Cây vải tổ ở Thanh Hà: Được công nhận là “Cây vải thiều lâu năm nhất”

Cây vải thiều tổ này đã có từ cách đây gần 200 năm, tạo sức thu hút nhiều khách du lịch về với quê hương vải thiều Thanh Hà.

congbo
Đại diện tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao bằng xác nhận Kỷ lục Việt Nam “Cây vải thiều lâu năm nhất
(cây vải tổ)” cho UBND huyện Thanh Hà

Sáng 8 – 1, tại huyện Thanh Hà, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công bố quyết định công nhận Kỷ lục Việt Nam “Cây vải thiều lâu năm nhất” cho cây vải tổ ở thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn (Thanh Hà).

Theo tài liệu còn lưu giữ, cây vải tổ được trồng cách nay gần 200 năm. Người đầu tiên có công mang giống vải thiều về trồng ở thôn Thúy Lâm là cụ Hoàng Văn Cơm, sinh ngày 10 – 5 Mậu Tuất (1848) tại làng Thúy Lâm, tổng Lại Xá (nay thuộc xã Thanh Sơn). Năm 1870, trong một lần đi dự tiệc của người Hoa kiều tại Hải Phòng, được ăn một loại quả ngon, cụ Cơm mang 3 hạt về ươm thử trong vườn nhà. Do hợp thổ nhưỡng, cả 3 hạt đều nảy mầm, trong đó có 1 cây cho quả với hương vị thơm ngon đặc biệt. Do quả được hái từ cây vải có nguồn gốc ở vùng Thiều Châu (Trung Quốc) nên được gọi là vải thiều. Từ cây vải đầu tiên này, giống vải quý đã được nhân rộng, trở thành cây đặc sản ngon có tiếng của đất Hải Dương. Hiện tại, gia đình ông Hoàng Văn Thu là cháu nội của cụ Hoàng Văn Cơm đang chăm sóc cây vải tổ trên mảnh đất được thừa kế.

Việc cây vải tổ được công nhận Kỷ lục Việt Nam “Cây vải thiều lâu năm nhất” góp phần quảng bá thương hiệu vải thiều Thanh Hà, thúc đẩy khai thác tiềm năng du lịch sinh thái miệt vườn, sông nước, thu hút khách tham quan tìm hiểu vùng đất đậm nét đặc trưng văn hóa đồng bằng Bắc Bộ.

VỊ THỦY (baohaiduong.vn)