Nhúng từng bó hoặc cả rổ nhựa vải quả vào dung dịch NaHSO3 trong thời gian 10 phút, pha 60g NaHSO3 trong 1 lít nước sạch…
Nhằm giảm bớt thiệt hại cho bà con nông dân, kéo dài thời gian bảo quản vải tươi để có thể vận chuyển đi xa tiêu thụ, Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam (SOFRI) đã nghiên cứu thành công và khuyến cáo bà con nông dân các vùng trồng vải một phương pháp xử lý và bảo quản vải tươi mới. Áp dụng phương pháp này có thể bảo quản vải tươi trong vòng 1 tháng mà vẫn giữ được màu sắc, chất lượng, đem lại hiệu quả cao cho người trồng và các nhà kinh doanh.
- Thu hoạch: Thu hái vải quả nhẹ nhàng vào những ngày khô ráo, tránh những ngày mưa. Thu hoạch vải khi vỏ quả đã chín đỏ đều (khoảng 102-109 ngày sau khi hoa nở). Buộc vải thành từng chùm khoảng 3-5kg hoặc đựng trong các rổ nhựa thưa khoảng 10kg. Loại bỏ những quả bị nứt vỡ, dập nát, chín không đều và những quả dị hình.
– Chuẩn bị vật liệu: Các vật liệu, hoá chất gồm có: Axit clohydric (HCl) hoặc Natrihydrosulfit (NaHSO3), bể nhúng, quạt gió, rổ nhựa…
- Xử lý: Nhúng từng bó hoặc cả rổ nhựa vải quả vào dung dịch NaHSO3 trong thời gian 10 phút (pha 60g NaHSO3 trong 1 lít nước sạch, khuấy đều cho tan hết). Dung dịch NaHSO3 có tác dụng làm cứng vỏ quả, hạn chế mất nước, tiêu diệt và chống vi khuẩn, nấm bệnh xâm nhập gây hại quả. Vớt ra nhúng tiếp vào dung dịch HCl 4% khoảng 2-5 phút. Dung dịch HCl có tác dụng hãm màu, giữ cho vỏ quả tươi nguyên tăng thêm giá trị thương phẩm.
- Đóng gói, bảo quản, vận chuyển: Sau khi xử lý, để khô tự nhiên hoặc dùng quạt gió để thổi khô rồi đóng gói trong hộp xốp để vận chuyển đến nơi tiêu thụ bằng xe lạnh hoặc bảo quản trong kho mát có điều kiện nhiệt độ 4-50C, độ ẩm không khí 90-95%. Cũng có thể dùng túi nhựa poly etylen để đựng vải quả vừa tránh mất nước và giữ được màu sắc vỏ quả được lâu hơn.
ThS. Trần Thị Thu Hà (Phó Phòng Nghiệp vụ, Chi cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản & Thuỷ sản)