Vượt qua những khắc nghiệt của thời tiết, sâu bệnh, cây ổi đã cho quả trái vụ chất lượng tốt, giá bán cao để đáp lại công chăm sóc của nông dân.
Những ngày này, tiểu thương khắp nơi đến Thanh Hà thu mua ổi
Đánh thức “mắt ngủ”
“Mùa đông năm 1990, người làng kéo đến chật sân nhà tôi để xem những cây ổi ra quả trĩu cành giữa mùa đông rét buốt. Kỳ lạ, không chỉ sai quả, những quả ổi trái mùa ăn lại ngọt, ngon hơn nhiều so với ổi chính vụ”. |
Men theo những cung đường bê tông mới mở rồi len lỏi giữa cánh đồng bạt ngàn màu xanh của cây ổi, tôi tìm đến nhà anh Nguyễn Quang Thụ, người đầu tiên trồng ổi trái vụ ở Thanh Hà. Anh đưa tôi ra thăm khu vườn trồng đủ loại cây ăn quả, dừng lại bên một cây ổi quả sai lúc lỉu, anh bảo: “25 năm trước, người làng đến xem tôi thu hoạch những mẻ ổi trái vụ đầu tiên. Đến nay, cây ổi trái vụ đã sinh sôi, phát triển khắp các vùng đất ở Thanh Hà. Loại cây này đã thay đổi cuộc sống của tôi”. Anh Thụ từng say mê cờ bạc đến độ nợ nần chồng chất. Chủ nợ dẫn đầu gấu đến nhà dọa nạt. Anh phải chạy trốn ra vườn để thoát nạn. Nấp trong vườn, anh quan sát thấy những cành ổi bị sâu róm ăn hết ngọn lại sai quả giữa mùa đông rét mướt. Những cành ổi khẳng khiu bị trẻ con nghịch buộc gạch, cành cong víu lại bật ra những nụ hoa mới ngay. Một ý nghĩ lóe lên trong đầu anh, tại sao phải trồng ổi chính vụ để rồi bán chẳng ai mua. Vậy là ngay năm ấy, anh quyết định làm thử. 17 cây ổi trong vườn nhà lần lượt được cắt ngọn, bứt quả đúng vào thời điểm người ta thu hoạch ổi chính vụ.
Kể từ ngày bén duyên với cây ổi trái vụ, anh Thụ bỏ hẳn ham mê cờ bạc. Ngày ngày anh cặm cụi chăm sóc ổi, mong ngóng ổi nẩy hoa rồi bật quả. “Mùa đông năm 1990, người làng kéo đến chật sân nhà tôi để xem những cây ổi ra quả trĩu cành giữa mùa đông rét buốt. Kỳ lạ, không chỉ sai quả, những quả ổi trái mùa ăn lại ngọt, ngon hơn nhiều so với ổi chính vụ”, mắt anh Thụ sáng lên khi hồi tưởng lại. Biết mình đã thành công, anh chiết cành, ươm giống bán cho bà con và cũng không quên dạy cho họ kỹ thuật để ổi cho quả trái vụ. Theo anh Thụ, “đánh thức mắt ngủ” là kỹ thuật quan trọng nhất để ổi cho quả trái vụ. Để “đánh thức” được những “mắt” này buộc nông dân phải vin cành và tỉa ngọn cho cây ổi từ giữa tháng 4 để những “mắt ngủ” giữa các cành sẽ bật hoa và tạo quả vào khoảng tháng 9. Nếu thời tiết thuận lợi, ổi trái vụ có thể cho thu hoạch từ tháng 9 năm trước đến đầu năm sau. Nhờ kỹ thuật này, hiện nay nông dân quê anh có thể cho cây ổi ra quả quanh năm.
Mùa này, tiểu thương về Thanh Hà thu mua ổi trái vụ cũng tấp nập không kém mùa vải chín. Ổi trái vụ ngày càng được trồng nhiều ở đây. Những cánh đồng lúa bát ngát thẳng cánh cò bay ngày nào nay đã được cây ổi thế chân. Ông Mạc Văn Mạo, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Liên Mạc cho biết: “Tính từ năm 1993 trở lại đây, diện tích chuyển từ trồng lúa, vải sang trồng ổi đã tăng chóng mặt. Đến nay, toàn xã Liên Mạc có gần 500 ha đất nông nghiệp thì có đến hơn 450 ha trồng ổi”. Chỉ tay ra phía xa, nơi có những chiếc máy xúc đang hì hụi làm việc giữa trưa, ông Mạo bảo: “Những chiếc máy xúc kia là do nông dân thuê đắp luống trồng ổi đấy”. Giờ đây, cây ổi trái vụ không chỉ là cây ăn quả trồng trong vườn nhà mà đã trở thành cây làm giàu của bà con nông dân các xã Liên Mạc, Thanh Xuân, Thanh Lang, Tân An… Phía sau những vườn ổi nối tiếp nhau xanh ngút tầm mắt là những ngôi nhà cao tầng khang trang, san sát. Bác Lương Thị Hoa ở thôn Xuân Áng, xã Thanh Xuân nói với tôi: “Bây giờ cây ổi trái vụ là cây vàng, cây bạc giúp nông dân chúng tôi làm giàu”.
Mặc dù ổi trái vụ cho hiệu quả kinh tế cao nhưng tuổi thọ của cây quá ngắn, nông dân Thanh Hà
vẫn phải phá bỏ những cây ổi bị chết khi mới được 3-4 năm tuổi
Trăn trở tuổi thọ của cây
Hơn 20 năm cây ổi bám rễ vào những vùng đất phù sa trù phú của Thanh Hà để ban tặng cho nông dân những chùm quả ngọt. Nhưng cũng chừng ấy năm, người dân Thanh Hà đau đáu một nỗi lo bởi tuổi thọ của cây ổi trái vụ quá ngắn ngủi. Người trồng ổi trải qua bao sương gió, nhọc nhằn, chăm bẵm cho ổi ra hoa kết quả nhưng chỉ 3 năm sau thu hoạch, cây khô héo rồi chết dần. Ông Mạc Văn Chương ở thôn Văn Mạc, xã Liên Mạc xót xa: “Rất ít cây ổi ở Thanh Hà có tuổi thọ trên chục năm. Nhìn những cây ổi quả sai trĩu trịt nhưng ngọn cứ héo dần rồi chết mà tôi tiếc đứt ruột. Các nhà khoa học đã đến đây tổ chức hội thảo, lấy mẫu đất, kiểm tra từng hốc ổi để xác định bệnh nhằm cứu ổi nhưng đến nay vẫn chưa tìm ra thuốc chữa”.
Năm 2014, người trồng ổi Thanh Hà đứng ngồi không yên bởi không hiểu sao lá ổi héo xanh, quả rụng dần rồi chết. Kế hoạch phá ổi trồng cây khác đã được nhiều nông dân nơi đây bàn tính khi những vườn ổi không trụ nổi với sâu bệnh. Thế nhưng nhẩm đi tính lại, không cây gì khác cho thu nhập cao hơn cây ổi nên họ lại cần mẫn trồng lại và không nguôi mong mỏi một ngày các nhà khoa học sẽ tìm ra cách cứu “cây vàng, cây bạc” của họ. Bây giờ, để chắc ăn, trong mỗi vườn ổi, nông dân Thanh Hà thường trồng dặm vài chục cây ổi bé để nếu cây lớn có chết đã có cây bé thay thế kịp thời và nhanh cho thu hoạch.
Nhưng theo khẳng định của bà Nguyễn Thị Hồng Nhị, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, đó không phải là cách để cứu cây ổi. Bởi nhiều cây ổi mới trồng cũng đã chết. Theo bà Nhị, canh tác thiếu bền vững là nguyên nhân chính khiến tuổi thọ của cây ổi không được kéo dài. Kết quả phân tích đất tại nhiều vườn ổi ở Thanh Hà, kể cả đất vườn và đất phù sa đều cho thấy có độ chua lớn, độ pH quá thấp. Những nhà khoa học cho rằng ở những nơi đất có độ pH thấp thì mật độ tuyến trùng và nấm gây hại lại rất cao. “Theo Viện Bảo vệ thực vật Trung ương thì chưa thấy nơi nào có mật độ tuyến trùng và nấm cao như ở vùng đất ổi Thanh Hà. Tính trung bình 100g đất có chứa 300 tuyến trùng hoặc bào tử nấm. Với mật độ cao như vậy, cây ổi cứ ra rễ nào thì bị tuyến trùng hoặc nấm làm cho rễ đó không phát triển được và chết dần.
Ngoài ra, còn do nông dân bón phân không cân đối, bón phân hóa học quá nhiều nhưng thiếu phân hữu cơ, phân trung lượng (có chứa can-xi, ma-giê, si-líc), vi lượng (chứa các chất Cu, Bo, Mo, Zn…). Việc nông dân chỉ bón phân hóa học, không bón phân hữu cơ sẽ làm cho đất không tơi xốp, không còn là môi trường thuận lợi cho những vi sinh vật có ích hoạt động. Đất bón nhiều phân hóa học dễ bị chua tạo môi trường tốt cho nấm và tuyến trùng phát sinh gây hại bộ rễ ổi. Một số hộ dân còn trồng xen cải bẹ, bí ngô, rau muống, khi thu hoạch không vệ sinh vườn tốt khiến gốc các cây này bị thối có chứa nấm và tuyến trùng sẽ lây lan bệnh cho cây ổi. Phần rãnh thoát nước lại nông nên vườn ổi thường xuyên bị đọng nước làm rễ ổi bị thối, tuyến trùng và nấm bệnh dễ xâm nhập. Anh Nguyễn Quang Thụ cũng trăn trở tìm phương thuốc cứu cây ổi nhưng hiện vẫn chưa thấy. Anh bảo: “Lâu nay người trồng ổi vẫn muốn bón nhiều phân hóa học để thúc cho cây ổi lớn nhanh, sớm cho quả nhưng không lường hết được những hậu quả về sau. Đất dù có phù sa màu mỡ đến mấy nhưng canh tác thiếu khoa học cũng sẽ có ngày cằn cỗi. Sâu bệnh vì thế cũng phát sinh gây hại mạnh”.
Để giữ tuổi thọ cho cây ổi, thời gian qua không ít những nhà khoa học đã vào cuộc tìm kiếm phương thuốc cứu chữa. Theo bà Lương Thị Kiểm, Trưởng Phòng Trồng trọt (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nếu có tìm ra thuốc thì cũng chỉ là giải pháp tạm thời, còn canh tác bền vững, an toàn mới là cách để cây ổi gắn bó dài lâu với nông dân Thanh Hà. Do đó, thâm canh bền vững là việc người trồng ổi cần làm ngay từ thời điểm này. Diện tích trồng ổi VietGAP cần được tiếp tục quan tâm mở rộng. Việc xây dựng thương hiệu cho quả ổi Thanh Hà cũng cần gấp rút thực hiện.
Trồng chính vụ đã khó, trồng ổi trái vụ còn khó gấp nhiều lần bởi lẽ người trồng ổi phải lường trước sự “đỏng đảnh” của thời tiết để đặt lịch vin cành, tỉa ngọn đúng thời điểm. Đó là còn chưa kể nông dân phải đau đầu tính cách canh tác thế nào cho ổi sai quả, trĩu cành, ít sâu bệnh mà bán lại được giá. Vất vả khó khăn nhưng bù lại, người trồng ổi đang an cư trong những ngôi nhà lớn khang trang. Làng quê ở những vùng trồng ổi Thanh Hà đang ngày càng thay da đổi thịt. Tất cả những điều đó đã tiếp thêm hy vọng cho nông dân nơi đây về cuộc sống sung túc, đủ đầy nhờ quả ổi trái vụ.
Toàn huyện Thanh Hà hiện có hơn 1.000 ha ổi trồng tập trung ở các xã Liên Mạc, Tân Việt, Thanh Lang, Thanh Xuân… Những năm gần đây, nhờ kỹ thuật trồng ổi trái vụ mà nông dân Thanh Hà đã thu lãi vài trăm triệu đồng/ha/vụ. Hiện nay, nông dân Thanh Hà đang bắt đầu thu hoạch ổi trái vụ với giá bán tại vườn từ 8.000-9.000 đồng/kg, thu lãi từ 7-8 triệu đồng/sào. Dịp Tết Nguyên đán, giá bán ổi có thể đạt 20.000-25.000 đồng/kg. |
HẢI MINH (baohaiduong.vn)