Quy định Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý Thanh Hà cho sản phẩm quả vải thiều

Quy định này quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý Thanh Hà, điều kiện, trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý Thanh Hà cho sản phẩm quả vải thiều


vai 2018 1

Quy định Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý Thanh Hà

cho sản phẩm quả vải thiều Ban hành theo Quyết định số: 5880 /2011/QĐ- UBND  ngày 05 tháng 10 năm 2011 của Ủy ban nhân dân huyện Thanh Hà

CHƯƠNG I
QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Mục tiêu

Quy định này quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý Thanh Hà, điều kiện, trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý Thanh Hà cho sản phẩm quả vải thiều.

Quy định nhằm minh bạch hóa công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý để cấp đúng người, đúng đối tượng, đồng thời tạo các điều kiện thuận lợi cho người yêu cầu cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý, tránh phiền hà, sách nhiễu trong công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý.

Điều 2. Đối tượng, phạm vi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý Thanh Hà

Quy định này hướng dẫn về điều kiện, trình tự thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý Thanh Hà cho sản phẩm quả vải thiều của huyện Thanh Hà. Quy định không thực hiện đối với các quả vải khác hoặc là vải thiều nhưng không được trồng, chăm sóc, chế biến tại Thanh Hà.

Quy định này áp dụng đối với tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý (tức Ủy ban nhân dân huyện Thanh Hà), tổ chức, cá nhân, hộ gia đình sử dụng Chỉ dẫn địa lý Thanh Hà (là tổ chức, cá nhân, hộ gia đình sử dụng mẫu nhãn hiệu mang Chỉ dẫn địa lý đã được thiết kế sử dụng chung và được mô tả chi tiết theo điểm 1 Điều 4 Quy định sử dụng nhãn hiệu, hệ thống tem nhãn).

Điều 3. Giấy chứng nhận quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý Thanh Hà

Giấy chứng nhận quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý Thanh Hà là văn bản của Ủy ban nhân dân huyện Thanh Hà (Tổ chức quản lý, thừa ủy quyền của Nhà nước thực hiện công tác quản lý đối với Chỉ dẫn địa lý) cấp đến từng người sử dụng có yêu cầu.

Giấy chứng nhận quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý Thanh Hà có hiệu lực 24 tháng kể từ ngày cấp và có thể được gia hạn nhiều lần, mỗi lần gia hạn có giá trị thêm 24 tháng, thời điểm nộp đơn xin gia hạn trong vòng 60 ngày, trước ngày hết hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận.

vai 2018 2

CHƯƠNG II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Điều kiện về tổ chức, cá nhân, hộ gia đình được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý

Tổ chức, cá nhân, hộ gia đình đáp ứng các điều kiện sau đây sẽ được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý Thanh Hà:

1. Tổ chức, cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm quả vải thiều Thanh Hà trong vùng địa lý xác định theo bản đồ vùng chỉ dẫn địa lý đã đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ.

2. Có đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý theo mẫu ban hành kèm theo quy định này (Mẫu 02-TKGCN)

3. Cam kết áp dụng đúng các quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái, bảo quản; quy định về sử dụng tem nhãn do Ủy ban nhân dân huyện Thanh Hà ban hành.

Điều 5. Điều kiện về sản phẩm được cấp Giấy chứng nhận sử dụng Chỉ dẫn địa lý Thanh Hà

Sản phẩm quả vải thiều, đáp ứng các điều kiện sau đây được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý Thanh Hà:

1. Loại sản phẩm: quả Vải thiều.

2. Nguồn gốc sản phẩm: được trồng và chăm sóc trong vùng địa lý xác định theo bản đồ vùng Chỉ dẫn địa lý.

3. Chất lượng của sản phẩm:

a) Về hình thức: vỏ quả khi chín có màu đỏ tươi, vỏ giãn đều làm cho bề mặt quả phẳng;

b) Thịt quả: cùi dày có màu trắng trong, giòn, vị ngọt thanh và mát, không chua, không chát, có mùi thơm nhẹ;

c) Thành phần sinh hóa: độ Brix từ 19,56% đến 20,72%; đường tổng số từ 16,33% đến 16,70%; đường khử từ 14,92% đến 15,38%; độ chua từ 0,22% đến 0,24%; hàm lượng nước từ 81,18% đến 82,33%; chất khô từ 17,67% đến 18,82% và hàm lượng Vitamin C từ 22,57% đến 24,16%.

Điều 6. Những trường hợp không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý Thanh Ha

Những trường hợp sau đây không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý Thanh Hà:

Tổ chức, cá nhân, hộ gia đình không có đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý Thanh Hà cho sản phẩm quả vải thiều.

Sản phẩm không phải là quả vải thiều hoặc là quả vải thiều nhưng không được trồng trên vùng Chỉ dẫn địa lý Thanh Hà đã xác định theo bản đồ vùng chỉ dẫn địa lý đã đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ.

Sản phẩm quả vải thiều không đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định tại Điều 5 khoản 3 của Quy định này.

Tổ chức, cá nhân, hộ gia đình không tuân thủ Quy trình trồng và chăm sóc, thu hái, bảo quản cũng như Quy định về sử dụng tem nhãn.

Điều 7. Trình tự thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý Thanh Hà

Hồ sơ yêu cầu cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý Thanh Hà gồm:

Nơi nhận hồ sơ: Phòng kinh tế và hạ tầng thuộc Ủy ban nhân dân huyện Thanh Hà.

Thẩm định yêu cầu cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý Thanh Hà.

Đơn yêu cầu cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý (theo mẫu);

Bản cam kết thực hiện Quy trình trồng, chăm sóc, thu hái, bảo quản và Quy trình kiểm soát chất lượng; Quy định sử dụng tem nhãn do Ủy ban nhân dân huyện ban hành;

Mẫu bao bì (nếu có);

Trong trường hợp người yêu cầu là tổ chức thì nộp thêm bản phô tô (không cần công chứng) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của tổ chức.

Hướng dẫn hồ sơ

Hồ sơ yêu cầu cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý Thanh Hà phải được lập thành mẫu và niêm yết công khai tại Phòng kinh tế và hạ tầng thuộc Ủy ban nhân dân huyện và trụ sở của Hiệp hội sản xuất và tiêu thụ vải thiều Thanh Hà để tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có nhu cầu sử dụng dễ dàng tiếp cận. Phòng kinh tế và hạ tầng, Hiệp hội sản xuất và tiêu thụ vải thiều Thanh Hà có trách nhiệm hướng dẫn cho tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có nhu cầu kê khai và làm các thủ tục theo đúng quy định.

Sau khi nhận hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này, Phòng Kinh tế và hạ tầng có trách nhiệm xem xét hồ sơ theo các bước sau:

Kiểm tra, xác định tư cách của người yêu cầu, theo đó xem xét về tư cách pháp nhân (nếu là tổ chức), xem xét năng lực (nếu là hộ gia đình, cá nhân);

Kiểm tra về địa điểm, diện tích trồng và so với bản đồ, tờ khai và thực tế;

Kiểm tra các tiêu chí trong Quy định kiểm soát chất lượng vải thiều Thanh Hà;

Kiểm tra việc chuẩn bị bao bì sản phẩm, mẫu nhãn hiệu (nếu có);

Lập tờ trình, báo cáo Ủy ban nhân dân huyện ra quyết định cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý và vào sổ theo dõi.

Đối với người yêu cầu là hội viên Hiệp Hội sản xuất và tiêu thụ vải thiều Thanh Hà, Hiệp Hội có trách nhiệm tập hợp, lên danh sách và ra công văn đề nghị Ủy ban nhân dân huyện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cho từng người yêu cầu trong Hiệp Hội của mình. Hiệp Hội có trách nhiệm kiểm tra, giám sát và chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân huyện về các hồ sơ của hội viên. Phòng Kinh tế và hạ tầng có trách nhiệm kiểm tra lại khi xét thấy cần thiết.

Thời hạn thẩm định hồ sơ

Trong thời gian 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ của tổ chức, cá nhân, hộ gia đình yêu cầu, Phòng kinh tế và hạ tầng có trách nhiệm hoàn tất các việc nêu tại khoản 4 điều này và báo cáo Ủy ban nhân dân huyện ra quyết định cấp hay không cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý cho tổ chức, cá nhân, hộ gia đình yêu cầu.

Từ chối và giải quyết từ chối

Trong trường hợp không cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý, Ủy ban nhân dân huyện phải trả lời bằng văn bản tới tổ chức, cá nhân, hộ gia đình yêu cầu, trong đó nêu rõ lý do từ chối và ấn định thời hạn tối thiểu để cho người yêu cầu thực hiện quyền khiếu nại lại quyết định từ chối nếu họ có khiếu nại.

Tổ chức, cá nhân, hộ gia đình yêu cầu có quyền khiếu nại từ chối cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý của Ủy ban nhân dân huyện nếu có căn cứ cho rằng việc từ chối đó không hợp lý và không hợp lệ theo quy định. Việc khiếu nại phải được thực hiện bằng văn bản và trong thời hạn quy định. Khiếu nại lần đầu được gửi lên Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện. Nếu người yêu cầu cho rằng giải quyết của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện là chưa thỏa đáng thì có thể khiếu nại lên Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương. Quyết định giải quyết của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh là quyết định giải quyết cuối cùng.

Điều 8. Giấy chứng nhận quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý Thanh Hà bị hủy hoặc thu hồi trong các trường hợp sau:

Giấy chứng nhận quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý cấp sai đối tượng, cấp không đúng cho sản phẩm quả vải thiều theo quy định.

Người yêu cầu vi phạm Quy định quản lý và sử dụng Chỉ dẫn địa lý.

Người yêu cầu có dấu hiệu gian dối trong quá trình yêu cầu cấp quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý.

Người yêu cầu ngừng hoạt động sản xuất hoặc kinh doanh quả vải thiều Thanh Hà trong hai năm liên tiếp, hoặc có đơn tuyên bố chấm dứt hoạt động sản xuất và kinh doanh quả vải thiều Thanh Hà.

Người yêu cầu vi phạm Quy định sử dụng Nhãn hiệu, hệ thống tem nhãn và bao bì của Chỉ dẫn địa lý.

Người được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng chuyển giao Giấy chứng nhận quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý cho người khác (trừ trường hợp thừa kế theo luật định).

Người được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng tuyên bố từ bỏ quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý đã được cấp.

Người sử dụng có hành vi gây tổn hại đến uy tín và chất lượng sản phẩm hoặc tổ chức quản lý Chỉ dẫn địa lý.

Điều 9. Những hành vi sau đây được coi là vi phạm quy định cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý Thanh Hà

Lợi dụng quyền hạn cấp sai đối tượng, cấp không đúng sản phẩm.

Tự ý sửa chữa, tẩy xóa Giấy chứng nhận quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý.

Làm giả Giấy chứng nhận quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý.

Có hành vi gian dối trong quá trình yêu cầu cấp quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý.

Cho người khác sử dụng Giấy chứng nhận quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý của mình (trừ trường hợp thừa kế).

Điều 10. Xử lý hành vi vi phạm quy định cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý

Tất cả hành vi vi phạm nêu tại Điều 9 đều phải được xử lý. Hình thức và mức độ xử lý như sau:

Trong trường hợp người vi phạm là cán bộ thi hành nhiệm vụ sẽ bị kỷ luật và cao nhất là buộc thôi việc đồng thời đền bù các thiệt hại nếu có.

Trong trường hợp người vi phạm là người được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý thì hình thức xử lý là đình chỉ, hủy bỏ, thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý đã cấp và đền bù thiệt hại nếu có. Nếu hành vi đó gây hậu quả nghiêm trọng thì bên cạnh các hình thức xử lý nêu trên có thể có hình phạt bổ sung là không cấp quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý trong 5 năm tiếp theo.

vai 2018 3

CHƯƠNG III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 11. Tổ chức thực hiện

Ủy ban nhân dân huyện giao Phòng kinh tế và hạ tầng, Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn có trách nhiệm tổ chức hướng dẫn, triển khai quy định này đến toàn thể người sản xuất và kinh doanh sản phẩm quả vải thiều Thanh Hà.

Hiệp hội sản xuất và tiêu thụ vải thiều Thanh Hà có trách nhiệm phối hợp với Phòng kinh tế và hạ tầng, Phòng nông nghiệp hướng dẫn, triển khai và tổ chức thực hiện quy định này cho tất cả các thành viên trong phạm vi Hiệp hội của mình.

Tất cả những người được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý có quyền và nghĩa vụ giám sát việc thực hiện quy định này của Ủy ban nhân dân huyện.

Điều 12. Sửa đổi bổ sung

Quy định có thể được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với hoạt động trên thực tế. Mọi sửa đổi bổ sung do Ủy ban nhân dân Huyện quyết định trên cơ sở tập hợp ý kiến góp ý của người sử dụng thông qua đề xuất của Phòng kinh tế và hạ tầng.

Điều 13. Hiệu lực của quy định

Quy định này có hiệu lực theo Quyết định ban hành./.

Quốc Dũng