Hành trình vải thiều đi Mỹ

Những lô vải thiều đầu tiên xuất khẩu sang Mỹ trong năm qua đã đem đến nhiều hy vọng cho người trồng vải Thanh Hà, Chí Linh.

thu hoach vai
Nông dân chọn lựa những quả vải tốt nhất để xuất khẩu

Đầu đã xuôi…

Nhớ lại một ngày giữa tháng 3-2015 nắng vàng như mật, ông Nguyễn Văn Nhân, trưởng nhóm xuất khẩu vải thiều đi Mỹ của xã Thanh Thủy (Thanh Hà) vừa dẫn tôi dạo vài vòng quanh vườn vừa hồ hởi: “Vải ra hoa trĩu trịt, cây nào cây ấy như mâm xôi thế này thì năm nay sẽ được mùa to. Vải của xóm tôi đã được chọn xuất khẩu sang Mỹ, thị trường nghe nói khó tính nhất, nhì thế giới”.

Hơn 3 tháng sau, tôi lại có dịp về thăm vườn vải Thanh Hà. Những vạt hoa trắng tinh ngày nào nay đã kết thành những chùm quả đỏ mọng. Vừa trông thấy tôi ông Nhân phấn khởi khoe: “Anh Thìn, Giám đốc Công ty TNHH Rồng Đỏ vừa báo cho tôi lô vải thiều đầu tiên đã đến Mỹ. Vậy là bao công lao của bà con đã được đền đáp. Tương lai cho quả vải sẽ tươi sáng hơn…”.

Để quả vải được xuất khẩu sang thị trường Mỹ, ngay từ đầu vụ bà con Thanh Hà, Chí Linh đã kỳ công tỉa cành, dọn vườn, chăm sóc vải chu đáo hơn những năm trước. Bón phân gì, dùng thuốc nào cũng phải theo hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn của tỉnh, huyện. Không chỉ nông dân, để vải đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, cán bộ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cũng phải đi lại như con thoi giữa hai vùng vải. Họ vất vả sớm hôm hướng dẫn, kiểm tra quy trình sản xuất. Ông Phạm Nguyên Hạnh, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: “Chăm sóc vải xuất khẩu sang Mỹ công phu và tỉ mỉ hơn nhiều so với vải trồng ở các vùng khác. Bởi lẽ, chỉ sơ ý để nông dân phun thuốc không đúng thời điểm hoặc thu hoạch không bảo đảm thời gian cách ly thì không thể xuất khẩu được”.

Để chuẩn bị cho vụ vải xuất khẩu mới, những ngày cuối năm này chúng tôi lại có dịp cùng đoàn cán bộ Sở NN-PTNT về thăm vùng vải Thanh Hà. Giữa cái rét cắt da, cắt thịt, những cây vải vẫn căng đầy sức sống, những vạt lá xanh um, tươi tốt. Các khu vườn đã được dọn dẹp sạch sẽ để đón đoàn kiểm tra của Bộ Nông nghiệp Mỹ. Trò chuyện với bà con nông dân Thanh Thủy, chị Lương Thị Kiểm, Trưởng Phòng Trồng trọt (Sở NN-PTNT) nhớ lại: “Có mặt trong chuyến kiểm tra cấp mã số vùng trồng vải xuất khẩu đi Mỹ vừa qua có lúc cháu lặng người khi một thành viên của Cơ quan Kiểm dịch Mỹ lắc đầu khi thấy nông dân vẫn thả gà trong vườn vải. Tưởng như cơ hội đưa vải Hải Dương sang Mỹ đã tuột khỏi tầm tay. Vậy mà, 4 giờ chiều hôm sau khi mở email, cháu sung sướng reo lên vì nhận quyết định của Bộ Nông nghiệp Mỹ cấp 2 mã vùng cho người trồng vải tỉnh ta. Năm nay, cháu hy vọng bà con mình vẫn làm tốt những quy định của phía Mỹ để quả vải xuất khẩu thuận lợi”. Nghe vậy, bà Nguyễn Thị Lụa, nông dân vùng vải xuất khẩu Thanh Thủy tiếp lời: “Năm nay không cần cán bộ đến hướng dẫn chúng tôi cũng đã thuộc làu làu những quy định trồng vải xuất khẩu”. Nói xong, bà Lụa về nhà lấy cho chúng tôi xem quyển nhật ký vải thiều xuất khẩu. Trên mỗi trang, bà Lụa ghi đầy đủ ngày vải ra hoa, phun thuốc, bón phân. Bà bảo: “Bán vải cho Mỹ phải khác, bây giờ cứ mở sổ là tôi biết sắp tới cần phải phòng bệnh gì, bao giờ vải cho thu hoạch”.

Để lấy lòng người Mỹ

Lô vải đầu tiên đến Mỹ suôn sẻ nhưng anh Mai Xuân Thìn, Giám đốc Công ty Rồng Đỏ vẫn chưa yên tâm. Anh bảo: “Ngay sau khi vải được phân phối đi một số điểm bán hoa quả của bang California, tôi đã yêu cầu nhân viên ngay lập tức phải đi khảo sát thị trường. Kết quả thật đáng mừng, sau khi thưởng thức vải thiều của Hải Dương, họ đánh giá rất cao về chất lượng”. Anh Thìn cho tôi số điện thoại và địa chỉ email của anh Hứa Văn Hưng, chủ sạp hoa quả tại tiểu bang Virginia (Washington D.C). Trò chuyện với anh Hưng tôi được biết vải thiều Hải Dương sang đất Mỹ khi vải Florida của họ đã hết mùa. “Mặc dù người Mỹ rất ủng hộ hàng có xuất xứ trong nước, nhất là trái vải đến từ Florida, nhưng khi nếm trái vải Việt Nam họ đã bị chinh phục bởi vị ngọt đậm và hương thơm dìu dịu của loại quả này. Tuy nhiên, vải đến từ Việt Nam bảo quản không tốt bằng quả vải từ Thái Lan nên không để được lâu. Vải mất mã cũng khiến người tiêu dùng Mỹ dè dặt. Nếu vải được bảo quản tốt hơn, tôi tin sẽ được nhiều người tiêu dùng Mỹ đón nhận”, anh Hưng cho biết.

 DSC_0625
Phóng viên Hãng thông tấn AFP (Pháp) ghi hình ngày đầu tiên thu hái vải thiều xuất khẩu đi Mỹ

Mùa vải tới, ngoài vùng vải xuất khẩu ở xã Thanh Thủy (Thanh Hà) và xã Hoàng Hoa Thám (Chí Linh), tỉnh ta sẽ mở rộng thêm 80 ha vải xuất khẩu đi Mỹ và sang nhiều thị trường khác. Các cơ quan chuyên môn của tỉnh đang tích cực vào cuộc giúp người trồng vải sản xuất những quả vải thơm, ngon, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Đại sứ Việt Nam tại Úc Lương Thanh Nghị cho biết: “Thời gian tới, tỉnh Hải Dương cần tiếp tục xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa các nhà vườn với doanh nghiệp và sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng trong việc quy hoạch vùng trồng, xử lý sau thu hoạch, đóng gói, vận chuyển, chiếu xạ, kiểm dịch… Doanh nghiệp phải giải được bài toán về chi phí. Công nghệ bảo quản ít tốn phí và vận chuyển bằng đường biển là giải pháp cần tính đến để tăng sức cạnh tranh cho quả Việt Nam ở nước ngoài”.

Con đường xuất khẩu vải thiều, nhất là sang những thị trường khó tính như Mỹ, Australia, EU, Nhật Bản không “trải hoa hồng” nhưng với quyết tâm và sự gắn bó với cây đặc sản của riêng mình, người trồng vải Hải Dương sẽ đưa được đặc sản quê hương đến khắp mọi miền của đất nước và nhiều quốc gia trên thế giới.

 

LAN ANH (baohaiduong.vn)

Năm 2015 là năm đầu tiên vải thiều của Hải Dương được xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Vải được bán tại hệ thống siêu thị California (Mỹ) có giá từ 17-19 USD/kg, tương đương 370.000 – 410.000 đồng/kg. Theo khảo sát của Công ty TNHH Rồng Đỏ, đơn vị chủ lực xuất khẩu vải của tỉnh ta sang các thị trường trên, vải thiều Hải Dương được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng, sức tiêu thụ tốt.