Niềm vui trở lại với người trồng vải Thanh Hà

Đầu ra tiêu thụ tốt trong khi sản lượng giảm đã làm giá vải thiều Thanh Hà chính vụ tăng cao. Có thời điểm, giá hơn 10 nghìn đồng/kg.


Lượng vải thu hoạch không đủ đáp ứng nhu cầu “ăn hàng” của các thương lái

Những ngày qua, giá vải thiều chính vụ ở Thanh Hà liên tục tăng khiến người trồng vải rất phấn khởi. Giá hơn 10 nghìn đồng/kg – niềm mơ ước của người trồng vải non chục năm nay đã thành hiện thực.

Sáng 21-6, dọc đường tỉnh 390, từ cầu Phú Lương (cũ) về đến cầu Hợp Thanh, hoạt động mua bán vải khá tấp nập. Khu vực mua, bán sôi động nhất diễn ra trên đoạn đường thuộc địa phận xã Thanh Xá. Những chiếc xe tải lớn xếp hàng dài chờ đủ hàng để chuyển đi bán ở các tỉnh miền Nam và xuất sang thị trường Trung Quốc.

Tại điểm thu mua của anh Tiêu Văn Chén ở ngã ba xã Thanh Xá, người dân chở vải đến bán rất đông. Cầm trên tay 1,3 triệu đồng khi vừa bán xong 1 tạ vải cho thương lái lúc 11 giờ, anh Nguyễn Viết Mạnh (ở xóm 3, xã Tân An) phấn khởi cho biết: Phải tới 6 – 7 năm nay, người dân chúng tôi mới bán được vụ vải giá cao như năm nay. Đầu vụ, giá vải chỉ từ 7.000 -8.000 đồng/kg nhưng mấy ngày nay, giá liên tục tăng. Đầu giờ sáng tôi mới bán có 11 nghìn đồng/kg nhưng bây giờ mỗi kg vải đã bán được 13 nghìn đồng, vải to, mã đẹp giá tới 15 nghìn đồng. Vui nhất là năm nay không còn tình trạng thương lái ép giá, cân điêu như mọi năm. Những năm trước, giá đã rẻ (chỉ từ 3.000 – 4.000 đồng/kg) nhưng mỗi tạ vải chỉ “ăn” 90-95kg. “Vải mất giá thê thảm kéo dài nhiều năm nên người dân xóm tôi phá khoảng 60% diện tích để chuyển sang trồng ổi, quất trái vụ. Gia đình tôi không có người làm nên vẫn duy trì trồng vải. Năm nay, 1 mẫu vườn nhà tôi ước thu khoảng 1,7 tấn quả, giá bán bình quân 11 nghìn đồng/kg, thu gần 19 triệu đồng”, anh Mạnh nói. Anh Quách Đại Xìn (xóm 1, xã Thanh Xá) phấn khởi: Những năm trước, nói bán vải cho vui chứ thực tế là dọn vườn. Giá vải rẻ, tiền bán không đủ tiền thuê người thu hoạch. Nhưng năm nay, người dân chúng tôi rất phấn khởi vì giá vải khá cao. Nguyên nhân là do nhiều năm giá vải rẻ, người dân chặt bỏ để chuyển sang trồng các loại cây khác như quất, ổi, na… Những người trồng vải cũng bỏ mặc, không chăm bón nên năng suất thấp, chỉ bằng 80% so với những năm được mùa.

Mặc dù gần trưa nhưng lượng người chở vải đến bán vẫn rất đông, song cũng không đủ cho thương lái thu mua. Người dân thoải mái lựa chọn bán cho các điểm thu mua nào có giá cao và loại vải kém chất lượng ít hơn. Anh Tiêu Văn Chén cho biết: “Tôi làm nghề thu mua vải được hơn 10 năm. Thị trường của tôi từ TP Vinh (Nghệ An) đến TP Hồ Chí Minh. Mỗi ngày, chúng tôi thu mua từ 10-15 tấn vải quả, đóng thùng rồi chuyển đi bán. Năm nay, giá vải khá cao, bình quân gấp hơn 3 lần so với vài năm trước. Tình hình tiêu thụ trong nước rất tốt, người dân rất thích loại hoa quả đặc sản này, đặc biệt vải Thanh Hà. Đầu ra tiêu thụ tốt nên có nhiều thương lái thu mua. Có những hôm cuối ngày chưa mua đủ số lượng, chúng tôi phải mua với giá cao để đủ chuyến xe. Theo nhận định của tôi, giá vải sẽ còn tiếp tục tăng khi đang vào giai đoạn nửa cuối mùa”.

Các điểm thu mua của thương lái Trung Quốc giá cao hơn từ 3-4 nghìn đồng/kg

Rời điểm thu mua vải của anh Chén, chúng tôi đến một điểm thu mua của thương lái người Trung Quốc được đặt tại nhà anh Nguyễn Văn Toản (xóm 3, xã Thanh Xá). Điểm khác biệt ở đây là giá vải cao hơn các điểm thu mua để bán trong nước từ 3.000 – 4.000 đồng/kg nhưng vải phải to, đều, mã đẹp, không sâu. Theo chị phiên dịch, thương lái người Trung Quốc tên Uây Pheng, người ở tỉnh Phúc Kiến cùng 2 người bạn về Thanh Hà hơn 10 ngày nay để thu mua vải, sau đó vận chuyển qua cửa khẩu Lạng Sơn, bán vào thị trường Trung Quốc. Mỗi ngày, họ thu mua từ 12-15 tấn vải quả. Qua phiên dịch, anh Uây Pheng cho biết: “Những năm trước, chúng tôi thường thu mua vải ở một số nơi khác. Tuy chất lượng vải ở đó không bằng vải Thanh Hà nhưng mẫu mã lại đẹp hơn. Vải chúng tôi mua về chủ yếu bán trong siêu thị nên ngoài chất lượng, mẫu mã cũng hết sức quan trọng. Tuy nhiên, vài năm nay, người tiêu dùng Trung Quốc mới biết đến Thanh Hà chính là nơi trồng vải thiều cho chất lượng tốt nhất qua các chương trình quảng bá, xúc tiến thương mại. Đặc biệt, từ khi vải Thanh Hà được chứng nhận chỉ dẫn địa lý nên họ rất thích ăn. Để chứng minh là vải thiều Thanh Hà, chúng tôi phải dán lô-gô chỉ dẫn địa lý kèm theo chú thích bằng tiếng Anh, tiếng Trung vào các thùng đựng vải. Kinh nghiệm nhiều năm buôn bán vải, tôi khẳng định, chất lượng vải thiều Thanh Hà không đâu sánh được nhưng hạn chế là mã chưa đẹp – điều này người trồng vải hoàn toàn có thể khắc phục được”.

Chứng kiến các thương lái Trung Quốc cân vải, chúng tôi thấy họ rất thích mua vải trồng theo tiêu chuẩn VietGap. Xe vải của ông Đoàn Văn Chuông (ở thôn Tráng Liệt, xã Thanh Sơn) quả không to nhưng sau khi chứng minh được là vải trồng theo tiêu chuẩn VietGap, thương lái Trung Quốc vẫn mua với giá bằng vải loại đẹp.

Bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà cho biết, năm nay, sản lượng vải toàn huyện ước đạt 25 nghìn tấn, trong đó vải sớm khoảng 7.000 tấn, vải thiều từ 17 – 18 nghìn tấn, giảm gần 6.000 tấn so với vụ vải năm trước. Những năm qua, vải mất giá mạnh là do trước đó người dân ồ ạt trồng vải không theo quy hoạch. Thời điểm cao nhất, Thanh Hà có 6.840 ha vải nhưng nay chỉ còn 3.986 ha (gần 1.000 ha vải sớm, 3.000 ha vải thiều), giảm 2.854 ha. Năng suất vải năm nay giảm khoảng 20%  so với các năm trước. Đây là nguyên nhân khiến giá vải tăng cao. Ngoài ra, để tìm đầu ra cho quả vải, những năm qua, huyện đã tổ chức nhiều chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá vải thiều Thanh Hà đến người tiêu dùng trong và ngoài nước. Các phòng, ban chuyên môn của huyện tổ chức nhiều chương trình hỗ trợ, hướng dẫn bà con nông dân sản xuất vải chất lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

PV

 

Theo quan sát của phóng viên, tại khu vực xã Thanh Xá có khoảng 20 điểm thu mua vải với số lượng lớn, trong đó có khoảng 7 – 8 điểm thu mua bán sang Trung Quốc, còn lại bán thị trường trong nước. Bình quân mỗi ngày, các điểm thu mua khoảng 200 tấn vải. Người trồng vải từ tất cả các xã, thị trấn trong huyện đều đổ về đây bán vải. Nhiều người trồng vải cho biết, đến thời điểm này, sản lượng vải thu hoạch ước đạt 60%. Thời gian thu hoạch dự kiến kéo dài khoảng từ 7 – 10 ngày nữa.