Sản xuất TH7-2 thành công tại Hải Dương

Với mục đích bổ sung giống lúa mới vào cơ cấu giống lúa của tỉnh Hải Dương và nâng cao năng suất, hiệu quả trong sản xuất lúa, ThS. Nguyễn Văn Mười cùng cộng sự, Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng đã thành công khi thực hiện đề tài “Nghiên cứu phát triển giống lúa lai hai dòng năng suất, chất lượng TH7-2 tại tỉnh Hải Dương”.

Sau hai năm thực hiện, đề tài đã hoàn thiện được quy trình sản xuất hạt lai F1 và chuyển giao kỹ thuật; xây dựng mô hình trình diễn lúa lai thương phẩm TH7-2, được Công ty TNHH MTV Giống cây trồng Hải Dương tiếp nhận và mở rộng sản xuất tại các huyện Ninh Giang, Bình Giang, Nam Sách, Tứ Kỳ, Thanh Hà, Thanh Miện…

TH7-2_1

Giống lúa TH7-2 là giống lúa lai hai dòng do PGS.TS Nguyễn Thị Trâm và các cộng sự Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng, Học viện Nông nghiệp Việt Nam chọn tạo từ các dòng bất dục đực Hương 123S, Peiai’64S, T63S và các dòng lúa thuần: MR365, TX93, Maogo, R9311, Hương cốm.

TH7-2 có thời gian sinh tr­ưởng ở điều kiện vụ xuân muộn từ 130-135 ngày, vụ mùa từ 120-125 ngày. Giống có chiều cao cây trung bình (100-105 cm), đẻ nhánh khá và tập trung, bản lá dài rộng, xanh đậm, bông to dài, khối lượng 1.000 hạt là 26,5 gam. TH7-2 có chất lượng gạo tốt như: tỷ lệ gạo xát 68-70%, gạo nguyên 60-70%, hạt gạo thon dài (> 7mm), hàm l­ượng amylose 18,4%, protein 7,8%, cơm trắng, ngon, mềm, vị đậm, thơm nhẹ. TH7-2 chịu rét khá, chống đổ tốt, kháng đạo ôn tốt, nhiễm nhẹ khô vằn, bạc lá, chịu thâm canh. Năng suất đạt 70-90 tạ/ha trong điều kiện vụ Xuân, 65-75 tạ/ha trong điều kiện vụ Mùa.

Đánh giá về giống lúa lai hai dòng TH7-2, ThS. Nguyễn Văn Mười cho rằng giống có thời gian sinh trưởng ngắn, chiều cao trung bình từ 100-105cm, đẻ nhánh khá, bản lá dài rộng, xanh đẫm, đẻ gọn. Đặc điểm của TH7-2 là bông to dài, hạt thon dài xếp sít, cơm trắng, ngon, mềm, vị đậm, thơm nhẹ, năng suất cao hơn so với các giống lúa lai khác. Đặc biệt giống lúa TH7-2 nhiễm rất nhẹ rầy nâu, nhiễm nhẹ bệnh đạo ôn, khô vằn và bạc lá, chịu lạnh và chống đổ tốt rất phù hợp với cơ cấu nhóm lúa Xuân muộn và Mùa sớm trên những chân đất cát nhẹ tại Hải Dương.

TH7-2

Thành công của đề tài sản xuất lúa lai TH7-2 cho thu nhập cao hơn một số giống lúa lai khác được gieo cấy tại Hải Dương nhờ giảm giống, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời đã góp phần thay đổi cơ cấu cây trồng và bổ sung thêm giống lúa mới tiến bộ vào cơ cấu giống lúa lai của tỉnh, giúp người nông dân chủ động về nguồn giống, góp phần tăng năng suất, sản lượng lương thực, nâng cao đời sống nông dân.

 

Thu Hằng (theo www.vnua.edu.vn)