Khai mở thị trường tiêu thụ vải thiều

Vụ vải năm nay không chỉ có cơ hội được xuất khẩu sang Mỹ mà dự kiến còn được đưa đến thị trường nhiều quốc gia khác.

 

 Năm nay toàn tỉnh có 1.420 ha vải trồng theo tiêu chuẩn VietGAP


Thêm nhiều thị trường mới

Khu trồng vải theo tiêu chuẩn VietGAP của xã Thanh Thủy (Thanh Hà) nằm khá xa khu dân cư. Đón chúng tôi ngay đầu vườn vải, chị Nguyễn Thị Hương ở xóm 7, xã Thanh Thủy nhanh nhảu giới thiệu: “Khu trồng vải theo tiêu chuẩn VietGAP này có hơn 160 hộ tham gia với tổng diện tích hơn 19 ha. Vụ vải trước, quả vải ở vườn này đã được chọn để cấp đông xuất khẩu sang Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản. Năm nay, ở đây có khoảng 10 ha vải được chọn để xuất khẩu sang Mỹ và Úc. Hôm trước, có một doanh nghiệp chế biến nông sản xuất khẩu ở Cần Thơ còn đến đây tham quan, dự định thu mua vải tươi xuất khẩu sang Lào và Campuchia”.

Người trồng vải ở thị xã Chí Linh năm nay cũng phấn khởi hơn bởi hiện đã có nhiều doanh nghiệp đến tìm hiểu và ký hợp đồng tiêu thụ. “Năm ngoái vải trồng theo tiêu chuẩn VietGAP mặc dù đã được cấp giấy chứng nhận nhưng chúng tôi vẫn phải bán bằng với giá vải đại trà.

Năm nay, một sô doanh nghiệp đã đến tham quan, tìm hiểu để đưa quả vải của chúng tôi vào siêu thị. Hy vọng giá bán vải sẽ cao hơn”, ông Lê Quý Thuận ở khu 2, phường Bến Tắm phấn khởi nói. Thị xã Chí Linh hiện có 40 ha vải được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Để tìm đầu ra cho quả vải, năm nay Phòng Kinh tế của thị xã cũng đang gấp rút liên hệ với các doanh nghiệp để đưa quả vải Chí Linh vào thị trường TP Hồ Chí Minh và xuất khẩu sang thị trường các nước Đông Nam Á.  

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm nay toàn tỉnh có 1.420 ha vải được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Trong đó, 145 ha được giám sát cấp giấy chứng nhận, diện tích còn lại do nông dân tự học sản xuất theo quy trình này. Bà Lương Thị Kiểm, Trưởng phòng Trồng trọt (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: “Diện tích vải VietGAP tăng gần gấp đôi so với năm ngoái góp phần nâng cao chất lượng cũng như mẫu mã quả vải của tỉnh, đáp ứng tốt hơn nhu cầu xuất khẩu và tiêu thụ tại hệ thống các siêu thị. Những năm trước, quả vải thiều của tỉnh ta đã được cấp đông xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh. Nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu xuất khẩu được một số ít sản lượng vải tươi sang những thị trường có tiêu chuẩn không quá khắt khe ở khu vực Trung Đông. Vụ vải này, nhiều thị trường trong khu vực Đông Nam Á, nhất là thị trường các nước như Lào và Campuchia cũng sẽ được quan tâm xúc tiến thương mại để sớm đưa quả vải sang những thị trường này. Ngoài ra, thị trường các tỉnh phía Nam sẽ được khai thác triệt để”. Việc mở rộng thị trường cũng sẽ giúp quả vải của tỉnh ta giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc vốn nhiều rủi ro. Khi đầu ra rộng mở, người trồng vải tỉnh ta sẽ bớt lo “được mùa, giảm giá”.

Kiểm soát chặt quy trình sản xuất

Để vải thiều đáp ứng được các tiêu chuẩn xuất khẩu và đến với nhiều thị trường khó tính đòi hỏi phải làm đúng quy trình nên cả tháng nay ông Phạm Nguyên Hạnh, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh phải vất vả đi lại như con thoi giữa vùng trồng vải VietGAP của Chí Linh và Thanh Hà. Tại 2 vùng vải này, ông Hạnh cùng các cán bộ của Chi cục Bảo vệ thực vật hướng dẫn người dân các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, nhất là việc lựa chọn bộ thuốc bảo vệ thực vật không sử dụng 5 hoạt chất mà phía Mỹ cấm. Ông Hạnh kể, hôm đoàn chuyên gia của Mỹ về kiểm tra vùng vải được chọn cấp mã số xuất khẩu sang Mỹ ở xã Hoàng Hoa Thám (Chí Linh), vừa bước vào vườn ngay lập tức một chuyên gia của họ yêu cầu chuyển sang kiểm tra vườn khác. Cả đoàn tròn mắt ngạc nhiên, chỉ khi cô phiên dịch nói cả đoàn mới hiểu. Hóa ra, ông ta vừa nhìn thấy vườn vải có mấy con gà. Để xuất khẩu vải đi các thị trường khác không riêng thị trường Mỹ, người trồng vải phải sản xuất chuyên nghiệp hơn”.

Bà Vũ Thị Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định: “Mặc dù nông dân tỉnh ta đã quen sản xuất vải VietGAP từ nhiều năm nay nhưng vụ vải này các cơ quan chuyên môn của tỉnh vẫn tăng cường giám sát, hướng dẫn người dân thực hiện đúng quy trình sản xuất. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tập huấn, hướng dẫn nông dân thực hiện quy trình chăm sóc. Trong đó, tập trung vào việc lựa chọn bộ thuốc bảo vệ thực vật mới thay thế bộ thuốc mà nông dân vẫn quen sử dụng ảnh hưởng đến tiêu chuẩn xuất khẩu. Đầu tháng 3 vừa qua, sở cũng đã tổ chức hội nghị phổ biến tiêu chuẩn, yêu cầu của phía Mỹ đối với vải quả nhập khẩu và bàn biện pháp tiêu thụ vải năm 2015 cho người trồng vải toàn tỉnh”.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến thời điểm này, nông dân trong vùng sản xuất vải VietGAP nói chung và vùng xuất khẩu sang Mỹ nói riêng đều cơ bản tuân thủ đúng các quy trình sản xuất. Huyện Thanh Hà và thị xã Chí Linh đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh tìm giải pháp để hỗ trợ người trồng vải về kỹ thuật và thị trường tiêu thụ. Các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học-công nghệ cho nông dân và những cuộc tiếp xúc, tham quan của các doanh nghiệp đang được triển khai. Sở Công thương đang gấp rút thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại cho quả vải tại thị trường trong và ngoài nước.

LAN ANH

 Khoảng 10 ngày nữa thu hoạch vải u trứng

Xã Thanh Bính (Thanh Hà) có khoảng 200 ha vải sớm gồm vải u trứng, u hồng và tàu lai. Hiện tại, có khoảng 20 ha vải u trứng đang vào mã, dự kiến 10 ngày nữa sẽ cho thu hoạch, sản lượng ước đạt 100 tấn, tương đương năm ngoái.Theo đánh giá của nhiều nông dân, mã vải năm nay rất đẹp, quả to, ít sâu bệnh do nông dân ngày càng có kinh nghiệm, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất.

PV