Chùa Minh Khánh còn gọi chùa Hương Đại, thờ Phật và đức vua Trần Nhân Tông; được công nhận Di tích Lịch sử – Văn hóa Quốc gia năm 1990. Địa chỉ: phố Trần Nhân Tông, thị trấn Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Toạ độ: 20°54’11″N 106°25’43″E, cách Hồ Gươm khoảng 75km về phía đông.
Từ Hà Nội du khách theo đường QL5, qua Hải Dương rồi qua ga Tiền Trung rẽ phải đi tiếp chừng 9km trên đường đê ĐT390B thì đến nơi.
Giếng chùa Minh Khánh. Photo ©NCCong 1-2015
Lược sử
Chùa Minh Khánh còn gọi chùa Hương Đại nằm ở làng Bình Hà nay thuộc thị trấn Thanh Hà, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương, một vùng vải thiều tươi tốt. Tương truyền chùa được xây dựng vào thời Lý – Trần. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa tìm thấy chứng tích cho biết năm ra đời chính xác, ngoài việc chùa đã được tôn tạo trùng tu nhiều lần vào các thế kỷ 16, 17, 18, 19.
Lễ hội chùa Minh Khánh năm 2012. Ảnh: Ngô Thê Vinh
Sự kiện lớn hàng năm của thị trấn Thanh Hà là lễ hội chùa Minh Khánh kéo dài 3 ngày liền. Chính hội tổ chức vào ngày 1/11 Âm lịch, kỷ niệm ngày đức vua Trần Nhân Tông viên tịch trên núi Yên Tử. Phần lễ có lễ rước sắc, lễ rước mâm ngũ quả, lễ mộc dục và lễ tế. Phần hội có các trò chơi như đấu cờ người, múa rối nước, diễn chèo, hát quan họ, thi mâm ngũ quả và thi làm bánh dầy. Hàng vạn già trẻ gái trai sở tại cùng quan dân thập phương tụ tập về đây tỏ lòng kính trọng và biết ơn vị anh hùng dân tộc.
Sân tiền đường và ngõ chùa Minh Khánh. Photo ©NCCong 1-2015
Sau lần đại trùng tu gần đây vào đầu thiên niên kỷ thứ ba, chùa Minh Khánh hiện có đầy đủ các công trình khang trang trong một khuôn viên rộng hơn 1ha, cảnh quan đẹp đẽ. Bên trong chùa còn bảo toàn được hệ thống tượng Phật, vườn tháp cổ và các di vật khác. Năm 1990 chùa đã được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia.
Hậu cung và nhà Tổ chùa Minh Khánh. Photo ©NCCong 1-2015
Kiến trúc
Đi từ phố xá vào chùa Minh Khánh, trước tiên ta thấy một tam quan mái chồng diêm cao ba tầng, sau đó là sân gạch rất dài đi qua bên cái giếng tròn rất to có tường xây bao quanh và hai tấm bia mới. Tiếp theo du khách đi vào chùa trong qua một cổng ngách khá khiêm tốn ở ngay cạnh tiền đường 7 gian cửa bức bàn, bên kia xa hơn chút là tòa phương đình 3 tầng 12 mái đồ sộ.
Vườn tháp chùa Minh Khánh. Photo ©NCCong 1-2015
Chùa có mặt bằng theo kiểu “nội Công ngoại Quốc” truyền thống, sau tiền đường là tòa thiêu hương rồi đến thượng điện. Liền với gian bên phải tiền đường là hành lang kéo dài xuống Tổ đường, chỉ thiếu một hành lang đối diện ở vị trí áp lưng vào vườn tháp mộ. Vườn tháp, phương đình cùng các nếp nhà khác nằm vây quanh một sân gạch rất rộng ăn thông ra phía sau chùa. Khu vực cuối cùng này cũng rất rộng và có một hòn núi giả mới đắp khá dài.
Phương đình chùa Minh Khánh. Photo ©NCCong 1-2015
Chùa chính được bài trí theo kiểu “tiền Phật hậu Thánh” kết hợp tư tưởng “tam giáo đồng nguyên”. Phía trước là chính điện, bao gồm các tượng Phật giáo Bắc tông, hầu hết được đúc mới bằng đồng. Phía sau trên bệ rất cao có một khám thờ bằng gỗ, bên trong đặt tượng đức Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông để ria mép, đội mũ miện và mặc áo cà sa, có lẽ để thể hiện trạng thái đang sắp chuyển hóa từ vua thành Phật.
Khám thờ Phật hoàng ở chùa Minh Khánh. Photo: ©NCCong 1-2015
Di sản
Theo sử sách và truyền thuyết, khi nhà Nguyên sang xâm lược nước ta lần thứ 3 vào năm 1287, vua Trần Nhân Tông đã từ Tràng An đến hội quân với Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn đang đóng tại đây. Trước ngày xuất quân, đức vua lập đàn tế trời Phật rồi cắt máu ăn thề trước cửa chùa với quyết tâm tiêu diệt giặc Nguyên Mông. Tại vùng Bình Hà, ngày nay còn lưu lại các địa danh như giếng Ngự Dội (giếng vua tắm), đống Quan Cư (gò đất quan ở), kho Gạo (kho quân lương)…
Trong tiền đường chùa Minh Khánh. Photo ©NCCong 1-2015
Sau chiến thắng, Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông, xuất gia tu hành và trở thành Tổ đầu tiên của Thiền phái Trúc Lâm. Có lần Ngài quay về chùa Hương Đại để thuyết pháp và nhân đó đã đặt tên chữ cho chùa là Minh Khánh Tự. Hiện trong chùa còn lưu giữ một hộp đựng 9 viên xá lỵ của Ngài cùng 16 tấm bia và 13 đạo sắc phong của các vua chúa thời Lê trung hưng và thời Nguyễn.
Phật điện chùa Minh Khánh. Photo: ©NCCong 1-2015
Ngài cũng để lại huyết thư tại chùa, dấu tích là một tháp nhỏ trước tiền đường, mang tên “Lưu Huyết Thư Tháp”. Từ đó đến nay, ngôi chùa luôn luôn được nhân dân coi là chốn linh thiêng. Trên tấm bia đá “Minh Khánh Đại Danh Lam” được khắc dựng năm Hồng Thuận thứ 3 (1511, cuối thời Lê sơ) cũng có ghi việc vua Trần Nhân Tông đặt tên cho chùa và lưu huyết thư.
Hành lang chùa Minh Khánh. Photo ©NCCong 1-2015
Một đoạn của văn bia nói trên viết như sau: “Tiên triều vua Trần Nhân Tông đã tu hành ở đây mà huyết thư còn lưu, đương thời coi là “Tiểu Tây Phương”. Một lâu đài quý báu nơi Trúc Quốc, sáng rực hoa soi. Lúc đó, đã có sư tiểu sớm hôm đèn hương, quét tước, nhân dân phụng thờ, tiếng tăm rộng khắp xa gần…”. Hai sắc phong của vua Lê năm Vĩnh Khánh thứ ba (1731, Lê Duy Phường) và năm Cảnh Hưng nguyên niên (1740, Lê Hiển Tông) cũng ghi: “Triều Trần Hoàng đế, Thiền sư Nhân Tông tu hành, huyết thư lưu ở bài vị”.
Do những giá trị về lịch sử và kiến trúc, từ đầu TK20 Viện Viễn đông Bác cổ đã lập hồ sơ về chùa, và ngày 16-5-1925 Toàn quyền Đông Dương đã ký văn bản xếp hạng Minh Khánh Tự. Đây là một trong 4 ngôi chùa của tỉnh Hải Dương được xếp hạng di tích văn hóa – lịch sử – kiến trúc vào thời kỳ Pháp thuộc. Sau này chùa đã được trùng tu dựa theo hồ sơ nói trên.
Đông Tỉnh (vanhien.vn)