Vụ vải thiều thắng lợi: Niềm vui nhân đôi

Lần đầu tiên xuất khẩu thành công được quả vải sang những thị trường khó tính như Mỹ, Úc, Hà Lan… là những yếu tố làm nên vụ vải thiều thắng lợi…

vai thieu tai sieu thi
                            Vải thiều được tiêu thụ thuận lợi tại hệ thống siêu thị của Hapro Hà Nội

Được mùa lại được giá

“Khi đọc báo cáo ước sản lượng vải thiều các địa phương gửi về sở chúng tôi không khỏi lo lắng cho số phận của quả vải. Hễ năm nào vải được mùa là năm ấy giá bán lại thấp. Thế nhưng, vụ vải năm nay vải đã không rơi vào điệp khúc được mùa, mất giá. Mặc dù sản lượng vải thiều đạt  cao, khoảng 40.000 tấn nhưng bình quân giá bán vẫn đạt từ 7.000-12.000 đồng/kg, cao hơn khoảng 20% so với năm ngoái. Đặc biệt, trong khi mọi năm giai đoạn vải thiều chín rộ cũng là thời điểm giá bán vải thiều xuống thấp thì năm nay lại ngược lại, vào thời điểm vải thu hoạch rộ, giá bán lại tăng từng ngày”, bà Nguyễn Thị Kiểm, Trưởng phòng Trồng trọt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) nói.

Người trồng vải năm nay không chỉ vui vì vải bán được giá mà còn vui vì vải tiêu thụ thuận lợi và không bị phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Những vụ vải trước, khi thương lái Trung Quốc ùn ùn kéo về Thanh Hà mua vải, giá vải cũng tăng cao nhưng khi tư thương Trung Quốc làm giá, ngừng mua cũng là lúc giá bán vải  xuống thấp, khiến người trồng vải lỗ vốn. Năm nay, không chỉ nông dân Thanh Hà, Chí Linh mà các sở, ngành chức năng và chính quyền các địa phương đều chủ động tìm nhiều giải pháp để mở rộng thị trường tiêu thụ, nhất là thị trường nội địa. 

Nông dân Chí Linh cũng bớt vất vả hơn bởi UBND thị xã đã sớm kết nối với nhiều doanh nghiệp tiêu thụ vải cho nông dân. Ông Nguyễn Văn Phúc, nông dân thôn Bãi Thảo, xã Bắc An cho biết: “Thời gian thu hoạch vải chỉ kéo dài 20 ngày. Vải năm nay lại chín sớm hơn so với trung bình nhiều năm nên chúng tôi lo lắm. Thế nhưng khi vải bắt đầu vào mã, tôi thấy rất nhiều tư thương đến thu mua, cả tuyến đường vào làng chật kín xe thồ, ô tô. Vì vậy, chỉ trong vòng có 10 ngày cả làng gần như bán hết vải. Giá bán cũng cao hơn so với nhiều năm”.

Mấy ngày gần đây trong khi người trồng vải Bắc Giang lo lắng vì giá bán vải xuống quá thấp chỉ còn từ 3.000 – 4.000 đồng/kg, thì người trồng vải Hải Dương thở phào nhẹ nhõm vì vải đã bán hết từ 2 tuần trước. “Năm nay, người trồng vải Bắc Giang có lẽ lại phải học nông dân Hải Dương bán vải. Bởi năm nay vải Hải Dương chưa bao giờ xuống giá đến 3.000 đồng/kg. Thậm chí, năm nay có thời điểm tư thương còn không mua được vải do giá bán vải cao, nhiều doanh nghiệp lớn đã thu mua hết để xuất khẩu hoặc đưa vào bán ở miền Nam”, ông Nguyễn Thanh Hà ở thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn (Thanh Hà) nói.      

Phép màu nào?

Nếu như những năm trước nhìn những đoàn xe ô tô hăm hở chở vải thiều Lục Ngạn đi tiêu thụ, giá bán cao trong khi vải Thanh Hà chất đống, ế ẩm, giá bán thấp thì năm nay người trồng vải Hải Dương cũng đã được tận hưởng niềm vui ấy. Về vựa vải Thanh Hà, Chí Linh vào những ngày thu hoạch vải, từ đầu làng đến cuối xóm, đâu đâu cũng thấy cảnh mua bán vải tấp nập, vải thu hoạch đến đâu được thu mua hết đến đó.

Điều gì đã làm nên sự khác biệt ấy? Trước hết, năm nay ngoài công sức của người trồng vải phải kể đến nỗ lực của chính quyền địa phương từ cấp xã đến cấp huyện, tỉnh. Chưa năm nào tỉnh ta lại dành nhiều thời gian và công sức cho quả vải như năm nay. Ngay từ đầu vụ, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN-PTNT thực hiện đồng bộ các giải pháp để hỗ trợ nông dân khắc phục tình trạng vải ra lộc đông. Sau đó, khi vải ra hoa, đậu quả, các chuyên gia, cán bộ của Sở NN-PTNT thường xuyên có mặt ở các vườn để giúp nông dân thực hiện đúng quy trình chăm sóc. Chiến dịch hỗ trợ người trồng vải bắt đầu tăng tốc từ  cuối tháng 5, đầu tháng 6 khi những vườn vải sớm đầu tiên cho thu hoạch. Các địa phương cũng đã thành lập được Ban chỉ đạo hỗ trợ  tiêu thụ vải. Hàng loạt các hoạt động bảo đảm an toàn giao thông, an ninh trật tự, chống gian lận thương mại được triển khai. Vụ vải năm nay cũng là năm đầu tiên UBND huyện Thanh Hà kết nối với Tổng công ty Thương mại Hà Nội để tiêu thụ vải cho nông dân nên cũng là lần đầu tiên vải thiều Thanh Hà được quảng cáo rầm rộ tại thị trường Hà Nội. Cũng nhờ sự liên kết này mà vải thiều Thanh Hà len lỏi đến mọi ngõ ở Thủ đô. Ông Nguyễn Kim Hoàn, Bí thư Huyện ủy Thanh Hà cho biết: “Trước đây, UBND huyện cũng đã thực hiện nhiều giải pháp để giúp nông dân tiêu thụ vải nhưng năm nay được sự hỗ trợ của tỉnh, chúng tôi đã mạnh dạn hơn trong việc quảng bá sản phẩm vải thiều đến người tiêu dùng Thủ đô”. Ngay đầu tháng 6, một bản cam kết tiêu thụ gần 2.000 tấn vải đã được UBND huyện Thanh Hà ký với Tổng công ty Thương mại Hà Nội

Đây cũng là năm đầu tiên hàng loạt các cuộc tiếp xúc, hội nghị xúc tiến thương mại, giới thiệu nông sản Hải Dương, nhất là quả vải thiều được tổ chức tại 2 thành phố lớn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.  Ông Vũ Doãn Quang, Giám đốc Sở Công thương tỉnh cho biết: “Thành công của vụ vải năm nay có sự đóng góp không nhỏ của các hoạt động xúc tiến thương mại. Các hoạt động này không chỉ giúp quả vải Hải Dương được quảng bá thương hiệu mà còn giúp các doanh nghiệp thêm thuận lợi trong thu mua vải tại Hải Dương cũng như tiêu thụ vải tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội”. Sở Công thương các địa phương  không chỉ giúp tỉnh ta kết nối giao thương với các doanh nghiệp mà còn giúp cho việc tiêu thụ vải tại các thị trường trên thuận lợi. Đơn cử như việc Sở Công thương Hà Nội đã dành hẳn một vị trí thuận lợi tại chợ Minh Khai để tiểu thương Hải Dương đến bán vải. Tại TP Hồ Chí Minh, các hoạt động vận chuyển vải cũng được hỗ trợ để quả vải nhanh chóng đến được tay người tiêu dùng…

Để xuất khẩu vải thiều thuận lợi, tỉnh ta cũng chủ động hướng dẫn người dân thực hiện quy trình sản xuất, nhất là tại những vùng vải để xuất khẩu đi Úc, Mỹ. Nông dân tại các vùng vải này cũng đã được UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí để chăm sóc vải theo đúng quy trình. Công tác tuyên truyền vải thiều Hải Dương cũng được tăng cường trên các phương tiện thông tin đại chúng để giúp quảng bá thương hiệu vải Hải Dương. 

Mặc dù vụ vải năm 2015 khép lại với nhiều thắng lợi nhưng người trồng vải tỉnh ta vẫn còn nhiều khó khăn trước mắt. Để quả vải xứng đáng với danh hiệu là một trong 50 loại trái cây nổi tiếng Việt Nam và một trong 10 đặc sản Hải Dương, nông dân cần tiếp tục đầu tư công sức để chăm chút hơn nữa cho cây vải. Các cơ quan chức năng cũng cần có kế hoạch hỗ trợ, giúp sức chăm sóc cây vải ngay sau thu hoạch. Kinh nghiệm từ vụ vải năm nay sẽ giúp tỉnh ta thực hiện nhiều giải pháp tốt hơn để vụ vải năm sau tiếp tục giành thắng lợi.

LAN ANH (baohaiduong.vn)