Với mục tiêu đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất nhằm nâng cao giá trị sản phẩm trên diện tích đất canh tác, trong đó việc tiến hành đưa các dòng, giống cây ăn quả có múi mới vào trồng và nghiên cứu tìm ra các biện pháp kỹ thuật canh tác cây ăn quả có múi hiệu quả, là một trong những yêu cầu cấp thiết của sản xuất nông nghiệp giai đoạn hiện nay.
Xuất phát từ thực tế phát triển cây ăn quả tại huyện Thanh Hà, Tiến sĩ Nguyễn Mai Thơm, Trung tâm Thực nghiệm và Đào tạo nghề cùng các cộng sự đã thực hiện nghiên cứu thành công đề tài: “Xây dựng mô hình trình diễn một số dòng cây ăn quả mới Quýt không hạt NNH-VN52, Bưởi ngọt NNH-VN53 và Bưởi NNH-VN50 trên địa bàn tỉnh Hải Dương” tại thôn Lập Lễ, xã Thanh Hồng, huyện Thanh Hà, Hải Dương với quy mô 0,5ha.
Sau 3 năm triển khai đề tài, đã xây dựng 03 mô hình cây ăn quả mới gồm bưởi ngọt NNH-VN53, bưởi NNH-VN50 và quýt không hạt NNH-VN52 tại xã Thanh Hồng. Kết quả cho thấy, mô hình trình diễn giống bưởi ngọt NNH-VN53 có khả năng thích ứng và sinh trưởng tốt tại địa phương. Cây có chiều cao, kích thước tán, đường kính cành, độ dài sinh trưởng của cành lộc và thời gian ra hoa đậu quả, mẫu mã, chất lượng quả bưởi, khả năng tăng trưởng khi sử dụng phân bón lá Botrac đạt cao nhất.
Việc sử dụng phương pháp ghép nêm chéo dòng bưởi NNH-VN53 trên gốc bưởi Lập Lễ làm cho mầm ghép phát triển nhanh và khỏe hơn so với phương pháp ghép mắt nhỏ có gỗ. Sử dụng phương pháp này cho thấy khả năng tiếp hợp nhanh, sinh trưởng khỏe nên khả năng ra lá tốt hơn so với phương pháp ghép mắt nhỏ có gỗ. Đặc biệt quả của dòng bưởi NNH-VN53 có thể là nhóm quả cung cấp trong dịp Tết Nguyên đán cho hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời có thể nhân rộng và trồng dòng bưởi NNH-VN53 để rải vụ bưởi tại địa phương nhằm tăng hiệu quả kinh tế cho người dân.
TS. Nguyễn Mai Thơm bên giống bưởi NNH-VN53
Mô hình trình diễn dòng bưởi NNH-VN50 cũng có khả năng thích ứng cao, tép quả giòn, nhỏ, ráo nước, tuy nhiên độ chua và mẫu mã của quả chưa được người dân đánh giá cao so với bưởi Lập Lễ.
Mô hình trồng quýt không hạt NNH-VN52, khả năng thích ứng kém hơn so với 2 dòng bưởi, chất lượng quả tuy là không hạt nhưng lại chua và khả năng chống chịu với một số loại sâu bệnh hại kém, nhất là sâu vẽ bùa, nhện đỏ.
Đánh giá chung: ba dòng cây ăn quả mới có khả năng kháng sâu bệnh tốt, tỷ lệ sâu bệnh tương đương giống bưởi Lập Lễ của địa phương. Hai giống bưởi mới có trọng lượng quả to hơn, trung bình từ 1,3-1,5 kg/quả, chất lượng quả ngọt đậm, được nhiều người ưa chuộng. Hai giống bưởi này có mẫu mã đẹp, vỏ màu vàng xanh, thời gian thu hoạch vào dịp Tết Nguyên đán nên bán được giá cao. Tuy nhiên giống bưởi ngọt NNH-VN53 là thích ứng, sinh trưởng tốt và phù hợp nhất với điều kiện thổ nhưỡng tại Lập Lễ, Thanh Hà.
Từ kết quả nghiên cứu thực hiện đề tài đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đất canh tác và phát triển cây ăn quả theo hướng hàng hóa, ổn định, bền vững trên địa bàn tỉnh Hải Dương.
Thu Hằng - Ban Biên tập (theo TTTN&ĐTN)