Chùa Hiền hay còn gọi là Trung Hoa tự, là một trong hai ngôi chùa lớn của thôn Nhân Hiền xã Hợp Đức. Trải qua hàng trăm năm tồn tại với thời gian, ngôi chùa vẫn giữ nguyên được những nét kiến trúc nghệ thuật độc đáo, thể hiện được sự sáng tạo và bàn tay khéo léo của người xưa.
Chùa Hiền đã có niên đại gần 300 năm
Chùa Hiền tọa lạc ở giữa làng Nhân Hiền, nằm khép mình trong những vườn cây ăn quả yên bình của làng quê Hợp Đức. Ngôi chùa cổ kính, rêu phong, có thiết kế độc đáo, mọi chi tiết gần như còn nguyên vẹn. Giữa không gian tĩnh lặng của chốn tâm linh, mùi hương trầm quện vào những câu kinh, tiếng mõ, như đưa con người ta trở về thuở xa xưa.
Dẫn chúng tôi đi thăm quan một vòng quanh chùa, ông Đồng Đức Trọng – 74 tuổi một cao niên trong làng giới thiệu cho chúng tôi từng chi tiết của ngôi chùa và nguồn gốc của từng hiện vật ở nơi đây. Ông Trọng là người đã có công rất lớn trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị của khu di tích.
Ông bảo, ngôi chùa có kiến trúc đẹp tồn tại được đến ngày hôm nay, một phần là do được xây dựng lên từ những chất liệu tốt, cùng với sự gìn giữ và bảo tồn của người dân trong làng, đặc biệt ngôi chùa may mắn chưa bị trúng một mảnh bom, viên đạn nào. Ông Trọng kể, những năm có bão lớn, nhà cửa, cây cối của người dân trong làng bị bão quật đổ hết, cả làng lại lũ lượt kéo nhau ra chùa để trú ẩn. Trải qua bao phong ba, bão tố, ngôi chùa vẫn hiên ngang cùng tuế nguyệt.
Mọi chi tiết của ngôi chùa hầu như vẫn còn nguyên vẹn
Căn cứ vào văn bia “Trung Hoa Bài Tự” hiện còn lưu giữ tại chùa, ghi nhận việc tu tạo chùa của Tỳ khưu Tăng Thông Đức và dựa trên kết cấu kiến trúc của chùa hiện còn. Xác định di tích được xây dựng vào thời Hậu Lê cuối thế kỷ 18, cách đây gần 300 năm, chùa thờ Phật theo Thiền phái Đại Thừa.
Chùa Hiền là khu di tích lớn, nằm trên khuôn viên rộng trên 3.000 m2, trong đó có khu chùa chính, một nhà tổ và một đình thờ Thành hoàng làng phía sau chùa. Trong khuôn viên chùa có 1 cây bàng và 1 cây đa cổ thụ, ước chừng trên 100 tuổi. Vào thời Nguyễn, chùa đã được tu bổ, tôn tạo nhiều lần. Sau năm 1954, chùa tiếp tục được nhân dân địa phương công đức tu bổ, tôn tạo.
Chùa có kết cấu kiến trúc kiểu chữ Công, đây là lối khiến trúc khá độc đáo so với các ngôi chùa cổ ở Hải Dương. Gồm 5 gian tiền đường, 3 gian ống muống và 3 gian hậu cung, nối liền với nhau tạo thành không gian thờ tự khép kín, mặt tiền quay về hướng chính Tây.
Mặt sau của ngôi chùa
Nhà tiền đường làm bằng gỗ lim, tường xây gạch, lợp ngói mũi truyền thống, dài 12,45m, rộng 5,92m. Tiền đường gồm 6 vì kèo liên kết với nhau theo kiểu “kèo tàu cánh báng”. Hệ thống giằng ngang của ngôi chùa với lối ghép “Thượng tam Hạ tứ”. Chất liệu gỗ của di tích chủ yếu là gỗ tứ thiết, do vậy ngôi chùa mới đứng vững cho tới ngày hôm nay.
Phần tường trước đây được bao hoàn toàn bằng gỗ, nhưng do thời gian tàn phá, sau này được xây lại bằng gạch chỉ. Hệ thống đao mái uốn cong, tại 4 đao góc của chùa được đắp mềm mại, rất tinh sảo, đạt trình độ cao. Hệ thống bờ nóc, bờ chảy được ghép hoa thị. Ngôi chùa gồm 8 mái, trong đó mái gian đầu, gian cuối quay hướng Đông – Tây, còn lại quay hướng Nam – Bắc. Chỉ quan sát bộ mái của chùa, đã thấy được đây là một công trình nghệ thuật có giá trị.
Nối với tiền đường là 3 gian ống muống, với hai hàng cột gỗ lim vững chắc, tạo thành hai lối đi ở hai bên thông xuống hậu cung. Tòa hậu cung dài 7,97m, rộng 5,12m, kiến trúc tương tự các gian tiền đường, nhưng được thu nhỏ lại thành 3 gian.
Chuông đồng thời Nguyễn
Là một ngôi chùa cổ, có nhiều di vật quý, nhưng do thăng trầm của lịch sử, một số hiện vật đã bị thất lạc. Hiện nay, chùa còn lưu giữ được 1 quả chuông đồng Niên hiệu Bảo Đại thứ 12 (1937), cao 93 cm, miệng chuông rộng 46,5 cm; một số bát hương bằng gốm, sứ thời Nguyễn; 1 bia Trung Hoa Bài Tự, niên hiệu Bảo Đại, được dựng vào mùa đông năm Kỷ Mão 1939. Nội dung trên bia ca ngợi phong cảnh của chùa và công đức của vị Tỳ khưu và nhà sư đã có công tu bổ chùa, đúc chuông và ghi tên những người công đức; 1 trụ Thiên Đài bằng đá thời Hậu Lê cao 165 cm, rộng 35 cm, dày 36 cm, nội dung ghi nhớ công đức ngàn năm của Đức phật và của nhân dân có công xây dựng, tu tạo ngôi chùa…
Do không chịu ảnh hưởng của chiến tranh, giặc giã, nên hầu hết các kiến trúc của khu di tích còn rất nguyên vẹn. Vì vậy năm 2006, chùa được UBND tỉnh ra Quyết định công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Hiển – Trưởng thôn Nhân Hiền, Phó ban quản lý di tích chùa Hiền cho biết: “Trong những năm qua, chính quyền địa phương cũng như nhân dân, phật tử, con em quê hương đã rất quan tâm đến việc trùng tu, tôn tạo và bảo tồn những giá trị văn hóa nghệ thuật của ngôi chùa cũng như của khu di tích. Tiến hành mở rộng và bê tông hóa đường vào chùa; xây tường hoa sân tiền sảnh; củng cố hệ thống điện chiếu sáng, cây xanh; xây dựng Đình, Giếng chùa… với kinh phí hàng tỉ đồng.”
Trụ Thiên Đài có từ thời Hậu Lê
Để gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của ngôi chùa. Cứ 3 năm một lần, làng Nhân Hiền lại tổ chức lễ hội truyền thống chùa Hiền vào ngày 20 và 21 tháng 2 âm lịch. Lễ hội gồm các hoạt động như: dâng hương cúng phật, cúng tổ, giao lưu văn nghệ; tổ chức các trò chơi dân gian như: đi cầu thùm, bắt vịt, úp cá…
Ông Nguyễn Văn Hiển – Trưởng thôn Nhân Hiền, Phó ban quản lý di tích chùa Hiền cho biết thêm: “Trong thời gian tới, ban quản lý di tích cũng như nhân dân, phật tử địa phương luôn xác định, phải bảo quản, giữ gìn và phát huy những giá trị sẵn có của khu di tích. Đồng thời đề nghị với cấp trên cho phép tu sửa, nâng cấp một số hạng mục đã xuống cấp để đảm bảo cho việc sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân và phật tử xa gần.”
Đức Anh