Thâm canh theo tiêu chuẩn VietGap giúp người trồng vải thực hiện các biện pháp kỹ thuật một cách đồng bộ, sản xuất vải an toàn đạt các tiêu chí: Không tồn tại dịch hại nguy hiểm trên qủa vải thương phẩm; Dư lượng thuốc BVTV dưới mức cho phép; Không có vi khuẩn đường ruột Salmonella và độc tố sinh học; Đạt các tiêu chuẩn mẫu mã vải thương phẩm…
Khái niệm:VIETGAP nghĩa là Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam được xây dựng dựa trên 4 tiêu chí: Tiêu chuẩn về kỹ thuật sản xuất; an toàn thực phẩm; môi trường làm việc và truy tìm nguồn gốc sản phẩm. Tiêu chuẩn này là tập hợp những nguyên tắc, trình tự, thủ tục hướng dẫn tổ chức, cá nhân sản xuất, thu hoạch, sơ chế bảo đảm an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo phúc lợi xã hội, sức khoẻ người sản xuất và người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và truy nguyên nguồn gốc sản phẩm.
Lợi ích thiết thực cho bà con nông dân và các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, phân phối sản phẩm:
- Giúp người trồng vải thực hiện các biện pháp kỹ thuật một cách đồng bộ, sản xuất vải an toàn
- Tạo ra sản phẩm an toàn và chất lượng đạt các tiêu chí: Không tồn tại dịch hại nguy hiểm trên qủa vải thương phẩm; Dư lượng thuốc BVTV dưới mức cho phép; Không có vi khuẩn đường ruột Salmonella và độc tố sinh học; Đạt các tiêu chuẩn mẫu mã vải thương phẩm…
- Sản phẩm được công nhận theo tiêu chuẩn của VietGap được đánh giá cao, rất dễ dàng lưu thông trên thị trường Việt Nam.
- Chất lượng và giá cả của sản phẩm luôn ổn định.
- Tạo lợi thế cạnh tranh, nâng cao thương hiệu của người sản xuất, chế biến, phân phối.
- Tạo lập cho việc phát triển quả vải theo hướng bền vững với việc giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường và đảm bảo lợi ích xã hội.
- Tạo ra sự liên kết chặt chẽ giữa 4 nhà: nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà quản lý…
- Góp phần thay đổi thói quen sản xuất, cách suy nghĩ của người nông dân cũng như doanh nghiệp về sản xuất bền vững.
- Giúp người tiêu dùng yên tâm khi sử dụng sản phẩm vải thiều sạch, chất lượng,
- Làm tăng sự tin tưởng của khách hàng đối với thực phẩm an toàn; bảo vệ người tiêu dùng trước nguy cơ thực phẩm mất không an toàn, ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe.
II. NHỮNG QUY ĐỊNH TRONG SẢN XUẤT VẢI THIỀU THANH HÀ THEO VIETGAP
1. Quy định đánh giá và lựa chọn vùng sản xuất
- Vùng sản xuất vải thiều Thanh Hà theo VietGAP phải phù hợp với quy hoạch của tỉnh, huyện.
- Vườn vải trồng cách khu công nghiệp, nghĩa trang, bệnh viện từ 500 m trở lên và đất không bị nhiễm kim loại nặng. Nếu vườn vài không nằm trong quy hoạch vùng sản xuất vải thiều an toàn của tỉnh thì cần phân tích đất, nước trước khi trồng. Toàn bộ hồ sơ về vị trí lô đất và kết quả phân tích đất được lưu giữ để có thể truy nguyên nguồn gốc theo yêu cầu..
2. Quy định về thiết kế vườn
- Phải có sơ đồ bố trí lô, vườn và bảng hiệu để phân biệt các lô, vườn vải thiều của hộ, gia đình, HTX. Sơ đồ cần nêu rõ số lượng cây, tuổi cây, phương pháp nhân giống, hệ thống giao thông nội đồng, hệ thống tưới tiêu, hề thống điện, nhà xưởng, kho để vật tư, phân bón, thuốc BVTV, dụng cụ làm vườn, nơi tập kết sản phẩm, phân loại, vệ sinh, đóng gói, bảo quản…
3. Qui định về sử dụng hóa chất (bao gồm cả thuốc bảo vệ thực vật (BVTV)
- Người lao động và tổ chức, cá nhân sử dụng lao động trong sản xuất vải thiều Thanh Hà phải được tập huấn về phương pháp sử dụng thuốc BVTV và các biện pháp sử dụng bảo đảm an toàn.
- Trường hợp cần lựa chọn các loại thuốc BVTV và chất điều hòa sinh trưởng cho phù hợp với cây vải thiều, cần có ý kiến của người có chuyên môn về lĩnh vực BVTV.
- Nên áp dụng các biện pháp quản lý sâu bệnh tổng hợp (IPM) nhằm hạn chế việc sử dụng thuốc BVTV trên cây vải thiều.
- Sử dụng hóa chất trên vườn vải thiều cần tuân theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng lúc, đúng cách).
- Các hỗn hợp hóa chất và thuốc BVTV dùng không hết cần được xử lý đảm bảo không làm ô nhiễm môi trường và đất canh tác vải thiều.
- Sau mỗi lần phun, dụng cụ phải vệ sinh sạch sẽ và thường xuyên bảo dưỡng, kiểm tra. Nước rửa dụng cụ cần được xử lý đảm bảo không làm ô nhiễm môi trường.
- Nếu phát hiện dư lượng hóa chất trong quả vải thiều vượt quá mức tối đa cho phép phải dừng ngay việc thu hoạch, mua bán sản phẩm, xác định nguyên nhân ô nhiễm và nhanh chóng áp dụng các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm. Phải ghi chép cụ thể trong hồ sơ lưu trữ.
- Thường xuyên kiểm tra việc thực hiện quy trình sản xuất và dư lượng hóa chất có trong quả vải thiều theo yêu cầu của khách hàng hoặc cơ quan chức năng có thẩm quyền. Các chỉ tiêu phân tích phải tiến hành tại các phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc gia hoặc quốc tế về lĩnh vực dư lượng thuốc BVTV.
4. Quy định về sử dụng nước tưới
- Nước tưới cho sản xuất vải thiều Thanh Hà theo VietGap phải đảm bảo theo tiêu chuẩnhiện hành của Việt Nam hoặc tiêu chuẩn mà Việt Nam đang áp dụng.
- Trường hợp nước của vùng sản xuất vải thiều Thanh Hà không đạt tiêu chuẩn phải thay thế bằng nguồn nước khác an toàn hoặc chỉ sử dụng nước sau khi đã sử lý và kiểm tra đạt yêu cầu về chất lượng. Ghi chép phương pháp sử lý, kết quả kiểm tra và lưu trong hồ sơ.
- Không dùng nước thải công nghiệp, nước thải từ các bệnh viện, các khu dân cư tập trung, các trang trại chăn nuôi, các lò giết mổ gia súc gia cầm, nước phân tươi, nước thải chưa qua xử lý trong sản xuất…
5. Quy định về phân bón và chất phụ gia
- Hàng năm phải đánh giá nguy cơ ô nhiễm hóa học, sinh học và vật lý học do sử dụng phân bón và chất phụ gia
- Chỉ sử dụng phân bón và chất phụ gia có trong danh mục được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt nam
- Không sử dụng phân hữu cơ chưa qua sử lý (ủ hoai mục). Nếu sử lý phải ghi rõ phương pháp sử lý.
- Dụng cụ để bón phân sau khi sử dụng phải vệ sinh sạch sẽ và bảo dưỡng thường xuyên
- Lưu giữ hồ sơ ( ghi rõ loại phân gì, nguồn gốc mua ở đâu, tên sản phẩm, thời gian và số lượng, tên người bón, phương pháp bón)
6 Qui định về thu hoạch và xử lý sau thu hoạch
6.1 Thiết bị, vật tư nhà chứa…
6.2 Thiết kế và nhà xưởng
6.3 vệ sinh nhà xưởng
6.4 phòng chống dịch hại
6.5 Vệ sinh cá nhân
6.6 sử lý sản phẩm
6.7 Bảo quản và vận chuyển
7. Qui định về quản lý và xử lý chất thải
Phải có biện pháp quản lý và xử lý chất thải, nước thải phát sinh từ hoạt động sản xuất, sơ chế và bảo quản sản phẩm.
8. Qui định về người lao động
8.1 An toàn lao động
8.2 Điều kiện làm việc
8.3 Phúc lợi xã hội của người lao động
8.4 Đào tạo
9. Qui định ghi chép, lưu giữ hồ sơ, truy nguyên nguồn gốc và thu hồi sản phẩm
10. Qui định kiểm tra nội bộ
11. Qui định về khiếu nại và giải quyết khiếu nại
III. NHỮNG BIỆN PHÁP KỸ THUẬT SẢN XUẤT VẢI THEO VIETGAP
1. Tỉa cành, tạo tán
- Ngay sau khi thu hoạch cần phải cắt tỉa cành tăm, cành khuất, cành dập gẫy và cành vượt để loại bỏ cành bị hư, cành vô hiệu, giảm bớt thân cành giúp cây chống gió, bão và giảm bớt sâu trú ngụ, sâu bệnh trong tán cây. Thường xuyên sau mỗi đợt lộc cần tỉa bớt các cành khuất, cành tăm, cành vượt và cành bị sâu bệnh hại nặng.
2. Điều khiển sinh trưởng cây trồng:
Kỹ thuật chăm sóc, điều tiết sinh trưởng của cây thời kỳ trước ra hoa:
+ Giải pháp điều tiết nước:
+ Giải pháp chăm sóc: Tuyệt đối không bón phân cho cây vải khi cây vải đang trong giai đoạn phân hóa mầm hoa từ tháng 11 đến khi bắt đầu phân hóa mầm hoa
+ Khoanh vỏ cây: chú ý chỉ tác động lên cây sinh trưởng và phát triển xanh tốt
3. Phun thuốc và cắt tỉa lộc đông
- Dùng biện pháp thủ công ngắt lộc đông,
- Dùng thuốc cỏ Rolstar 25EC, pha 25-30ml thuốc/bình 16l. Nếu thời tiết ấm dùng tăng liều lượng 30-35ml thuốc/bình 16l
- Dùng phân bón lá HPC 97, pha 150ml/bình 16l.
Phun ướt đều lên toàn bộ lá khi lá lộc xòe 1-2cm
4. Bón phân thời kỳ kinh doanh
Phương pháp: (kg/cây/vụ)
- Phân chuồng hoai mục: 20 – 30 kg
- Phân đạm Urea: 0,8 – 1 kg
- Phân lân Super: 2,0 – 3,5 kg
- Phân Kali sulphat: 1,2 – 1,5 kg
Hoặc bón phân chuồng + 10 -12 kg NPK (có tỷ lệ 5:10:3)
Bón Lần 1:
+ Thời gian bón: ngay sau khi thu hoạch, cây vải phục hồi sau thu hoạch chuyển sang giai đoạn phát triển lộc hè (tháng 7).
+ Lượng phân bón: bón toàn bộ phân chuồng và bón 2/3 lượng phân hoá học cả năm.
+ Phương pháp bón: Đào rãnh xung quanh cách mép ngoài hình chiếu tán đào sâu 15- 20 cm và rộng 20-30cm. Với vườn cây giao tán bón trên bề mặt đất dưới tán cây, xới lớp đất mỏng. Chú ý những cây xanh tốt không cho quả hoặc phía cành vụ trước đó không cho quả có thể không bón hoặc bón ít.
Bón Lần 2:
+ Thời gian bón: Bón vào giai đoạn có nụ hoa (cuối tháng 1).
+ Lượng phân bón: Bón 1/2 lượng phân còn lại.
+ Phương pháp bón: Bón rải đều trên mặt đất dưới tán cây rồi lấp đất mỏng hoặc bón xong tưới ẩm cho cây. Chú ý không bón cho những cây chưa phát triển hoa rõ rệt.
Bón Lần 3:
+ Thời gian bón: Bón khi cây vải đang hình thành quả non (tháng 4).
+ Lượng phân bón: Bón hết lượng phân còn lại có thể bón bổ sung thêm phân Kali với lượng: 0,2 – 0,3 kg/cây.
+ Phương pháp bón: Như bón phân lần 2. chú ý những cây không mang quả hoặc ít quả không cần bón bổ sung.
5. Nhóm sâu, bệnh hại quan trọng:
* Nhện lông nhung hại vải (Eriophyes litchii Keifer):
- Đặc điểm gây hại: Nhện lông nhung phát sinh quanh năm, gây hại chủ yếu trên các đợt lộc, nặng nhất vào vụ xuân. Sâu non nở ra chích hút biểu bì mô mặt dưới lá hút nhựa, kích thích mô lá làm cho lá dị dạng có mầu nâu đỏ như nhung, mặt trên lá xoăn, phồng rộp phát triển không bình thường, làm cho lá quang hợp kém, dễ rụng.
- Phòng trừ:
+ Thu gom các lá rụng và cắt bỏ các cành bị hại nặng đem đốt. Sau thu quả và vụ đông cắt tỉa cho cây thông thoáng, làm vệ sinh vườn để giảm bớt điều kiện hoạt động của nhện.
+ Sử dụng thuốc: Regent 0,1%; Pegasus 0,1%; Ortus 0,1% có tác dụng diệt nhện trưởng thành tốt. Phun cho mỗi đợt lộc 2 lần: lần 1 nhú lộc, lần 2 lộc ra rộ.
* Sâu đục cuống quả:
- Đặc điểm gây hại và diễn biến phát sinh: Bướm trưởng thành phát sinh đợt đầu vào cuối tháng 3, đẻ trứng từ tháng 4 đến tháng 6 gây hại trên vải chính vụ. Sâu non nở ra đục vào cuống quả làm cho quả bị thối, dễ rụng, gây ảnh hưởng đến chất lượng cũng như năng suất quả khi thu hoạch.
- Biện pháp phòng trừ: Vườn trồng dầy và vừa phải, sau mỗi đợt thu hoạch cần tạo tán vệ sinh vườn. Thường xuyên tỉa cành cho vườn thông thoáng kết hợp với các đợt chăm sóc bón phân. Có thể sử dụng bẫy pheromone để theo dõi dự báo phòng trừ khi trưởng thành phát sinh tháng 3. Khi bướm rộ với mật độ cao tiến hành phòng trừ kết hợp trừ ruồi đục quả bằng một trong các loại thuốc hoá học như: Padan 95 SP nồng độ 0,1%, Regent 800 WG nồng độ 0,1%, Dylan 2 EC, 5.0 WP…
* Sâu đo:
- Giai đoạn hoa, quả sâu phát sinh lứa đầu ngay khi cây hình thành nụ hoa tháng 2 gây hại không nhiều. Sâu gây hại nghiêm trọng ở lứa thứ 3 vào giữa và cuối tháng 4, lúc này sâu hại chủ yếu trên quả non.
- Biện pháp phòng trừ: Cần điều tra phát hiện sâu sớm và phòng trừ khi sâu còn tuổi nhỏ (tuổi 1- 2) nếu để sâu tuổi lớn mới phòng trừ hiệu quả thấp. Sử dụng bằng một trong các loại thuốc sinh học như: Regant 3.6 EC, Plutel 0.9 EC, Dylan 2EC, 5.0WG…
* Bọ xít hại vải:
- Đặc điểm gây hại và diễn biến phát sinh: Xuất hiện cuối tháng 3, đạt đỉnh cao mật độ vào giữa tháng 4 và trưởng thành rộ vào tháng 6.
- Biện pháp phòng trừ: Nếu mật độ cao phun bằng một trong các loại thuốc: Sherpa 25 EC nồng độ 0,1%, Địch bách trùng 90SP hoặc Bull star 262,5 EC, Trebon 20 EC.
6. Nhóm bệnh hại quan trọng:
* Bệnh sương mai:
- Triệu trứng: Bệnh hại cả trên lá lộc, hoa và trên quả non và trong suốt thời gian phát triển quả đến khi chín. Trên lộc non và hoa (tháng 2,3) vết bệnh gây cháy cả , ban đầu có hiện tượng bị luộc, sau khô biến màu nâu. Nếu thời tiết ấm, có lớp mốc trắng mọc lên. Trên quả nhỏ thường cháy cả, có màu nâu thường có lớp mốc trắng. Nhưng thường nặng nhất giai đoạn quả chín, vì thời tiết tháng 6,7 mưa nhiều nhiệt độ cao, nóng ẩm thích hợp với phát triển bệnh. Bệnh thường gây thối mốc trắng hàng loạt quả nhất là vườn rậm rạp, ít tỉa quả gần mặt đất.
- Biện pháp phòng trừ: Gặp các năm thời tiết rét muộn trời âm u, nhiều sương, cần phun phòng bệnh sương mai bảo vệ hoa và quả non bằng thuốc Ridomil Gol 68WP, Daconil 75 WP, Polyram 80 WG, Ricide 72 WP, Antracol 70 WP, Carozate 72WP… Nếu mưa phùn liên tục kéo dài thì dùng dung dịch Booc đô 1%
* Bệnh thán thư:
- Triệu trứng: Bệnh phát sinh gây hại trên lá, hoa, quả. Trên lá bệnh gây hiện tượng cháy từ đầu lá trở vào, lúc đầu là chấm nâu đầu lá. Trên quả non, vết bệnh lúc đầu chấm mực màu xanh chàm nhạt sau chuyển sang xanh mực thẫm, loang nhanh rồi chuyển mầu thâm đen quả thối. Bệnh phát sinh mạnh chủ yếu trên quả, nhất là trước khi chín tháng 5,6.
- Biện pháp phòng trừ: Vào đầu tháng 4 trong thời gian thời tiết nóng ẩm và mưa, trên quả non với vải thấy các vết chàm xanh, trên nhãn thấy các vết chấm đen kim châm biểu hiện bệnh phát sinh. Phun phòng trừ bệnh thán thư bằng một trong các loại thuốc sau như: Bavistin 50 FL, Byphan 800 WP, Daconil 75 WP, Ridomil Gold 68 WP. Haohao 600WP…
7. THU HOẠCH VÀ XỬ LÝ SAU THU HOẠCH VẢI THIỀU.
- Chấm dứt phun xịt thuốc bảo vệ thực vật và chất kích thích sinh trưởng trước khi thu hoạch vải thiều 10 – 15 ngày
- Nên thu hoạch khi quả vải thiều đạt độ chín sinh lý để quả vải thiều có chất lượng ngon nhất và bảo quản lâu hơn. Thời điểm thu hoạch vải thiều tốt nhất là vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát. Tránh ánh nắng gay gắt chiếu trực tiếp vào trái làm tăng nhiệt độ trong quả, gây mất nước ảnh hưởng đến chất lượng và thời gian bảo quản.
- Dụng cụ thu hoạch quả vải thiều như kéo cắt cành phải sắc, bén. Chùm quả sau khi cắt được đựng trong giỏ, sọt, để trong mát, phân loại sơ bộ và vận chuyển ngay về nhà đóng gói càng sớm càng tốt. Các dụng cụ như dao, kéo, giỏ, sọt… được dùng trong thu hoạch vải thiều nhiều lần phải được chùi rửa, vệ sinh, sát trùng, bảo quản cẩn thận.
- Sản phẩm vải thiều sau thu hoạch không được để tiếp xúc trực tiếp với đất, hạn chế để qua đêm.
- Không chất quả vải thiều quá đầy giỏ, sọt khi vận chuyển, giỏ, sọt phải được bao lót kỹ, che phủ bằng giấy hoặc lá để tránh ánh nắng chiếu trực tiếp vào quả và tổn thương quả do va chạm trong khi vận chuyển.
TT DV nông nghiệp huyện Thanh Hà