Kinh nghiệm từ những vườn vải bội thu ở Thanh Hà

Năm 2024, trong khi nhiều hộ gia đình trồng vải mất mùa thì vẫn có những hộ biết vận dụng kinh nghiệm cộng với tích cực học hỏi nên sản lượng vải dù có giảm cũng không đáng kể. Với họ, những năm vải mất mùa sẽ là bài học quý để rút ra kinh nghiệm cho mùa vụ năm sau.

KN cua nguoi trong vai 2024 1
Ông Thuân cùng vợ đóng vải để kịp chở ra điểm cân

Có mặt tại vùng trồng vải thôn Vĩnh Xá xã Thanh Cường lúc 5h sáng ngày 28/5/2024, chúng tôi gặp gia đình ông Vũ Đắc Thuân đang khẩn trương thu hái để kịp chở vải ra điểm cân. Ông Thuân cho biết, gia đình ông trồng 2 mẫu vải Trứng trắng, Trứng gai và U hồng. Lao động chính chỉ có 2 người nên tôi phải tranh thủ mọi thời điểm để thu hái, kịp mang ra điểm cân từ sớm.

Theo ông Thuân, cây vải có đặc tính “Năm ăn quả, năm trả cành”; năm 2023 vải được mùa, thế nên sau khi thu hoạch tôi đặc biệt lưu ý khâu chăm sóc để cây vải nhanh phục hồi, áp dụng kỹ thuật để vải ra quả đều. Với diện tích 2 mẫu, năm nay gia đình ông Thuân thu hoạch được 4 tấn vải. Tuy sản lượng có giảm, nhưng nhờ tích cực chăm bón nên vải của gia đình ông Thuân vẫn to đều, bán được giá cao hơn so với năm trước và so với các hộ dân trong vùng.

Cũng tại thôn Vĩnh Xá, gia đình ông Vũ Đắc Rèn là một trong số ít các hộ trồng vải của xã Thanh Cường được mùa vải sớm. Với kinh nghiệm gần 20 năm trồng vải, ông Rèn tự tin và áp dụng thành công trên diện tích 1,2 mẫu vườn của gia đình. Theo kinh nghiệm của ông Rèn, sau khi thu hoạch vải, việc đầu tiên cần làm là cắt tỉa cành cho gọn, tạo độ thông thoáng cho cây và để diệt trừ mầm bệnh tồn lưu. Sau đó chăm bón để cây ra lộc thành thục. Tính toán vừa đủ thời gian để đến tháng 8 âm lịch, cây vải ra đợt lộc thứ 2. Nếu thời tiết ấm, đến tháng 10 âm lịch, sẽ tiến hành khoanh nhẹ thân cây để hạn chế dinh dưỡng, ngăn không cho cây ra đợt lộc thứ 3.

KN cua nguoi trong vai 2024 2
Vườn vải nhà ông Vũ Đắc Rèn ( bên trái) chín đỏ mọng, sai trĩu quả

Ông Rèn cho biết: Thời tiết luôn biến đổi thế nên chỉ cần sơ xảy là hỏng ăn, do vậy làm nông nghiệp, đặc biệt là trồng vải rất cần theo dõi thời tiết, sâu bệnh để chăm sóc cho phù hợp. Nhờ sát sao với cây vải thế nên dù những năm thời tiết không thuận, sản lượng vải bị ảnh hưởng nhưng chưa năm nào vườn vải nhà ông Rèn mất trắng. Vụ vải năm nay gia đình ông thu hoạch 2,5 tấn, trong đó có 1 tấn vải trứng trắng. Mặc dù sản lượng giảm nhưng hạch toán về kinh tế, giá trị thu về vẫn tăng hơn 100 triệu đồng so với vụ vải 2023 do vải trứng đầu mùa được bán với giá cao.

Tại vùng vải của tổ sản xuất VietGap số 23, thôn Thiệu Mỹ, xã Vĩnh Lập với diện tích 15ha của 115 hộ gia đình, thì chỉ số ít diện tích vải u hồng của 7 hộ gia đình không cho quả, phần lớn diện tích còn lại đều ra hoa, đậu quả. Trong vùng nhiều hộ có diện tích vải đậu quả và cho thu hoạch lên đến 80%, đặc biệt là trà vải nhỡ.

KN cua nguoi trong vai 2024 3
Vụ vải 2024 hộ gia đình ông Vũ Đức Nhuận xã Vĩnh Lập thu hoạch khoảng 10 tấn vải Trứng, U hồng và Tàu lai

Theo ông Đặng Văn Hùng, giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp xã Thanh Cường, năm nay do thời tiết biến đổi nên sản lượng vải của Thanh Cường nói riêng và toàn huyện nói chung đều bị sụt giảm. Trên địa bàn xã số nông dân thu lãi 100 triệu đồng trở lên từ vải không nhiều. Để được mùa riêng như vậy thì ngoài việc chủ động trao đổi kiến thức, áp dụng khoa học kỹ thuật, bản thân các chủ vườn đều tích lũy được kinh nghiệm riêng cho bản thân. Họ là những người nông dân luôn cần mẫn tìm tòi, linh động, sáng tạo. Quá trình lao động có những vất vả, thậm chí phải đánh đổi bằng mồ hôi, công sức, nhưng sau cùng thành quả của họ cũng đã được đền đáp bằng những trái ngọt từ những mùa vàng bội thu ./.

                                                                             Lương Hà