Dân xứ vải trồng quất cảnh

Vài năm trở lại đây, nhiều hộ dân ở xã Thanh Sơn (Thanh Hà) – nơi có cây vải tổ – đã chuyển hướng từ trồng quất lấy quả sang trồng quất cảnh phục vụ Tết.

 Quat_canh_1
Trồng quất cảnh mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân Thanh Sơn

“Việc tiêu thụ quất cảnh rất thuận lợi, chúng tôi ít phải thông qua thương lái vì người mua đến tận vườn đặt cây nên giá bán cao hơn”.

Đến nay, ông Trần Văn Nhuận ở xóm 14 thôn Tráng Liệt đã hơn 20 năm gắn bó với cây quất. Từ năm 1993, khi xã có chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng ở vùng cấy lúa bấp bênh, trong khi bà con trong xã bảo nhau trồng vải, ổi, gia đình ông Nhuận lại quyết định trồng quất. Thời điểm ấy, quất được giá, mọi người lại đua nhau phá bỏ vải, ổi, chuyển sang trồng quất. Chính vì vậy, giá quất trở nên bấp bênh, gần đây thì xuống thấp hẳn. Trước kia có đợt ông Nhuận bán 40.000-50.000 đồng/kg, còn giờ có lúc chỉ còn 2.000-3.000 đồng/kg. “Nhiều lúc tôi muốn bỏ để trồng cây khác nhưng nếu cứ ồ ạt trồng rồi lại đồng loạt phá bỏ thì cứ mãi ở trong vòng luẩn quẩn với nỗi lo về giá cả. Sau khi tìm hiểu qua báo, đài, biết huyện Văn Giang (Hưng Yên) là địa phương trồng nhiều quất cảnh lớn nhất miền Bắc, cuối năm 2005, tôi lặn lội sang tận nơi học hỏi kinh nghiệm về áp dụng”. Lúc đầu do chưa làm quất cảnh bao giờ nên ông Nhuận còn lóng ngóng, cây quất phát triển không như ý muốn. Về sau, do chịu khó tìm tòi, ông đã tạo ra những cây quất cảnh đáp ứng được yêu cầu của khách hàng. Hằng năm, bên cạnh trồng quất lấy quả, ông còn chăm sóc hơn 200 gốc quất cảnh bán Tết. Năm nay, ngoài 2 loại quất cảnh truyền thống là quất thế, quất nùm, ông  Nhuận còn trồng cả quất cảnh mi ni. Trung bình mỗi vụ Tết ông thu lãi hơn 50 triệu đồng, gấp đôi so với trồng quất lấy quả. Ra Tết, ông mua lại những cây quất cảnh của các gia đình không còn sử dụng, đem về chăm sóc cho năm sau, vừa đỡ tốn công, vừa tiết tiệm chi phí.

 quat_canh2
Các thương lái mang quất cảnh Thanh Sơn tiêu thụ tại TP Hải Dương

Có hơn 500 gốc quất cảnh bán Tết, ông Bùi Văn Ban ở xóm 11, thôn Tráng Liệt bảo: “Hiện nay, người dân đã chủ động cho quất ra quả vào thời gian theo ý muốn nhưng cây to hay bé, quả đều đẹp hay không thì còn phụ thuộc vào thời tiết. So với quất quả, chăm sóc quất cảnh không vất vả bằng nhưng nếu trồng không đúng quy trình sẽ “xôi hỏng bỏng không”. Đối với quất lấy quả, khi đến tháng 9, cây ra lá bánh tẻ thì vặt hết quả, rồi tưới nặng đạm, cây sẽ cho quả vào đúng tháng 3, thời điểm quất được giá. Còn với quất cảnh, đến đầu tháng 4 phải “đảo gốc”, đánh cây ra trồng ở khu đất khác và tuyệt đối không được tưới lân đạm, nếu không cây sẽ xót rễ mà chết. Để duy trì cho cây phát triển, người trồng phải nắm được bí quyết ngâm lân vào trong nước đúng 1 tuần rồi mới đem tưới cho cây. Chăm sóc có phần đơn giản hơn nhưng việc tạo tán, thế cho cây rất phức tạp, đòi hỏi người trồng phải kiên nhẫn, nhất là với quất thế. Nhưng bù lại giá bán mỗi cây quất cảnh cao, từ 400.000-700.000 đồng, có cây lên tới 3 triệu đồng nên người trồng đều phấn khởi. Mới có gần 5 năm kinh nghiệm làm quất cảnh nhưng ông Ban đã có thể tạo được nhiều thế quất khác nhau như phu phụ, tứ quý, tam đa… Nhiều khách đặt hàng từ đầu năm để ông chăm sóc, tạo dáng phù hợp với sở thích. Mỗi năm, gia đình ông Ban thu lãi hơn 120 triệu đồng tiền bán quất cảnh.   

Lúc đầu, anh Vũ Văn Khánh ở xóm 11, thôn Tráng Liệt cũng chỉ mày mò tìm hiểu kỹ thuật trồng quất cảnh, áp dụng vào vài cây trong vườn để gia đình sử dụng dịp Tết. Khi nhiều người ngỏ ý hỏi mua, anh mới bắt đầu mở rộng việc trồng quất cảnh. Sau 5 năm vừa nghiên cứu vừa thực hành, đến nay gia đình anh đã có 5 sào trồng quất cảnh. “Việc tiêu thụ quất cảnh rất thuận lợi, chúng tôi ít phải thông qua thương lái vì người mua đến tận vườn đặt cây nên giá bán cao hơn. Chúng tôi không phải lo về đầu ra mà chỉ lo thời tiết không thuận cây sẽ bị rụng quả, chín không đúng dịp Tết, bán sẽ không được giá”, anh Khánh cho biết.

Xã Thanh Sơn hiện có khoảng 300 hộ trồng quất với tổng diện tích hơn 120 ha. Nhằm nâng cao giá trị kinh tế của cây quất, nhiều hộ học hỏi kinh nghiệm của nhau chuyển sang làm quất cảnh. Ông Nguyễn Văn Tuynh, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn cho biết: “Chính quyền xã luôn khuyến khích bà con tìm ra những mô hình, hướng phát triển kinh tế nông nghiệp mới mang lại hiệu quả cao. Nhằm giúp bà con thuận lợi trong sản xuất, chúng tôi cử cán bộ chuyên môn theo dõi sát sao tình hình thời tiết, sâu bệnh để có những khuyến cáo kịp thời. Tuy nhiên, người dân cũng cần cân đối giữa các loại cây trồng, tránh tình trạng trồng ồ ạt, ảnh hưởng tới đầu ra sản phẩm”.

 

MƠ NGUYỄN (baohaiduong.vn)