Xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, những năm qua huyện Thanh Hà đã tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, phát huy kinh nghiệm canh tác cây ăn quả, coi phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường và đặc trưng của từng vùng là hướng đi quan trọng trong phát triển kinh tế của huyện.
Đề án “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng đạt giá trị kinh tế cao giai đoạn 2011-2015” là một trong 15 đề án được huyện xây dựng nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 23. Thực hiện đề án này, 5 năm qua, ở Thanh Hà hình thành nhiều vùng chuyên canh cho thu nhập khá như vùng vải sớm khu Hà Đông, vải thiều khu Hà Nam, vùng ổi Liên Mạc, Thanh Xuân, Thanh Lang, vùng quất Cẩm Chế, Thanh Sơn, rau màu Tiền Tiến, Quyết Thắng, Thanh Hải; khu Hà Tây, Hà Bắc chuyên canh lúa; vùng lúa kết hợp khai thác rươi, cáy ở Thanh Xuân, Vĩnh Lập… Song song với việc quy hoạch vùng sản xuất, huyện đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại và nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp theo hướng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp an toàn. Với các giải pháp đồng bộ, giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất nông nghiệp của Thanh Hà hiện đã đạt 130 triệu đồng/năm, vượt chỉ tiêu 75 triệu đồng/ha/năm Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 23 đề ra.
Cùng với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, Thanh Hà quan tâm phát triển kinh tế trang trại, mở rộng các mô hình chăn nuôi theo hướng công nghiệp. Giá trị sản xuất bình quân của mỗi trang trại đạt 3,74 tỷ đồng/năm.
Về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, toàn huyện đã đạt 351 tiêu chí, tăng 201 tiêu chí so với năm 2010. Năm 2014, Thanh Bính là xã đầu tiên trong huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Hiện 8 xã đã đạt 15-17 tiêu chí, 9 xã đạt 13-14 tiêu chí.
Đi đôi với phát triển kinh tế nông nghiệp, thời gian qua huyện Thanh Hà cũng tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Toàn huyện hiện có 2 làng nghề và 2.000 cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thu hút trên 1 vạn lao động, góp phần chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động tại địa phương. Hoạt động thương mại, dịch vụ tiếp tục phát triển cả về quy mô và hiệu quả, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất, văn hóa và đời sống của nhân dân..
Thu Cúc(theo http://www.vccinews.vn)