Nông dân Thanh Hà cơ bản thu hoạch xong vải thiều từ ngày 22-6. Đến nay, chỉ còn một ít hộ có vải bán. Qua đánh giá sơ bộ, mùa vải năm nay thắng lợi.
Vải thiều cuối mùa ở Thanh Hà có giá từ 20-22 nghìn đồng/kg
Trung bình từ 11-16 nghìn đồng/kg
Huyện Thanh Hà hiện có 2.975 ha vải thiều. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, năm nay, sản lượng vải thiều đạt 13 nghìn tấn, cao hơn năm trước khoảng 2.000 tấn. Giá vải quả bán trung bình từ 11-16 nghìn đồng/kg, là được giá đối với người trồng vải.
Hai năm trở lại đây vải thiều được giá. Với gần một mẫu vải thiều, năm nay ông Trần Văn Quang ở thôn Tráng Liệt, xã Thanh Sơn thu được gần 3 tấn vải. Ông Quang cho biết: “Trước đây, tôi trồng khoảng 2 mẫu, nhưng một số năm trước do hiệu quả kinh tế không cao nên tôi đã chặt bớt. Hai năm nay vải được giá nên tôi và gia đình tập trung chăm sóc cho cây vải nhiều hơn. Năm nay, tôi thu lãi hơn 60 triệu đồng từ vải thiều”. Chị Phạm Thị Liêm ở thôn An Lão, xã Thanh Khê không giấu nổi niềm vui vì một mùa vải lãi lớn: “Tôi trồng gần 2 mẫu vải thiều, thu được hơn 6 tấn quả, trong đó có hơn 3 tấn vải được trồng và chăm sóc theo hướng VietGAP. Năm nay, sau khi trừ chi phí tôi thu lãi được hơn 50 triệu đồng, gấp 3 lần năm ngoái. Ngoài ra, tôi còn để hơn 2 tấn vải quả để sấy khô”. Chị Liêm cho biết thêm, một vài năm gần đây chị thường xuyên học hỏi kinh nghiệm chăm sóc vải từ cán bộ chuyên môn, nhất là cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện. Chỉ cần thời tiết thay đổi, chị liên hệ ngay với cán bộ phòng để hỏi cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho phù hợp. Riêng 1,4 mẫu vải thiều trồng theo hướng VietGAP chị chăm sóc đúng quy trình. Từ khi vải bắt đầu có hạt, cứ 7 ngày chị phun thuốc phòng trừ sâu bệnh cho vải theo hướng dẫn và ngừng phun thuốc trước khi thu hoạch 20 ngày. Khi chúng tôi hỏi tại sao chị lại quan tâm chăm sóc vải như vậy trong khi nhiều người vẫn đang chặt bỏ, chị Liêm cho biết: “Trồng cây rất dễ, nhưng để cây cho quả ngon, ngọt và đẹp thì phải có kỹ thuật. Tôi chỉ nghĩ mình đã trồng được gần 2 mẫu vải rồi thì phải chăm sóc thật tốt. Nếu không làm được thì mình nhờ cán bộ chuyên môn giúp. Đúng là trời không phụ lòng người, vải trong vườn của tôi vừa to vừa đẹp, ai đến mua cũng khen. Hai năm nay vải lại được giá nên tôi mừng lắm”. Hiện nay, diện tích trồng vải của gia đình chị Liêm đã được chăm sóc, cắt tỉa cành.
Huyện Thanh Hà hiện có 37 ha vải được trồng theo quy trình VietGAP trong vùng dự án ở 2 xã Thanh Sơn và Thanh Khê. Nhiều hộ dân đã mạnh dạn áp dụng quy trình sản xuất vải theo hướng VietGAP ngoài vùng dự án với quy mô 28 ha, tập trung ở xã Thanh Xá và một số xã khác như Hợp Đức, Thanh Sơn, nâng tổng diện tích vải sản xuất theo quy trình VietGAP lên 65 ha.Qua kiểm tra cho thấy, các chỉ tiêu về kim loại nặng, chất độc hại, nitrat, vi sinh vật, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật của vải trồng theo quy trình VietGAP đều dưới ngưỡng cho phép, bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm. Tỷ lệ sâu bệnh gây hại trong vùng sản xuất theo hướng VietGAP thấp hơn rất nhiều so với ngoài vùng. Việc cắt tỉa và vệ sinh vườn cây sau khi thu hoạch cũng được các hộ thực hiện theo quy trình. Năm nay, sản lượng vải trồng theo quy trình VietGAP đạt gần 700 tấn. Giá bán vải VietGAP cao hơn so với vải đại trà từ 10-15%, bình quân đạt 15-18 nghìn đồng/kg.
Cần được quan tâm hơn
Vải thiều Thanh Hà đã có thương hiệu. Tuy nhiên, nhiều thương lái đến đây mua vải vẫn phải ra về với xe không, thùng rỗng do sản lượng vải ít, không đủ cho xe tải trọng lớn. Nhiều thương lái cả ngày chỉ thu mua được 5-7 tấn vải, trong khi xe công-ten-nơ lớn phải chở được 15-20 tấn. Bà Quách Thị Ngợi, chủ cơ sở thu mua vải ở thôn 3, xã Thanh Xá cho biết: “Tôi làm nghề thu mua vải 30 năm nay, nhưng hầu như năm nào vải Thanh Hà cũng không đủ cho một xe có tải trọng lớn. Tôi phải bắt mối với các xe nhỏ chở vải đi tiêu thụ”. Cứ đến mùa vải thiều, mỗi ngày bà Ngợi thu mua hơn 30 tấn, nhiều lúc phải đi các xã để thu gom vải cho vừa chuyến xe xuất khẩu. Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Hà cho biết: “Năm nay, sản lượng và chất lượng vải thiều đã được nâng cao rõ rệt, nhiều thương lái về thu mua. Giá vải cao hơn năm ngoái từ 10-15%, do đó lợi nhuận của người nông dân cũng tăng lên đáng kể. Riêng vải trồng theo quy trình VietGAP bảo đảm chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm. Thời gian tới, phòng tiếp tục triển khai kế hoạch trồng vải theo hướng VietGAP ở xã Thanh Thủy. Vận động nông dân duy trì diện tích và tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm”.
Để vải thiều Thanh Hà có được thị trường tiêu thụ rộng rãi, ổn định hơn, tỉnh và huyện Thanh Hà phải có biện pháp chỉ đạo, quan tâm hơn nữa trong việc chăm sóc vải và định hướng tiêu thụ. Các ngành cùng vào cuộc hỗ trợ tiêu thụ để vải thiều Thanh Hà xứng đáng là sản phẩm chất lượng, uy tín cả trong và ngoài nước. Các ngành chuyên môn nâng cao trách nhiệm, vận động người trồng vải giữ ổn định diện tích, tập trung chăm sóc vải để đạt được hiệu quả tốt nhất.
MINH NGUYỆT