Làm gì để xuất khẩu vải thiều sang Mỹ?

Việc này đang được cả nhà quản lý và người dân đặc biệt quan tâm. Đây là thị trường lớn nhưng cũng sẽ đối mặt với nhiều thách thức không nhỏ…

Bộ Nông nghiệp Mỹ quyết định cho nhập khẩu quả vải của Việt Nam là cơ hội lớn để cây vải tỉnh ta nâng cao giá trị. Tuy nhiên, để xuất khẩu quả vải sang thị trường Mỹ còn nhiều việc phải làm. Phóng viên Báo Hải Dương đã phỏng vấn đồng chí Nguyễn Văn Phú, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thấy rõ hơn những thách thức khi đưa quả vải vào thị trường Mỹ.

- Được biết, quả vải của tỉnh ta đã xuất khẩu sang Trung Quốc, Hàn Quốc, Anh, Úc… Vậy để xuất khẩu được quả này sang thị trường Mỹ, tỉnh ta sẽ phải vượt qua những rào cản nào?

- Tỉnh ta hiện có khoảng 10.500 ha vải, trong đó tập trung nhiều nhất tại huyện Thanh Hà với diện tích khoảng 3.900 ha và thị xã Chí Linh hơn 4.000 ha, với tổng sản lượng hơn 48.000 tấn/năm. Để xuất khẩu sang thị trường Mỹ, trước hết, chúng ta cần đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về vệ sinh, an toàn thực phẩm mà Bộ Nông nghiệp Mỹ quy định. Cụ thể, phải tuân thủ các điều kiện như quả vải phải được trồng ở vườn đã được đăng ký với sự giám sát của tổ chức bảo vệ thực vật của Việt Nam và Mỹ; không nhiễm bệnh sương mai và một số chất cấm. Sản phẩm trước khi xuất khẩu phải được xử lý bằng chiếu xạ khống chế dịch hại của lớp côn trùng… Doanh nghiệp tham gia xuất khẩu quả vải phải đăng ký với cơ quan kiểm dịch thực vật của Mỹ. Mỗi lô hàng phải có chứng chỉ về an toàn thực phẩm của cơ quan chức năng Việt Nam; khi xuất khẩu phải kèm theo giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật cho phép bởi tổ chức bảo vệ thực vật quốc gia Việt Nam và nhiều điều kiện khắt khe khác…

- Tỉnh ta phải chuẩn bị những gì để xuất khẩu lô vải thiều đầu tiên ngay trong năm nay?

- Thời gian qua, tỉnh ta đã tổ chức các cuộc hội thảo và hội nghị phổ biến các tiêu chuẩn, yêu cầu của Mỹ đối với vải quả nhập khẩu. Việc này giúp chính quyền địa phương và nông dân nắm được cơ hội để mở rộng thị trường tiêu thụ cho quả vải, giảm thiểu rủi ro khi xuất khẩu do quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Tỉnh đã tổ chức cho các đoàn đi học tập kinh nghiệm xuất khẩu và tiêu thụ vải tại Bắc Giang và Lạng Sơn. Tỉnh cũng đã xây dựng được chỉ dẫn địa lý cho quả vải từ năm 2007. Trong 3 năm (từ 2012- 2014), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và huyện Thanh Hà, thị xã Chí Linh đã xây dựng các vùng trồng vải theo tiêu chuẩn VietGAP với 166,55 ha, sản lượng 1.041 tấn. Quả vải Thanh Hà cũng đã được một số doanh nghiệp thu mua để bán ở các siêu thị và cấp đông xuất khẩu đi Nhật Bản, Hàn Quốc, một số nước châu Âu. Ngay trong năm nay, tỉnh sẽ xây dựng 2 mô hình điểm tại Thanh Hà và Chí Linh, mỗi mô hình rộng 10ha, đáp ứng đủ các tiêu chuẩn xuất khẩu đi Mỹ.

Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tham mưu cho tỉnh ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích nông dân trồng vải đáp ứng được các tiêu chuẩn xuất khẩu, các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào sản xuất và tiêu thụ quả vải xuất khẩu.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Công thương tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu vải thiều tại thị trường Mỹ và một số thị trường mới có nhiều tiềm năng khác; liên kết với một số doanh nghiệp có khả năng, kinh nghiệm xuất khẩu xây dựng mối liên kết chặt chẽ “4 nhà” trong sản xuất vải. Phấn đấu ngay trong vụ vải năm nay tỉnh ta sẽ có một lô hàng được xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Chúng ta cũng vẫn tiếp tục đẩy mạnh tiêu thụ nội địa, nhất là thị trường các tỉnh phía Nam, quan tâm nhiều hơn các thị trường khác như Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nam Phi…

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Tác giả: