Quy định Quản lý và sử dụng Chỉ dấn địa lý Thanh Hà cho sản phẩm quả vải thiều

Nhằm giúp các cơ quan, tổ chức, cá nhân nằm vững Quy định quản lý và sử dụng Chỉ dẫn địa lý Thanh Hà cho sản phẩm vải thiều, xin giới thiệu “Quy định Quản lý và sử dụng Chỉ dấn địa lý Thanh Hà cho sản phẩm quả vải thiều”

vai 2018 4

Quy định được Ban hành kèm theo Quyết định số 5879/2011/QĐ-UBND ngày 05 tháng 10 năm 2011 của Uỷ ban nhân dân huyện Thanh Hà

vai 2018 5

CHƯƠNG I
QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Mục tiêu

Quy định này nhằm thống nhất công tác quản lý, sử dụng Chỉ dẫn địa lý Thanh Hà cho sản phẩm quả vải thiều theo một nguyên tắc, dưới một chủ thể quản lý là Ủy ban nhân dân huyện Thanh Hà, để:

Duy trì và nâng cao tính chất, chất lượng đặc thù của quả vải thiều Thanh Hà theo văn bằng bảo hộ số 0009 cấp theo Quyết định số 353/QĐ – SHTT ngày 25 tháng 5 năm 2007 của Cục Sở hữu trí tuệ.

Thống nhất công tác quản lý sản phẩm, sử dụng Chỉ dẫn địa lý, quảng cáo phát triển sản phẩm mang Chỉ dẫn địa lý để phát huy sức mạnh tập thể tạo sức cạnh tranh trong cơ chế thị trường hiện nay.

Điều 2. Đối tượng điều chỉnh và phạm vi áp dụng

Quy định này quy định về việc quản lý, sử dụng đối với Chỉ dẫn địa lý Thanh Hà cho sản phẩm quả vải thiều được trồng và chế biến tại địa bàn huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương.

Quy định này áp dụng đối với tất cả các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân tiến hành sản xuất và kinh doanh sản phẩm quả vải thiều Thanh Hà.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

“Quy định quản lý và sử dụng Chỉ dẫn địa lý Thanh Hà cho sản phẩm quả vải thiều” là quy định này, sau đây được viết tắt là “Quy định”.

“Chỉ dẫn địa lý” được nêu trong Quy định này là tên địa danh “Thanh Hà” cho sản phẩm quả vải thiều.

“Người sử dụng” là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất hoặc kinh doanh sản phẩm quả vải thiều Thanh Hà.

Điều 4. Nguyên tắc quản lý nhà nước đối với Chỉ dẫn địa lý Thanh Hà

Uỷ ban nhân huyện Thanh Hà là chủ thể thay mặt Nhà nước thực hiện hoạt động quản lý đối với Chỉ dẫn địa lý Thanh Hà cho sản phẩm quả vải thiều theo các nguyên tắc sau:

Quản lý việc tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật đối với Chỉ dẫn địa lý Thanh Hà trong hoạt động sản xuất và kinh doanh sản phẩm quả vải thiều của huyện Thanh Hà do người sử dụng Chỉ dẫn địa lý thực hiện.

Phát huy vai trò độc lập, tự chủ kinh doanh của người sử dụng Chỉ dẫn địa lý Thanh Hà.

Xác lập cơ chế hỗ trợ và khuyến khích việc sử dụng hợp pháp Chỉ dẫn địa lý đảm bảo phát huy giá trị tài sản trí tuệ của Chỉ dẫn, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm quả vải thiều.

Xây dựng cơ chế chủ động bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người sử dụng hợp pháp Chỉ dẫn địa lý; ngăn ngừa và đấu tranh có hiệu quả đối với mọi hành vi xâm phạm Chỉ dẫn địa lý.

Điều 5. Xác định quyền sở hữu, tổ chức quản lý và quyền sử dụng

Quyền sở hữu đối với Chỉ dẫn địa lý Thanh Hà cho sản phẩm quả vải thiều thuộc về Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có giá trị vô thời hạn và được bảo hộ trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Ủy ban nhân dân Huyện Thanh Hà là cơ quan hành chính Nhà nước địa phương được Nhà nước trao quyền đại diện chủ sở hữu để bảo vệ quyền và lợi ích của tất cả người sử dụng Chỉ dẫn địa lý Thanh Hà, thống nhất công tác quản lý và kiểm soát chất lượng đối với sản phẩm mang Chỉ dẫn địa lý theo quy định của pháp luật.

Ủy ban nhân dân huyện Thanh Hà có thể xem xét chuyển giao quyền quản lý Chỉ dẫn địa lý Thanh Hà cho một tổ chức có đủ tư cách, đủ năng lực đại diện bảo vệ cho quyền và lợi ích của người sử dụng Chỉ dẫn địa lý Thanh Hà khi thấy cần thiết.

Quyền sở hữu công nghiệp đối với Chỉ dẫn địa lý Thanh Hà cho sản phẩm quả vải thiều không được chuyển nhượng, chuyển giao.

Ủy ban nhân dân huyện Thanh Hà cấp quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý đến người sử dụng khi người sử dụng yêu cầu. Người sử dụng chỉ có quyền sử dụng, không có quyền sở hữu đối với Chỉ dẫn địa lý.

Người sử dụng Chỉ dẫn địa lý có quyền được chia sẻ lợi ích do Chỉ dẫn địa lý Thanh Hà mang lại.

Điều 6. Sản phẩm quả vải thiều đáp ứng các tiêu chí sau đây được mang Chỉ dẫn địa lý Thanh Hà

Sản phẩm: là quả vải thiều.

Nguồn gốc sản phẩm: được trồng và chăm sóc trong vùng địa lý xác định theo bản đồ vùng Chỉ dẫn địa lý.

Về hình thức: vỏ quả khi chín có màu đỏ tươi, vỏ giãn đều làm cho bề mặt quả phẳng.

Thịt quả: cùi dày có màu trắng trong, giòn, vị thanh và mát, không chua, không chát, có mùi thơm nhẹ.

Thành phần sinh hóa: độ Brix từ 19,56% đến 20,72%; đường tổng số từ 16,33% đến 16,70%; đường khử từ 14,92% đến 15,38%; độ chua từ 0,22% đến 0,24%; hàm lượng nước từ 81,18% đến 82,33%; chất khô từ 17,67% đến 18,82% và hàm lượng Vitamin C từ 22,57% đến 24,16%.

vai 2018 7

CHƯƠNG II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 7. Quyền hạn, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân huyện Thanh Hà

1. Quyền hạn của Ủy ban nhân dân huyện Thanh Hà

Ủy ban nhân dân huyện Thanh Hà thực hiện quyền quản lý đối với Chỉ dẫn địa lý Thanh Hà với các nội dung sau:

Xây dựng, tổ chức triển khai thực hiện, tiến hành sửa đổi, bổ sung các Quy định, Quy trình liên quan đến quản lý và sử dụng Chỉ dẫn địa lý;

Quản lý nguồn gốc, tính chất, chất lượng đặc thù của quả vải thiều Thanh Hà đã được xác định tại văn bằng bảo hộ số 0009 và được nêu rõ tại Điều 6 Quy định này;

Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý cho Người sử dụng khi Người sử dụng yêu cầu và lập các loại hồ sơ, sổ sách để thực hiện công tác quản lý Chỉ dẫn địa lý;

Xây dựng và chuẩn hóa mẫu nhãn, bao bì; quản lý và tổ chức hướng dẫn sử dụng mẫu nhãn, bao bì cho người sử dụng;

Hướng dẫn, phê duyệt kế hoạch, phương án phát triển vùng sản xuất, chương trình nội dung quảng cáo cho sản phẩm vải thiều mang Chỉ dẫn địa lý Thanh Hà do Phòng Kinh tế Hạ tầng và Hiệp hội sản xuất và tiêu thụ vải thiều Thanh Hà đề xuất;

Tổ chức kiểm tra, phát hiện, xử lý những hành vi vi phạm quyền sở hữu đối với Chỉ dẫn địa lý Thanh Hà.

Xử lý theo thẩm quyền hoặc phối hợp với các cơ quan chức năng trong và ngoài địa bàn xử lý các hành vi xâm phạm đối với Chỉ dẫn địa lý.

2. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân huyện Thanh Hà

Hướng dẫn người sử dụng Chỉ dẫn địa lý thực hiện các Quy định, Quy trình để đảm bảo tính chất, chất lượng đặc thù sản phẩm quả vải thiều Thanh Hà;

Thường xuyên hoặc đột xuất kiểm tra sản phẩm quả vải thiều nhằm đảm bảo, chất lượng đặc thù của sản phẩm trước khi đưa ra thị trường;

Tổ chức xem xét và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý cho người sử dụng khi họ có yêu cầu;

Xây dựng và tổ chức triển khai chương trình kế hoạch phát triển Chỉ dẫn địa lý trong phạm vi toàn huyện;

Hướng dẫn cho người sử dụng Chỉ dẫn địa lý về cách thức sử dụng nhãn hiệu, bao bì theo đúng quy định;

Điều 8. Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng Chỉ dẫn địa lý

1. Quyền của người sử dụng Chỉ dẫn địa lý

Được quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý Thanh Hà cho sản phẩm quả vải thiều đáp ứng các quy định tại Điều 6 Quy định này;

Được quyền ghi tên riêng của tổ chức, hộ gia đình hoặc cá nhân mình dưới phần Chỉ dẫn địa lý Thanh Hà để phân biệt sản phẩm quả vải thiều của mình với người khác;

Được quyền đưa sản phẩm quả vải thiều gắn Chỉ dẫn địa lý ra thị trường;

Được quyền giới thiệu, quảng bá sản phẩm quả vải thiều Thanh Hà dưới danh nghĩa Chỉ dẫn địa lý;

Quyền khiếu nại và đề nghị Ủy ban nhân dân huyện giải quyết khiếu nại khi có tranh chấp hoặc phát hiện hành vi vi phạm xảy ra;

g Quyền tự bảo vệ hoặc đề nghị Ủy ban nhân dân huyện hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình đối với Chỉ dẫn địa lý Thanh Hà khi bị xâm phạm.

2. Nghĩa vụ của người sử dụng Chỉ dẫn địa lý

Người sử dụng có nghĩa vụ đăng ký để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý và phải sử dụng Chỉ dẫn địa lý Thanh Hà theo đúng các quy định sau khi được Uỷ ban nhân huyện Thanh Hà cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý;

Tuân thủ quy trình trồng, chăm sóc, thu hái theo Quy trình để đảm bảo tính chất, chất lượng đặc thù của sản phẩm;

Đảm bảo về nguồn gốc, chất lượng và tính chất đặc thù của sản phẩm quả vải thiều khi gắn Chỉ dẫn địa lý Thanh Hà. Theo đó sản phẩm quả vải thiều gắn Chỉ dẫn địa lý phải là quả vải thiều được trồng và chăm sóc trong vùng địa lý xác định;

Tuân thủ các quy định về việc sử dụng mẫu nhãn, bao bì và các hoạt động quảng cáo liên quan đến Chỉ dẫn địa lý;

Sử dụng Giấy chứng nhận quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý đúng theo quy định, không được chuyển giao Giấy chứng nhận sử dụng Chỉ dẫn địa lý cho bất kỳ tổ chức, hộ gia đình, cá nhân nào khác;

g) Chấp hành nghiêm chỉnh các quy định liên quan đến quản lý Chỉ dẫn địa lý do Ủy ban nhân dân huyện ban hành.

Điều 9. Kiểm tra, kiểm soát

1. Kiểm tra, kiểm soát là để đảm bảo tính chất, chất lượng đặc thù của sản phẩm, nhằm đảm bảo người tiêu dùng được sử dụng đúng sản phẩm vải thiều Thanh Hà. Nội dung công tác kiểm tra, kiểm soát sản phẩm vải thiều mang Chỉ dẫn địa lý Thanh Hà bao gồm:

Nguồn gốc sản phẩm, theo đó kiểm tra sản phẩm quả vải thiều có được sản xuất trong vùng địa lý đó được xác định theo bản đồ vùng Chỉ dẫn địa lý Thanh Hà đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ;

Kiểm tra việc tuân thủ quy trình trồng chăm sóc, thu hái, bảo quản của người sử dụng Chỉ dẫn địa lý Thanh Hà đối soát với quy trình kỹ thuật đã được ban hành;

Kiểm tra tính chất, chất lượng đặc thù, theo đó thường xuyên kiểm tra và đối soát theo điểm 3, điểm 4 Điều 6 Quy định này. Riêng các chỉ tiêu lý hóa tại điểm 5 của Điều 6 chỉ tiến hành kiểm tra khi cần thiết;

Kiểm tra Giấy chứng nhận và việc tuân thủ Giấy chứng nhận quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý Thanh Hà đối với người sử dụng đã được cấp nhằm phát hiện các hành vi vi phạm có thể xảy ra;

Kiểm tra việc tuân thủ sử dụng nhãn hiệu, tem dán, bao bì, biển hiệu của Chỉ dẫn địa lý theo Quy định sử dụng tem nhãn;

g. Phối hợp với các cơ quan chức năng của Tỉnh và địa phương khác để kiểm tra, kiểm soát khu vực bên ngoài vùng Chỉ dẫn địa lý nhằm phát hiện các hành vi xâm phạm đối với Chỉ dẫn địa lý;

h. Kiểm tra, kiểm soát hình thức, nội dung và phương pháp quảng cáo Chỉ dẫn địa lý của Người sử dụng Chỉ dẫn địa lý theo quy định.

2. Tổ chức kiểm tra: công tác kiểm tra, kiểm soát có thể thực hiện định kỳ hoặc đột xuất tùy theo yêu cầu thực tế. Tổ kiểm tra được thành lập theo quyết định của Ủy ban nhân dân huyện trên cơ sở đề xuất của Phòng Kinh tế và hạ tầng. Thành phần tổ kiểm tra bao gồm đại diện Ủy ban nhân dân huyện, Phòng Kinh tế và hạ tầng, Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, đại diện Ủy ban nhân dân xã nơi thực hiện kiểm tra, đại diện Hiệp hội sản xuất và tiêu thụ vải thiều Thanh Hà.

3. Trong quá trình kiểm tra, kiểm soát nếu phát hiện hành vi vi phạm đối với Chỉ dẫn địa lý, Phòng Kinh tế và hạ tầng có trách nhiệm báo cáo, đề xuất với Ủy ban nhân dân huyện xử lý hoặc phối hợp với các cơ quan chuyên môn khác của Tỉnh, địa phương khác xử lý theo quy định của pháp luật.  

Điều 10. Quảng cáo, phát triển sản phẩm

Ủy ban nhân dân huyện khuyến khích các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân tiến hành quảng cáo Chỉ dẫn địa lý dưới mọi hình thức nhưng nội dung, hình thức quảng cáo phải phù hợp với quy định luật quảng cáo và không gây ảnh hưởng đến nguồn gốc, tính chất, chất lượng đặc thù quả vải thiều Thanh Hà.

Ủy ban nhân dân huyện giao Hiệp hội sản xuất và tiêu thụ vải thiều Thanh Hà có nhiệm vụ tổ chức thực hiện công tác quảng cáo và phát triển sản phẩm đối với quả vải thiều Thanh Hà. Hiệp hội có trách nhiệm báo cáo Ủy ban nhân dân huyện về nội dung và hình thức quảng cáo.

Ủy ban nhân dân huyện giao Hiệp hội sản xuất và tiêu thụ vải thiều Thanh Hà phối hợp với Phòng Kinh tế và hạ tầng xây dựng chiến lược phát triển vùng chuyên canh cũng như kế hoạch phát triển thị trường cho quả vải thiều Thanh Hà.

Điều 11. Hành vi vi phạm

1. Những hành vi sau đây được coi là hành vi vi phạm Quy định quản lý và sử dụng Chỉ dẫn địa lý Thanh Hà:

Sản xuất, kinh doanh sản phẩm quả vải thiều mang Chỉ dẫn địa lý Thanh Hà nhưng không đáp ứng các điều kiện quy định về tính chất, chất lượng đặc thù đã được công nhận theo văn bằng bảo hộ số 0009 được nêu rõ tại Điều 6 Quy định này;

Người sử dụng không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý nhưng sử dụng nhãn hiệu mang Chỉ dẫn địa lý đã được thiết kế chung gắn cho sản phẩm quả vải thiều Thanh Hà;

Gắn nhãn hiệu mang Chỉ dẫn địa lý Thanh Hà lên các sản phẩm không phải là quả vải thiều được sản xuất tại Thanh Hà hoặc những sản phẩm từ loại quả vải khác;

Sử dụng nhãn hiệu và hệ thống tem nhãn không thống nhất, sai quy cách theo quy định tại Quy định sử dụng nhãn hiệu và hệ thống tem nhãn;

Thêm các yếu tố vào trong nhãn hiệu mang Chỉ dẫn địa lý mà yếu tố đó làm ảnh hưởng hoặc làm cho người tiêu dùng nhầm lẫn về Chỉ dẫn địa lý;

g. Giới thiệu quảng cáo sai sự thật về Chỉ dẫn địa lý;

h. Chuyển giao Giấy chứng nhận quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý, làm giả Giấy chứng nhận quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý.

2. Những hành vi sau đây không được coi là hành vi vi phạm quy định:

Gắn nhãn hiệu riêng, ghi tên và địa chỉ, số điện thoại của Người sử dụng Chỉ dẫn địa lý Thanh Hà trên bao bì sản phẩm (vỏ thùng, vỏ túi…) trên biển hiệu và các giấy tờ giao dịch;

Sử dụng Chỉ dẫn địa lý không nhằm mục đích kinh doanh hoặc không làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh, uy tín của Chỉ dẫn địa lý.

Điều 12. Nguyên tắc, chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm

Mọi hành vi vi phạm Quy định này và các quy định khác của pháp luật về sở hữu trí tuệ về Chỉ dẫn địa lý Thanh Hà đều phải được xử lý kịp thời, nhanh chóng.

Người đang sử dụng Chỉ dẫn địa lý nếu có hành vi vi phạm Quy định này, tuỳ theo tính chất và mức độ có thể bị đình chỉ việc sử dụng Chỉ dẫn địa lý trong thời hạn 2 năm hoặc bị thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý đã cấp.

Ngoài việc bị xử lý theo hình thức nêu trên, người có hành vi vi phạm còn có thể bị xử lý về hành chính hoặc các biện pháp khác theo quy định của pháp luật.

Với tư cách là Tổ chức quản lý Chỉ dẫn địa lý, trong thẩm quyền của mình, Ủy ban nhân dân huyện có quyền xử lý đối với các hành vi vi phạm Quy định này theo các hình thức sau:

Cảnh cáo, nhắc nhở;

Đình chỉ, tước quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý của người vi phạm;

Phạt hành chính, tịch thu tang vật vi phạm theo thẩm quyền quy định tại điều 22 khoản 1 Nghị định 97/2010/NĐ – CP ngày 21 tháng 9 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với các hành vi vi phạm Chỉ dẫn địa lý không nằm trong địa giới hành chính của huyện Thanh Hà và người vi phạm không là công dân thuộc huyện thì trình tự thủ tục, thẩm quyền xử lý vi phạm thực hiện theo quy định Luật sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11, Nghị định 97/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2010 và các luật khác có liên quan.

Điều 13. Giải quyết khiếu nại, tố cáo

Phòng Kinh tế và hạ tầng có trách nhiệm tiếp nhận và báo cáo Ủy ban nhân dân huyện giải quyết mọi khiếu nại của Người sử dụng Chỉ dẫn địa lý hoặc các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân liên quan đến thực hiện Quy định này.

Đối với khiếu nại, tố cáo khác như cấp sai đối tượng sử dụng Chỉ dẫn địa lý, cấp không đúng sản phẩm, lợi dụng thẩm quyền để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý…. được thực hiện theo quy định của pháp luật khiếu nại, tố cáo.

5a.tuigiay (1)

CHƯƠNG III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 14. Tổ chức thực hiện

Ủy ban nhân dân huyện giao Phòng Kinh tế và hạ tầng, Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn chịu trách nhiệm tổ chức, đôn đốc, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện Quy định này. Định kỳ 6 tháng một lần báo cáo Uỷ ban nhân dân huyện về tình hình thực hiện Quy định trong phạm vi toàn huyện.

Ủy ban nhân dân huyện giao Hiệp hội sản xuất và tiêu thụ vải thiều Thanh Hà thực hiện một số nhiệm vụ đã nêu tại Quy định. Hiệp hội có trách nhiệm phối hợp với Phòng Kinh tế và hạ tầng, Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn để tổ chức, triển khai trong Hiệp hội.

Trong quá trình thực hiện, Quy định này có thể được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu phát triển của thực tiễn. Việc sửa đổi, bổ sung do Uỷ ban nhân dân huyện quyết định trên cơ sở đề xuất của Phòng Kinh tế và hạ tầng.

Điều 15. Hiệu lực thi hành

Qui định này có hiệu lực thi hành theo Quyết định ban hành./.

Quốc Dũng