Vùng đất Thanh Hà (Hải Dương) xưa nay nổi tiếng với đặc sản vải thiều song có lẽ ít người biết về cây vải hàng trăm năm tuổi đã làm nên thương hiệu cho loại vải ở đây.
Một chùm vải sai trĩu khi còn xanh.
Huyện Thanh Hà nằm cách thành phố Hải Dương khoảng 17km về phía Đông Nam theo đường tỉnh lộ 390.
Vào tầm tháng 5 và tháng 6, Thanh Hà nhộn nhịp khách ngược xuôi đến mua vải và một điểm đến nhiều du khách không thể bỏ qua là cây vải tổ tại thôn Thúy Lâm (xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương).
Độ ngon của vải thiều Thanh Hà khó có nơi nào sánh kịp
Người trồng cây vải tổ là cụ Hoàng Văn Cơm (1848-1923) là người làng Thúy Lâm.
Tục truyền rằng, trong một lần dự tiệc tại nhà hàng ở Hải Phòng với những người Hoa kiều vốn gốc gác ở vùng Thiều Châu (tên gọi khác là Triều Châu), cụ được mời ăn loại vải ngon nên đã lấy 3 hạt ươm ở vườn nhà.
Ba hạt đều nảy mầm thành cây. Do chưa thấy được giá trị của giống vải này nên những người trong gia đình chăm bón thiếu chu đáo. Hai cây bị chết, chỉ còn sống một cây.
Cây vải tổ này chính là cây duy nhất sống sót. Do xuất phát từ vùng Thiều Châu nên gọi là vải thiều.
Cây vải tổ được trồng ở vùng đất phù sa ven sông Thái Bình, hợp với khí hậu trong vùng nên cây phát triển tốt, cho loại quả ngon nổi tiếng mà nhân dân trong vùng hết lời ca ngợi: “Cau Phù Tải, vải Thúy Lâm”.
Nhiều người đến thắp hương cụ Hoàng Văn Cơm tại nhà thờ tổ khi tới thăm đất vải. Ảnh: Báo tin tức
Vải Thuý Lâm hạt nhỏ, cùi dày, ăn rất thơm và ngọt lịm như đường, không có vải nơi nào sánh được.
Theo thông tin trên tờ An ninh tiền tệ, năm 1958, khi thưởng thức vải Thúy Lâm, Bác Hồ đã khen giống vải quý ăn rất ngon và khuyên bà con nên phát triển trồng giống vải quý này.
Đến thập niên 1960, từ phong trào làm vườn hợp tác và Tết trồng cây do Bác Hồ khởi xướng, vải Thuý Lâm được nhân giống tích cực ở các xã trong huyện và một số huyện ngoài, tỉnh ngoài. Thương hiệu vải Thanh Hà ra đời.
Từ cây vải quý đầu tiên, cụ Cơm chiết cành ra vườn nhà, tặng cho nhân dân trong làng, xã. Thanh Hà từ một vùng chuyên trồng cau và cam ngọt dần thành vùng chuyên canh vải.
Từ đó, giống vải quý được nhân rộng ra nhiều địa phương khác như: Lục Ngạn (Bắc Giang), xã Bát Trang (huyện An Lão, TP.Hải Phòng)…
Dù đã hàng trăm năm tuổi nhưng năm nào vải tổ cũng cho ra những trái ngọt. Ảnh: Báo Hải Dương
Đến nay, cây vải Tổ đã hơn 200 năm tuổi nhưng chưa có biểu hiện cằn cỗi. Gốc cây to xù xì bám chặt đất. Hàng chục cành cây như những cánh tay khổng lồ rắn chắc vươn xa tạo bóng mát khắp vườn.
Cây vải tổ hiện có 5 nhánh “khủng” ở phía sau đền thờ cụ Cơm, quanh đó còn có 2 cây vải hàng “con cháu” cũng rất lớn.
Ông Hoàng Văn Thu là cháu bốn đời của cụ tổ Hoàng Văn Cơm, năm nay 84 tuổi giới thiệu với du khách
về cây vải tổ có cách đây hơn 200 năm. Ảnh: Báo tin tức
Theo báo Hải Dương, năm nào cây vải tổ cũng cho quả. Năm nhiều khoảng hơn tạ, năm ít cũng một vài chục cân. Quả của cây vải tổ vỏ đỏ hơn các cây khác, nhỏ nhưng cùi dày, bóc ráo nước. Ăn thấy giòn và ngọt, vị đậm đà đọng mãi nơi đầu lưỡi.
Tổng hợp (soha.vn)