Chỉ khi nào truy xuất được nguồn gốc thì giá trị nông sản mới nâng lên và người nông dân, doanh nghiệp tiêu thụ mới có được giá trị gia tăng từ sản phẩm an toàn. Tuy nhiên việc này không thể làm được nếu các hộ nông dân chỉ tự mình sản xuất đơn lẻ.
Thông tin trên sản phẩm nông sản theo chuỗi giúp khách hàng truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Ảnh: VGP/An Khuê
Yêu cầu cao từ sản xuất đến tiêu thụ
Chị Nguyễn Thị Hương (xã viên Hợp tác xã Rau an toàn Vân Nội, Đông Anh) chia sẻ: Trồng rau an toàn cực nhọc ngay từ khâu chăm sóc, vì phải tuân thủ đúng các quy định như phải ghi chép đầy đủ, sử dụng thuốc theo danh mục cho phép, cách ly trước khi thu hoạch đúng thời gian ghi trên bao bì… Kết quả, sau 45 ngày chỉ cho ra được 4kg rau/m2. Trước đây chỉ cần tốn 10.000 đồng mua thuốc bảo vệ thực vật trôi nổi và phun xịt theo tập quán, luống rau vẫn luôn xanh tươi, sản lượng cao gấp 3 lần so với rau an toàn.
Thêm nữa, rau an toàn bán với giá cao nên khó tiêu thụ, còn rau không an toàn giá thành thấp hơn, nhiều người mua. Từ thực tế đó, người nông dân không mặn mà với việc sản xuất rau quả an toàn, mà chỉ cần trồng theo lối cũ, vừa đỡ vất vả, sản lượng lại cao hơn, lợi nhuận nhiều hơn.
Nỗi niềm của chị Hương là trăn trở chung của nhiều người sản xuất thực phẩm an toàn khác. Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan thì đa số nông hộ chỉ quan tâm đến sản xuất và bán trực tiếp cho thương lái mà chưa quan tâm đến việc thị trường đang cần gì và làm thế nào để tiêu thụ sản phẩm lâu dài. Bên cạnh đó, vẫn còn không ít hộ, hợp tác xã chưa nhận thức được chỉ có sản xuất các sản phẩm an toàn, ứng dụng khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm… mới tồn tại bền vững, nên vẫn còn tình trạng chạy theo lợi nhuận, chưa tạo được niềm tin cho người tiêu dùng, chữ tín với các doanh nghiệp phân phối…
Khác với trường hợp các hộ cá nhân tự mình mò mẫm sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thực phẩm an toàn như trên, trong 5 năm qua, Công ty CP Chế biến nông sản Bảo Minh (Hà Nội) đã phối hợp với các hộ nông dân huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng liên kết sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP trên tổng diện tích 300ha. Tham gia chuỗi, người nông dân được cung cấp giống, phân bón, được tập huấn các kỹ năng canh tác lúa an toàn, đặc biệt được bao tiêu đầu ra với giá cao hơn 5 – 10% so với giá thị trường.
Triển khai chương trình phối hợp, đến nay, các chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng nông sản an toàn giữa doanh nghiệp của Hà Nội với các tỉnh, thành phố đang phát huy hiệu quả cao. Hà Nội trở thành thị trường tiêu thụ một lượng lớn thực phẩm an toàn qua kênh siêu thị Fivimart, Vinmart, Metro, Big C; hệ thống các cửa hàng kinh doanh nông sản an toàn như: Biggreen, Bác Tôm, Sói Biển…
Lợi ích từ phát triển chuỗi
Sự phát triển các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn đã mang lại lợi ích rất lớn cho các bên liên quan: Người dân Hà Nội được tiếp cận và an tâm với nông sản an toàn khắp nơi trên cả nước; thúc đẩy năng lực tiêu thụ nông sản cho các tỉnh, thành phố tham gia chuỗi. Đặc biệt, các doanh nghiệp và người nông dân cũng được hưởng lợi.
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (thuộc Đại học Kinh tế, Đại học quốc gia Hà Nội), tiêu thụ nông sản ngoài các vấn đề về thị trường, về giá trị sản xuất thì cần minh bạch về thông tin để người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc, từ đó biết đâu là sản phẩm được sản xuất đúng quy trình, có giá trị cao.
Theo Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, thực hiện truy xuất nguồn gốc nông sản ở Việt Nam mới làm được một phần nhỏ, với sự tham gia của các doanh nghiệp lớn như Saigon Co.op, VinEco, Big C…, còn đại đa số nông sản không rõ nguồn gốc. Chỉ khi nào truy xuất được nguồn gốc thì giá trị nông sản mới nâng lên và người nông dân, doanh nghiệp tiêu thụ mới có được giá trị gia tăng từ sản phẩm an toàn.
Trong những năm qua, chương trình phối hợp của Hội Nông dân TP. Hà Nội với Hội Nông dân các tỉnh thành đã đạt được nhiều hiệu quả thiết thực. Đến nay đã có hàng trăm mô hình kinh tế của nông dân Hà Nội và các tỉnh được tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm. Đáng chú ý, hoạt động trợ giúp nông dân xây dựng các mô hình liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm được Hội Nông dân các tỉnh, thành triển khai đồng bộ.
Theo đó, các cấp hội đã tích cực tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm đặc sản của các tỉnh, thành như: Cam Cao Phong (Hòa Bình), vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang), vải Thanh Hà (Hải Dương), hải sản (Thanh Hóa, Quảng Ninh), chè Tân Cương (Thái Nguyên)… Qua chương trình phối hợp, hàng ngàn cơ sở cung cấp nông sản an toàn có nhãn hiệu hàng hóa, tem nhận biết, bao bì chứa đựng thực phẩm được trực tiếp đưa vào tiêu thụ tại các điểm bán hàng, siêu thị trên địa bàn TP. Hà Nội.
Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, việc kiểm soát chất lượng nông sản cần được Hà Nội tiếp tục quan tâm, làm tốt. Theo đó, năm 2018, Bộ NN&PTNT đề nghị Hà Nội và các địa phương tiếp tục triển khai có hiệu quả nghị quyết của Quốc hội về giám sát ATTP. Thúc đẩy vùng chuyên canh sản xuất rau, thịt an toàn. Đối với Hà Nội, cần tăng cường kiểm soát nông sản tại các chợ đầu mối, đồng thời làm tốt công tác truy xuất nguồn gốc, nhất là sản phẩm thịt.
An Khuê (Theo thanglong.chinhphu.vn)