Hợp tác xã Ameii Việt Nam (thuộc Công ty CP Ameii Việt Nam) được thành lập từ cuối năm 2020 với 35 thành viên. Sau gần 1 năm hoạt động HTX đã nỗ lực từng ngày để sản xuất ra quả vải thiều Thanh Hà bảo đảm chất lượng, xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
Vùng sản xuất Vải của Hợp tác xã Ameii Việt Nam nằm ở khu vực xóm 4 thôn Thúy Lâm – Thanh Sơn
Những ngày này, HTX Ameii Việt Nam đang chuẩn bị cho vụ thu hoạch vải sớm. Các công đoạn chuẩn bị cho hoạt động sơ chế, hun trùng,… đã sẵn sàng. Với lợi thế về vùng trồng vải tập trung, doanh nghiệp này đã thành lập HTX Ameii Việt Nam chuyên sản xuất vải đi Nhật Bản với diện tích trên 17 ha thuộc vùng canh tác của 35 xã viên ở thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn. Đây là vùng vải ngoài đê có lợi thế về địa hình, nguồn nước, thuận lợi cho việc chăm sóc, kiểm tra vải.
Ở đây, 100% số xã viên đều phải thực hiện theo đúng quy trình VietGAP, GlobalGAP. Ông Phạm Văn Giang, thành viên của HTX Ameii Việt Nam cho biết: Sản xuất vải theo quy trình của Nhật Bản rất nghiêm ngặt. Từ việc bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật đều phải theo đúng hướng dẫn của nước bạn. Trước khi thu hoạch, vải sẽ được lấy mẫu để kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật 4 lần và dừng phun thuốc trước đó 15 ngày. Trong quá trình trồng, nông dân phải ghi chép nhật ký đầy đủ để các kỹ thuật viên đến kiểm tra; đến ngày phun thuốc, chăm bón mọi thành viên cùng thực hiện. Mọi yêu cầu đều phải thực hiện đúng để làm sao dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm khi xuất khẩu phải đảm bảo chỉ còn 0,01%. Người nào không tuân thủ quy trình dẫn đến thiệt hại và làm mất uy tín của HTX sẽ bị loại khỏi danh sách thành viên.
Thuận lợi lớn nhất khi tham gia HTX đó là là sản phẩm làm ra sẽ được Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam bao tiêu với giá cao hơn so với thị trường. Vì thế, người trồng vải không phải lo đầu ra mà chỉ cần chăm sóc quả vải theo đúng hướng dẫn. Cũng chính vì ưu điểm này nên hiện có nhiều nông dân ở đây rất muốn tham gia vào HTX.
Theo bà Ngô Thị Thu Hồng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam cho biết: Trong tuần này vải sẽ được công ty xuất khẩu sang Nhật Bản. Năm nay sản lượng vải của HTX dự kiến đạt khoảng 300 tấn. Chỉ riêng khối lượng vải ở đây sẽ không đủ để xuất khẩu nên công ty sẽ thua mua thêm ở các vùng vải đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP của huyện nhà. Vải sau khi thu hoạch sẽ được sơ chế, khử khuẩn, bảo quản trong kho lạnh. Các quy trình sơ chế đều có chuyên gia người Nhật Bản giám sát qua hệ thống camera. Vì vậy, các khâu đều phải chuẩn bị kỹ lưỡng.
Công nhân công ty Ameii Viêt Nam đóng gói, dán nhãn sản phẩm để chuẩn bị xuất đi tiêu thu
Vốn có kinh nghiệm sơ chế nông sản xuất khẩu, nên ngoài sản phẩm vải, HTX Ameii Việt Nam còn thu mua lá dong, lá chuối, sả để xuất. Năm 2020 huyện đã thành công trong việc xuất khẩu Vải sang thị trường Nhật Bản. Tuy nhiên sản lượng chưa nhiều nhưng cũng mở ra tín hiệu tích cực cho thị trường tiêu thụ Vải của chính quyền, nhân dân huyện nhà trong vụ vải năm nay và những năm tiếp theo. Ngoài thị trường Nhật Bản, vải thiều Thanh Hà còn được công ty Ameii Việt Nam xuất khẩu sang các nước Singapore, Hàn Quốc, Canada… với số lượng gần 2.000 tấn. Để phục vụ sản xuất cho vụ vải này, doanh nghiệp đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng để mua buồng hun trùng, ngăn cách các khu vực sơ chế. Khu sơ chế vải đi Nhật Bản phải bố trí riêng, cách biệt với các khu khác./.
Lương Hà