Quy định nàu ban hành theo Quyết định số: 5878 /QĐ-UBND 5 -10- 2011 của UBND huyện Thanh Hà.
Mẫu nhận diện sản phẩm vải thiều Thanh Hà Hải Dương (Nhãn đeo mặt trước)
Mẫu nhận diện sản phẩm vải thiều Thanh Hà Hải Dương (Nhãn đeo mặt sau)
Áp phích quảng cáo
Túi giấy bán ở siêu thị
Tờ rơi
CHƯƠNG I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Mục tiêu
1. Quy định này nhằm thống nhất cách thức sử dụng hệ thống tem nhãn (bao gồm nhãn hiệu, túi đựng, nhãn hàng hóa, tem bảo đảm) đối với sản phẩm quả vải thiều Thanh Hà đáp ứng các tiêu chí về tính chất và chất lượng đặc thù theo văn bằng bảo hộ Chỉ dẫn địa lý Thanh Hà số 0009 của Cục Sở hữu trí tuệ cấp ngày 25 tháng 5 năm 2007 cho sản phẩm quả vải thiều.
2. Quy định này nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm quả vải thiều khi đưa ra thị trường, đảm bảo quyền và lợi ích của người sử dụng Chỉ dẫn địa lý, của người tiêu dùng, phục vụ công tác kiểm tra, kiểm soát và truy xuất nguồn gốc khi cần thiết.
3. Quy định này nhằm thống nhất các hành vi sử dụng nhãn hiệu, hệ thống tem nhãn của Chỉ dẫn địa lý Thanh Hà để từng bước phát triển thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm, bảo tồn và phát huy giá trị thương hiệu.
Điều 2. Sản phẩm được sử dụng nhãn hiệu và hệ thống tem nhãn mang Chỉ dẫn địa lý Thanh Hà
Sản phẩm quả vải thiều Thanh Hà đáp ứng các tiêu chí theo quy định tại Điều 5 Quy định quản lý và sử dụng Chỉ dẫn địa lý; Điều 4 và Điều 5 Quy định cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý sẽ được gắn nhãn hiệu và hệ thống tem nhãn của Chỉ dẫn địa lý Thanh Hà.
Điều 3. Đối tượng gắn nhãn hiệu và hệ thống tem nhãn mang Chỉ dẫn địa lý Thanh Hà
Nhãn hiệu và hệ thống tem nhãn mang Chỉ dẫn địa lý Thanh Hà tùy theo từng đối tượng sẽ được gắn:
1. Sản phẩm quả vải thiều Thanh Hà đáp ứng các tiêu chí về tính chất và chất lượng đặc thù theo quy định.
2. Vỏ hộp, vỏ thùng, túi đựng.
3. Biển hiệu, biển quảng cáo.
4. Tờ rơi, tiêu đề thư, danh thiếp và các tài liệu khác.
Điều 4. Nhãn hiệu và hệ thống temnhãn của Chỉ dẫn địa lý Thanh Hà
1. Nhãn hiệu: Nhãn hiệu là một tổng thể bao gồm hai phần là phần hình và chữ: Phần hình là một hình tròn viền trắng, màu nền là màu vàng, trên nền có các tia sáng màu xanh lá cây nhạt phát ra từ tâm. Phần trên hình tròn có hai đường cung màu nâu bên ngoài và màu xanh bên trong. Phần phía dưới hình tròn là hình e-líp viền trắng, xanh nhạt nằm ngang. Bên trong, phía dưới, bên trái hình e-líp là hình ba quả vải nằm trên chiếc lá màu xanh, trong đó đầu lá hướng ra ngoài bên trái, ba quả vải thì có hai quả tác vỏ lộ cùi trắng. Hai bên hình e-líp là hai đầu của dải ruy băng cuộn màu nâu nhạt, viền nâu đậm cuốn lấy viền ngoài, bên dưới của hình tròn. Bên dưới hình e- líp là đường cung màu xanh lá cây lớn viền ngoài màu trắng. Phần chữ bao gồm: Chạy theo hình cung bên trên đường tròn và ở giữa hai hai đường cung nâu và xanh là dòng chữ “Hiệp hội sản xuất và tiêu thụ vải thiều Thanh Hà” kiểu chữ in hoa màu xanh lá cây. Bên trong hình tròn, phía trên hình e-líp là chữ “Đặc sản Hải Dương” kiểu chữ in hoa màu vàng viền xanh lá cây. Nằm trên hình e-líp là chữ “Thanh Hà” màu xanh lá cây, kiểu chữ cách điệu. (mẫu nhãn hiệu đính kèm).
2. Nhãn hàng hóa: Nhãn hàng hóa là phần ghi các thông tin về sản phẩm và nhà cung cấp theo Nghị định 89/2006/NĐ-CP ngày 30/8/2006. Trong trường hợp này Nhãn hàng hóa là một hình tròn như hình nhãn hiệu, nền màu trắng, bên trong có các dòng chữ thứ tự từ trên xuống dưới như sau:
Cơ sở
HIỆP HỘI SẢN XUẤT VÀ TIÊU THỤ VẢI THIỀU THANH HÀ, HẢI DƯƠNG
Địa chỉ: THANH SƠN, THANH HÀ, HẢI DƯƠNG
ĐT: (0320) 3814143 – 3815174
Website:www.haiduongdost.gov.vn/vaithieuthanhha
TCCS:VTTH.HD – 01/2010
Sản phẩm mang Chỉ dẫn địa lý Thanh Hà số 0009
Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm
Khối lượng:………..kg
Sử dụng trước ngày:………..
Nên bảo quản nơi thoáng mát dưới 20o C
3. Túi: Túi đựng là túi dưới dạng hình hộp chữ nhật, có hai quai xách, màu xanhlá cây trên miệng túi. Mặt trước của túi được chia làm hai phần theo chiều dọc bởi một dải nhiều màu sắc bao gồm màu đỏ, nâu, vàng, đen, xanh lá cây, kết cấu theo hình loa kèn lượn từ trái qua phải. Phần trên mặt túi là hình e-lip nền vàng, viền xanh trắng nằm ngang, bên trong hình e- líp là chữ Thanh Hà cách điệu màu xanh, góc dưới bên trái chữ Thanh Hà là hình ba quả vải, trong đó hai quả tách vỏ hở cùi màu trắng. Bên dưới hình e-líp chính giữa dải màu phân cách là hình chùm vải tươi với quả màu đỏ, lá màu xanh. Sát mép dưới đáy túi là dải màu xanh lá cây, viền đỏ, bên trong có các hàng chữ ghi về thông tin Hiệp Hội sản xuất và tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và địa chỉ số điện thoại của Hiệp Hội. Mặt sau của túi có màu trắng là cơ bản, chính giữa bên trên là hình lo-go như đã môt tả ở mặt trước. Phần màu xanh ở mặt này không thiết kế theo chiều dọc mà được thiết kế theo chiều ngang từ sát mép túi bên trái đi lên gần giữa mép túi bên phải. Trên dải màu phân cách có ba hình tròn lớn dần từ trái sang phải. Trong đó, hình tròn thứ nhất viền vàng, bên trong có hình của 4 quả vải đã được tách vỏ với cùi màu trắng, hình tròn thứ hai viền màu xanh lá cây, trong hình tròn có 4 quả vải màu đỏ chưa tách vỏ, hình tròn thứ ba viền màu đỏ, bên trong là hình một chùm vải màu đỏ. Mặt bên phải túi có màu xanh lá cây, bên dưới có hình lo-go như đã mô tả. Mặt bên trái túi có màu trắng, bên dưới có hình lo-go như đã mô tả.
4. Tem: Tem dán là một dải băng màu nâu, một mặt dính và một mặt in các hàng chữ: Hiệp Hội sản xuất và tiêu thụ vải thiều Thanh Hà, kiểu chữ in hoa màu đỏ. Website:www.vaithieuthanhha.com, điện thoại…in chéo, liên tục trên thân của tem dán. Tem dán có kích cỡ chiều rộng là 5 cm.
CHƯƠNG II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 5. Nguyên tắc sử dụng nhãn hiệu và hệ thống tem nhãn
1. Hệ thống tem nhãn mang Chỉ dẫn địa lý Thanh Hà như mô tả ở trên cho sản phẩm quả vải thiều phải được sử dụng thống nhất về quy cách, mầu sắc, thông tin chính và vị trí gắn tem nhãn trên từng loại khác nhau theo quy định tại Điều 6 dưới đây.
2. Không được sử dụng tem nhãn mang Chỉ dẫn địa lý Thanh Hà cho sản phẩm quả vải không phải là vải thiều;hoặc là vải thiều nhưng không nằm trong vùng địa lý xác định theo bản đồ và hoặc quả vải thiều không đạt tiêu chuẩn về tính chất lượng đặc thù như đăng ký.
Điều 6. Hình thức, phương pháp gắn nhãn hiệu và hệ thống tem nhãn trên sản phẩm
Hệ thống nhãn hiệu và tem nhãn mang Chỉ dẫn địa lý Thanh Hà cho sản phẩm quả vải thiều sẽ được thống nhất về hình thức và phương pháp gắn cụ thể trên bao bì như sau:
1. Đối với quả vải thiều bán theo túm, mỗi túm khoảng 5kg thì gắn Nhãn hiệu, nhãn hàng hóa ở phần buộc dây của túm, hình thức gắn là treo, sau đó dùng tem dán quấn quanh phần dây buộc đó. Sau đó túm vải có thể được cho vào túi như đã mô tả.
2. Trong trường hợp sử dụng thùng, hộp bằng carton thì mặt trước của thùng, hộp sẽ được in mẫu nhãn hiệu với kích cỡ lớn chiếm ít nhất 1/3 diện tích mặt thùng, hộp và ở chính giữa. Mặt sau của thùng hộp là nhãn hàng hóa. Phần nhãn hàng hóa này cũng phải có kích thước tương ứng với ít nhất là ¼ diện tích của mặt sau. Tem sẽ được dán vào từng túm vải cỡ 5kg tại phần buộc dây trước khi đưa vào thùng, hộp. Sau đó miệng thùng, hộp (phần mở ra) cũng được dán tem nhằm đảm bảo hàng hóa bên trong.
3. Mã số mã vạch sẽ được gắn lên phần nhãn hàng hóa, nếu là vỏ thùng hoặc vỏ hộp thì mã số, mã vạch có thể được gắn lên ở mặt sau ngay bên cạnh hoặc bên dưới phần nhãn hàng hóa.
4. Đối với các thông tin về trọnglượng và hạn sử dụng sẽ được ghi tay bằng bút. Các chủ thể tự ghi và có trách nhiệm ghi đầy đủ thông tin này trước khi xuất hàng.
Điều 7. Một số trường hợp khác sử dụng nhãn hiệu và hệ thống tem nhãn của chỉ dẫn địa lý Thanh Hà
1. Trong trường hợp người sử dụng được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý muốn sử dụng nhãn hiệu, hệ thống nhãn hiệu mang chỉ dẫn địa lý Thanh Hà trên biển hiệu, các tài liệu giao dịch như danh thiếp, tiêu đề thư, phong bì… của mình thì người sử dụng phải đảm bảo nguyên tắc nguyên vẹn của nhãn hiệu và kích cỡ nhãn hiệu mang chỉ dẫn địa lý Thanh Hà ít nhất phải ngang bằng với nhãn hiệu hay biểu tượng của cơ sở sử dụng kèm theo.
2. Trong trường hợp người sử dụng có bao bì riêng nhưng vẫn muốn sử dụng nhãn hiệu mang chỉ dẫn địa lý Thanh Hà thì biểu tượng của cơ sở luôn phải nhỏ hơn hoặc ngang bằng với nhãn hiệu mang chỉ dẫn địa lý Thanh Hà.
Điều 8. Trách nhiệm của người sử dụng nhãn hiệu và hệ thống tem nhãn của Chỉ dẫn địa lý Thanh Hà
Người sử dụng nhãn hiệu và hệ thống tem nhãn có trách nhiệm sử dụng nhãn hiệu và hệ thống tem nhãn cho đúng sản phẩm, đúng với quy cách đã được quy định tại bản Quy định này.
Người sử dụng có trách nhiệm phát hiện những hành vi sử dụng nhãn hiệu không đúng quy cách và không đúng sản phẩm hoặc làm giả hệ thống tem nhãn cũng như các hành vi khác và báo cáo cho Phòng Kinh tế và hạ tầng để xử lý.
Điều 9. Hành vi vi phạm
Những hành vi sau đây là hành vi vi phạm quy định sử dụng nhãn hiệu và hệ thống tem nhãn của Chỉ dẫn địa lý Thanh Hà:
1. Gắn nhãn hiệu và hệ thống tem nhãn không đúng cho sản phẩm là quả vải thiều Thanh Hà theo quy định.
2. Sử dụng nhãn hiệu và hệ thống tem nhãn không đúng quy cách theo quy định tại Điều 6 và Điều 7 của Quy định này.
3. Thêm các yếu tố làm sai lệch hoặc ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của Chỉ dẫn địa lý.
4. Sử dung nhãn hiệu và hệ thống tem nhãn không trung thực làm cho người tiêu dùng hiểu sai về chỉ dẫn địa lý.
Điều 10. Xử lý vi phạm
Tất cả những hành vi vi phạm tại Điều 9 phải được xử lý. Tùy theo mức độ của hành vi vi phạm mà áp dụng các biện pháp xử lý sau:
1. Cảnh cáo.
2. Thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý trong 3 (ba) năm liên tục.
3. Phạt tiền theo Nghị định 97/2010/NĐ – CP ngày 21 tháng 9 năm 2010 của Thủ tướng Chính Phủ.
CHƯƠNG III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 11. Điều khoản thi hành
Ủy ban nhân dân huyện giao Phòng kinh tế và hạ tầng, Hiệp hội sản xuất và tiêu thụ vải thiều Thanh Hà tổ chức thi hành Quy định này. Theo đó:
1. Hiệp hội sản xuất và tiêu thụ vải thiều Thanh Hà chịu trách nhiệm quản lý và tổ chức in ấn cấp phát tập trung đối với nhãn hiệu và hệ thống tem nhãn nêu trên cho những người được UBND huyệncấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý.
2. Hiệp hội có trách nhiệm đảm bảo tất cả sản phẩm quả vải thiều Thanh Hà của các thành viên Hiệp hội khi xuất ra thị trường phải được gắn nhãn theo quy định, không được để bất cứ sản phẩm hay lô hàng nào đạt tiêu chuẩn mà không được gắn nhãn hiệu.
3. Phòng kinh tế và hạ tầng có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện của tất cả người sử dụng chỉ dẫn địa lý được cấp quyền sử dụng trên phạm vi toàn huyện và báo cáo Ủy ban nhân dân huyện quá trình giám sát nêu trên theo tuần.
Điều 12. Hiệu lực thi hành và sửa đổi bổ sung
Quy định này có hiệu lực thi hành theo Quyết định ban hành.
Quy định này có thể được sửa đổi bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế trên cơ sở kiến nghị của Phòng kinh tế và hạ tầng, Hiệp hội sản xuất và tiêu thụ vải thiều Thanh Hà.