế hệ thứ 2 được chiết từ cây vải tổ này.
Tuy nhiên, trải qua gần 200 năm, do tác động của điều kiện tự nhiên theo thời gian, cây vải tổ hiện đang có những biểu hiện không tốt về sức sinh trưởng và phát triển. Lá cây bé, lộc mới ít, vỏ cây sần sùi và sạm, một số cành cây bị khô không còn khả năng sinh trưởng.
Xuất phát từ mong muốn bảo tồn cây vải tổ, gìn giữ được nguồn gen quý từ cây vải này, huyện Thanh Hà đã phối hợp với các nhà khoa học tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam nghiên cứu, đưa ra quy trình chăm sóc đặc biệt cho cây vải tổ phù hợp với điều kện của địa phương.
Cùng với các biện pháp xúc tiến thương mại được đẩy mạnh, việc bảo tồn cây vải tổ được kỳ vọng sẽ giúp tăng giá trị thương hiệu vải thiều Thanh Hà, mở rộng thị trường tiêu thụ vải quả. Hiện nay, vải thiều Thanh Hà không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn được xuất khẩu tới nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới. Niên vụ vải năm 2018, Thanh Hà có khoảng 16.000 tấn vải quả được xuất khẩu.
Theo ông Phạm Khắc Dũng, cây vải tổ có ý nghĩa khoa học và lịch sử, được biết đến là cội nguồn của một đặc sản địa phương. Khi được bảo tồn, cây sẽ sinh trưởng khỏe mạnh, cho thu hoạch chất lượng và trở thành sản phẩm du lịch độc đáo vào mùa vải ở Thanh Hà. Điều này cũng giúp phát triển loại hình du lịch khám phá, trải nghiệm của địa phương trong tương lai.
Năm 2007, vải thiều Thanh Hà được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận “Chỉ dẫn địa lý”. Từ đó đến nay, vải Thanh Hà được bảo hộ nhằm đảm bảo quyền lợi của người sản xuất, người tiêu dùng, tăng giá trị, thuận lợi trong quản lý và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Năm 2012, vải thiều Thanh Hà lọt top 50 sản phẩm uy tín chất lượng do Trung ương Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam bình chọn. Năm 2013 và năm 2014, lọt top 10 sản phẩm uy tín, chất lượng và là đặc sản “Tinh hoa đặc sản 3 miền”.
Năm 2016, vải thiều Thanh Hà được Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam cấp giấy chứng nhận “Thương hiệu thực phẩm an toàn tin dùng”.