Triển vọng dự án “vải sạch” ở Thanh Xá

Nếu dự án này được thực hiện tốt và mang lại hiệu quả thì đây sẽ là cơ sở để áp dụng rộng rãi cho các khu vực trồng vải còn lại của Thanh Hà.

u987marked-1
Kênh thủy lợi đang được hoàn thiện, phục vụ cho sản xuất vải sạch

Dự án “Xây dựng cơ sở hạ tầng mô hình sản xuất rau an toàn theo VietGap xã Thanh Xá (Thanh Hà)” được triển khai năm 2013 nhằm xây dựng vùng sản xuất vải sạch đến nay đã cơ bản hoàn thành, tạo cơ hội phát triển cho vùng vải Thanh Xá nói riêng và Thanh Hà nói chung.

Hiến đất để triển khai

Năm 2009, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt kế hoạch tổng thể thực hiện dự án “Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học” (Qseap), sử dụng nguồn vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Tháng 8 – 2013, tiểu dự án “Xây dựng cơ sở hạ tầng mô hình sản xuất rau an toàn theo VietGap xã Thanh Xá” được triển khai trên quy mô 28 ha vải do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư, kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng hơn 14,8 tỷ đồng. Các hạng mục được hỗ trợ gồm đường giao thông; hệ thống cấp, thoát nước; nhà kho; hố thu gom rác thải; trang thiết bị quản lý chất thải, sơ chế, bảo quản sau thu hoạch.

Có dự án, chính quyền và nhân dân xã Thanh Xá đều hưởng ứng nhiệt tình. Hơn 100 hộ có diện tích nằm trong dự án đã hiến hơn 2.600 m2 đất để làm đường giao thông. Dự án đã hoàn thành hơn 3,6 km đường giao thông, trong đó có 7 tuyến đường nội vùng dài hơn 2,2 km và 1 tuyến đường trục chính nối vùng sản xuất vải thiều với đường giao thông chính của xã dài hơn 1,3 km; đã xây dựng 7 cống, nạo vét 4 tuyến kênh dài hơn 2 km. Xây dựng 15 hố thu gom rác thải độc hại, mỗi hố rộng hơn 1 m2; nhà sơ chế, nhà điều hành, kho vật tư có diện tích hơn 2.000 m2; khu nhà tập kết vải có mái che rộng 332 m2; nhà kho vật tư nông nghiệp rộng 100 m2; nhà đóng gói có diện tích 60 m2; 1 bể chứa nước sạch có hệ thống lọc nước và hệ thống rửa nông sản.

Ông Quách Trung Hiển ở thôn 3, xã Thanh Xá cho biết: “Tôi có hơn 6 sào vải thiều trong vùng dự án. Tôi đã hiến hơn 30 m2 để mở rộng đường giao thông. Nhận được tin hỗ trợ từ dự án, nhiều người khác trong xã hưởng ứng rất tích cực. Có đường mới, việc vận chuyển phân bón, nông sản không còn khó khăn. Nơi thu gom vải rộng rãi, các xe thu mua vải có thể về tận nơi, chúng tôi không phải vận chuyển vải đi xa nữa”. Ngoài việc đầu tư cơ sở hạ tầng, Ban Quản lý dự án đã tổ chức 12 lớp tập huấn cho nông dân về quy trình sản xuất vải theo hướng VietGap với hơn 400 lượt người tham gia. Với mục tiêu làm tăng năng suất, bảo đảm sản phẩm vải quả an toàn và chất lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm nên dự án được người dân tích cực hưởng ứng.

Cơ hội mới cho người trồng vải

Xã Thanh Xá có 200 ha vải, bình quân mỗi năm thu được hơn 2.500 tấn quả, doanh thu đạt từ 25-26 tỷ đồng. Được chọn làm mô hình điểm về xây dựng cơ sở hạ tầng, phục vụ sản xuất vải theo hướng VietGap, xã Thanh Xá đã kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện dự án gồm 21 người và 10 nhóm sản xuất. Ban chỉ đạo có nhiệm vụ điều hành, phân công cán bộ chuyên môn theo dõi hoạt động của mô hình. Trưởng nhóm quản lý, đôn đốc các hộ có diện tích vải nằm trong khu quy hoạch thực hiện đúng quy trình VietGap. Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp phụ trách kỹ thuật phát triển mô hình, quản lý toàn bộ cơ sở vật chất khu nhà sơ chế.

Cơ sở vật chất khang trang không chỉ mang niềm vui đến cho người trồng vải mà còn mang lại cho Thanh Xá một cơ hội mới, phát huy thế mạnh sản phẩm vải quả. Ông Phạm Quốc Trọng, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Xá, Trưởng ban Chỉ đạo, phụ trách chương trình VietGap của xã cho biết: “Hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư, vùng vải sạch lại được tạo điều kiện thuận lợi về giao thông, tưới tiêu nên sản xuất vải thuận lợi. Nông dân có nơi tập kết vải rộng rãi, có khu sơ chế an toàn, bảo đảm môi trường, được trang bị kiến thức khoa học, kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất nên sẽ bảo đảm chất lượng, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Ngoài các hộ nằm trong mô hình, nhiều người trồng vải khác cũng áp dụng quy trình này vào sản xuất vải. Qua dự án, nông dân quan tâm hơn về sản xuất nông sản an toàn. UBND xã đang đề nghị UBND huyện cho xây dựng bãi đỗ xe tải để phục vụ mùa vải với diện tích từ 4.500 – 5.000 m2”.

Ông Nguyễn Anh Sơn, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Qseap (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: “Được sự hỗ trợ nhiệt tình của chính quyền và nhân dân xã Thanh Xá, tiến độ thi công dự án được đẩy nhanh hơn so với kế hoạch gần 2 tháng, dự kiến cuối tháng 3 này hoàn thành, đầu tháng 4 bàn giao. Ban Quản lý dự án sẽ tiếp tục theo dõi những bước đi, hiệu quả của mô hình. Nếu hộ nào sản xuất đúng quy trình, sản phẩm chất lượng và đạt yêu cầu sẽ được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGap”.

Áp dụng quy trình sản xuất vải theo hướng VietGap giúp nông dân Thanh Xá có cơ hội nâng cao hiệu quả kinh tế cây vải. Qua đó, từng bước gắn kết người sản xuất và doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm. Nông dân có điều kiện sản xuất thuận lợi, phát huy được tiềm năng và thế mạnh. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là tập quán canh tác của nông dân chưa thể thay đổi ngay. Nông dân vẫn loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm. Chi phí sản xuất cao, trong khi thị trường khó phân biệt được sản phẩm chất lượng. Do đó, Ban Quản lý dự án cần phối hợp với các cơ quan chức năng khảo sát thị trường tiêu thụ, kết nối doanh nghiệp tìm đầu ra cho sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất cho người trồng vải.

 Dự án “Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học” (Qseap) được thực hiện ở 16 tỉnh, thành phố trên cả nước. Tại tỉnh ta, dự án có tổng mức đầu tư  92,4 tỷ đồng, thực hiện từ năm 2009 – 2015. Dự án gồm 2 nội dung chính là đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hỗ trợ cho nông sản an toàn và xây dựng các hầm bi-ô-ga.

 

MINH NGUYỆT