Hải Dương sẽ tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp Nhật Bản hợp tác với các cơ quan chức năng, địa phương nhằm đưa vải thiều Hải Dương đến với người dân Nhật Bản.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển ký biên bản ghi nhớ với các đối tác
Chiều 1-6, ông Koya Nishikawa, Chủ tịch Ủy ban Nghiên cứu chiến lược nông, lâm, ngư nghiệp Nhật Bản dẫn đầu đoàn công tác làm việc tại Hải Dương về hợp tác trong lĩnh vực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Các đồng chí: Bùi Thanh Quyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Mạnh Hiển, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương đón và làm việc với đoàn.
Tại buổi làm việc, đồng chí Bùi Thanh Quyến đã giới thiệu khái quát tình hình phát triển kinh tế – xã hội, tình hình đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản trên địa bàn Hải Dương trong thời gian qua. Đồng chí đánh giá cao sự năng động, sáng tạo và chuyên nghiệp của các doanh nghiệp Nhật Bản và mong muốn Ủy ban Nghiên cứu chiến lược nông, lâm, ngư nghiệp Nhật Bản sẽ là cầu nối quan trọng, thúc đẩy sự hợp tác, đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Hải Dương. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các doanh nghiệp Nhật Bản cần quan tâm, chú trọng tìm hiểu để có giải pháp thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp của Hải Dương tại Nhật Bản, trong đó có vải thiều. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khẳng định, tỉnh sẽ tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp Nhật Bản hợp tác với các cơ quan chức năng, địa phương nhằm đưa vải thiều Hải Dương đến với người dân Nhật Bản.
Ông Koya Nishikawa đánh giá cao chất lượng vải thiều của Hải Dương. Ông cho biết, mục đích của chuyến công tác lần này nhằm thúc đẩy mối quan hệ hiểu biết, hợp tác giữa các doanh nghiệp Nhật Bản với các cơ quan chức năng, địa phương của tỉnh. Việc xây dựng chiến lược đưa vải của Hải Dương tiêu thụ tại thị trường Nhật Bản và các nước khác trên thế giới chính là một trong những nội dung hợp tác giữa các bên. Tại buổi làm việc, đại diện một số doanh nghiệp Nhật Bản cũng đã giới thiệu những công nghệ mới về bảo quản nông sản, sản xuất rau sạch, trồng và bảo vệ rừng, đồng thời mong muốn hợp tác lâu dài với Hải Dương.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Hiển đã ký biên bản ghi nhớ với Ủy ban Nghiên cứu chiến lược nông, lâm, ngư nghiệp của Nhật Bản, Công ty CP Tiến bộ quốc tế (AIC).
Chiều cùng ngày, đoàn công tác của Nhật Bản đã đi thăm, khảo sát vùng sản xuất vải thiều tại xã Thanh Thủy (Thanh Hà).
* Chiều 1-6, phát biểu kết luận tại cuộc họp bàn chuẩn bị hội nghị xúc tiến thương mại, kết nối giao thương hỗ trợ tiêu thụ vải thiều và các mặt hàng nông sản của Hải Dương tại Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Anh Cương đề nghị các địa phương trong tỉnh khẩn trương cử đại diện tham gia. Tỉnh sẽ mời một số doanh nghiệp tiêu thụ nông sản tiêu biểu tham gia giao thương trong hội nghị này. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị mỗi huyện, thị xã chọn từ 1-2 loại nông sản tiêu biểu để trưng bày giới thiệu đến người tiêu dùng như hành, tỏi, gạo nếp cái hoa vàng, sắn dây (Kinh Môn); dưa, củ đậu (Kim Thành); bí xanh, cá sạch (Tứ Kỳ); cà rốt (Cẩm Giàng); dưa lê, dưa Kim cô nương, cải bắp (Gia Lộc); gạo Bắc thơm (Thanh Miện); gà đồi, vải (Chí Linh)… Thời gian tới, Hải Dương phấn đấu trong mỗi siêu thị ở TP Hà Nội sẽ có 1 quầy hàng bán nông sản của tỉnh.
Theo Sở Công thương tỉnh, đây là lần đầu tiên tỉnh ta phối hợp riêng với UBND TP Hà Nội tổ chức xúc tiến thương mại, kết nối giao thương hỗ trợ tiêu thụ vải thiều, các loại quả và nông sản với quy mô lớn. Hải Dương sẽ chuẩn bị 5 trong tổng số 10 nội dung gồm: báo cáo về tình hình sản xuất và tiêu thụ nông sản của Hải Dương; phát biểu của lãnh đạo tỉnh; ý kiến của các doanh nghiệp tiêu thụ nông sản; ký các bản ghi nhớ với các doanh nghiệp của Hà Nội về sản lượng tiêu thụ; chuẩn bị nông sản để trưng bày. Hội nghị sẽ được tổ chức ngày 5-6 tại Sở Công thương Hà Nội.