Khám phá du lịch Hải Dương: Thanh Hà – Mùa vải chín

Vào dịp cuối tháng 5 và tháng Sáu (dương lịch), về những xã của huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương bạn được tận hưởng cảm giác của ngày hội thăm thú, thưởng thức mùa vải chín. Cây vải như mâm xôi, với sắc quả vàng tươi, pha nét đỏ hồng trên tán lá xanh. Lên thuyền, đi theo dòng sông Hương thơ mộng, thuộc địa phận các xã khu Hà Bắc, thì ta như lạc vào vùng miệt vườn với cơ man cây và quả.

mua_vai_chin
Vải thiều ở vùng VietGAP

Nơi miệt vườn đất vải

Ai đó, có thú trải nghiệm du lịch thì nên về đây mùa vải chín. Từ quốc lộ số 5, đi theo lối cầu Phú Lương về mấy xã khu phía Tây, hoặc theo lối cầu Lai Vu về các xã ở khu phía Bắc. Có thể bạn qua các xã Trường Thành, Vĩnh Lập, Thanh Bính, Thanh Hồng, Thanh Cường, Hợp Đức, thuộc khu Hà Đông (huyện được chia làm 4 khu là Hà Nam, Hà Đông, Hà Tây và Hà Bắc). Trên mỗi con đường dài gần 30 km ấy là bạt ngàn cây vải thiều ở trong vườn nhà, bên cánh đồng rộng. Mùa này vải đang chín rộ. Cây vải như mâm xôi, với sắc quả vàng tươi, pha nét đỏ hồng trên tán lá xanh. Lên thuyền, đi theo dòng sông Hương, thuộc địa phận các xã khu Hà Bắc, thì ta như lạc vào vùng miệt vườn với cơ man cây và quả. Sông Hương, theo nghĩa chữ Hán Việt là dòng sông thơm, cùng vị ngọt, màu xanh của  vườn quả làm nên một nét đẹp kỳ thú. Tỉnh Hưng Yên có nhãn lồng được mệnh danh là xứ nhãn. Không rõ, Thanh Hà, hay rộng ra là cả tỉnh Hải Dương có nên gọi là xứ vải không? Chuyện này còn dài dài. Vào năm 1998, trong bài phỏng vấn chủ tịch huyện Thanh Hà, ông Lê Thanh Bình (nay ông là Bí thư Huyện ủy) về phát triển cây đặc sản, ông đã cho tôi một niềm tin, khi dứt khoát chuyển đổi ruộng cấy lúa sang trồng vải thiều để Thanh Hà, trong tương lai thành rừng vải ở đồng bằng châu thổ sông Hồng. Thời gian đã hơn mười lăm năm, cây vải ở đây cùng với ổi, đu đủ, quất, chanh, gấc, chuối và những cây khác đã hình thành khu rừng đa dạng sinh học. Cũng phải mở ngoặc đơn là rừng, nhưng là của trái thơm, quả chín, của tình người bộc trực, thân thiện được bảo tồn ở những làng mạc cổ kính, trong mỗi gia đình, mỗi thửa đất, mảnh vườn, chứa đựng trong lòng nó trầm tích về di sản văn hóa của tỉnh Hải Dương văn hiến.

Tuần trước, tôi và Phó Tổng biên tập phụ trách Tạp chí Văn hóa Thể thao Du lịch Hải Dương Nguyễn Tiến Quang đi cùng đoàn của Nhà văn Hoàng Quốc Hải du ngoạn trên đất vải. Về đến huyện, chúng tôi được anh Phạm Tá Sơn, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện tiếp đón. Anh giới thiệu về đặc điểm của vải thiều Thanh Hà, về vùng đất cây vải tổ, trồng vải thiều theo tiêu chuẩn VietGap. Trên xe từ trung tâm văn hóa huyện Thanh Hà tới cây vải tổ ở thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn, Nhà văn Hoàng Quốc Hải kể câu chuyện về gia đình ông “chạy” tản cư năm 1946, đi qua làng có cây vải tổ. Ngày đó cây vải trên ụ đất cao, xung quanh là mương nước. Đến cây vải tổ lần đầu, trong tình cảnh chạy loạn Tây nên lần này ông muốn được đến tận nơi để chiêm ngưỡng, tìm hiểu lịch sử cây vải tổ, giống vải thiều ngon nổi tiếng cả nước. Đường vào cây vải tổ trải nhựa phẳng nhưng hơi hẹp. Xe 7 chỗ phải đỗ cách chừng 50 mét để đoàn đi bộ. Vừa ra khỏi xe, chúng tôi gặp những đoàn khách du lịch theo từng nhóm, tay xách những túi nilông, hộp các tông đựng quả vải chín. Không chào nhau như đi chùa Hương nhưng nét mặt phấn khởi, và ánh mắt vui của khách, chúng tôi đã lây cảm giác của ngày hội thăm thú, thưởng thức trái ngọt, quả thơm. Trong khuôn viên cổ kính, từng đoàn khách thỏa thích chụp ảnh bên cây vải tổ, thăm nhà tưởng niệm cụ Hoàng Văn Cơm (người trồng cây vải tổ). Hậu duệ đời thứ 4, thứ 5 của cụ Cơm đang thân mật mời khách nếm trái vải ngắt từ cây vải tổ, từ những cây thuộc hàng con cháu trong vườn. Ông Hoàng Văn Thu, hậu duệ đời thứ 4 của cụ Cơm vừa mời khách nếm vải vừa trả lời câu hỏi về lịch sử cây vải thiều. Gia đình bác Vũ Văn Oanh ở số 485 phố Lạc Long Quân, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội sau khi nếm quả và có lẽ cả sự chân tình của gia chủ, mua 10 kg vải và xin được tự tay ngắt một chùm quả từ cây vải tổ mang về Hà Nội. Hai ý nguyện đều được đáp ứng. Giá cả quả vải ở đây như giá ở những vườn vải trong thôn.  Vải ở đây trái cũng nhỏ, mã không đẹp như vải các vườn khác. Nhưng du khách vẫn nguyện vọng đến tận gốc để tự tay bứt hái trái trên cây vải tổ. Để có cảm giác ngưng đọng của lịch sử, được chiêm bái, được nếm thứ quả như được sản sinh từ huyền thoại. Hơn nửa tiếng ở vườn cây vải tổ, Nhà văn Hoàng quốc Hải cứ tha thẩn ngắm cây, chụp ảnh, nếm quả và hỏi chuyện hậu duệ cụ Cơm. Trước khi chào chủ vườn, ông đến bên cụ bà Thu gửi biếu ít tiền gọi là lòng thành để cụ và gia đình tùy nghi sử dụng. Cử chỉ khiêm nhường, thân mật và không phô trương, nên tôi chỉ kịp ghi vội hình ảnh. Trên xe sang khu vườn vải VietGAP ở xã Thanh Xá, tôi mở hình lưu trong máy ảnh để ông xem, giọng cảm động, ông bảo: – chú “chộp” lúc nào, nhanh thế, gửi cho anh qua đường Email.

Đến nơi vải trồng theo tiêu chuẩn VietGAP ở Thanh Xá, đường  trải nhựa, xe chạy bon bon. Khu vườn có diện tích 28ha rộng ngút tầm mắt, đẹp như bức tranh thủy mặc. Vải ở đây được chia theo lô, xung quanh có đường giao thông trải nhựa bao. Cây vải mới cao chừng gần 3 mét, tán cây che kín mặt đất, quả sai và to hơn quả ở khu cây vải tổ. Trên con đường chia lô, nhiều đôi nam thanh nữ tú dùng điện thoại, máy tính bảng iPad chụp ảnh. Cảnh này như gặp trong “đi giữa đường thơm” mà nhà thơ Huy Cận từng trải nghiệm. Chúng tôi hỏi cán bộ văn hóa xã Thanh Xá, anh Quách Đình Cảnh: khách có thể được tự tay ngắt vải, tự thưởng thức vị ngon ngọt của trái chín miệt vườn? Anh hồ hởi, hướng tay về vườn vải chín trĩu quả nói: các bác cứ tự nhiên. Người Thanh Xá đón khách du lịch mà như đón người thân. Đã vào giờ bữa ăn trưa của gia đình anh Quách Thái Dũng. Cả gia đình và người giúp thu vải quả đang bên mâm cơm nhưng khi khách đến đề nghị nhờ lên trên cao, nơi trần nhà chụp ảnh, anh vui vẻ dẫn khách lên và tạo chỗ đứng để có ảnh đẹp. Tiễn khách, anh chỉ nhờ các bác quảng bá cho vải thiều Thanh Hà.

Nhiều người thích ăn vải nơi cây vải tổ, bởi sức hấp dẫn đặc sản nơi “đất tổ’, quả nhỏ, hạt nhỏ. Quả vải thuộc khu Thanh Sơn, Thanh Khê, Thanh Xá to hơn, có độ ngọt sắc hơn, cũng được nhiều du khách lựa chọn. Người sành ăn, thường chọn cách ăn quả vừa hái từ cây xuống. Hái rồi để hơn 12 giờ thì hương thơm, vị ngon ngọt đã giảm. Còn có nhiều cách ăn như ăn quả sấy héo, sấy khô, quả để trong ngăn tủ lạnh, cùi quả ướp đường, ngâm rượu, đóng hộp. Đó chỉ là cách để dành, ăn dần hoặc gửi đi xa. Tác dụng làm thuốc của quả vải, hạt vải được ghi trong sách cổ Nam dược thần hiệu, với tên: Lệ chi 荔枝,rồi ghi tên Nôm và tác dụng: quả vải, vị ngọt tính hàn, không độc, hòa khí, thông tinh thần, trị nặng đầu, đậu sởi. Hạt vải chữa thoát vị; chữa đau thượng vị, dùng hạt quả vải, đốt tồn tính, tán bột, mỗi lần uống 4 gam với rượu nhạt. Sau này, Gs Ds Đỗ Tất Lợi, trong sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, học giả Diệp Quất Tuyền, trong sách Hiện đại thực dụng Trung dược 現代寔用中葯, đã xác định tên khoa học (Litchi sinensis Radlk, thuộc họ bồ hòn Sapindaceae), xác định thành phần hóa học: Trong áo hạt (tử y) ta thường gọi là múi (cùi) có chất đường, chủ yếu là glucoza (66%), một ít dưới dạng sacaroza (5%), protein 1,5%, chất béo 1,4%, vi ta min C (trung bình 40mg trong 100g dịch áo hạt, vi tamin C2, vi ta min A và B, hai thứ vi tamin này chỉ thấy trong áo hạt tươi, khi khô thường mất đi), axit xitric. Trong hạt vải (lệ chi hạch) có tanin 1 – 1,5%, độ tro 1-  1,2%, độ ẩm 10 – 12%, chất béo 5-  6%. Sách tiếng Việt lớp 4 tập hai tả vị ngọt ngon của trái vải, trích lời Nhà văn Vũ Bằng với tựa đề: Trái vải tiến vua: đặt lên lưỡi, cắn một miếng thì nước chan hòa, ngọt sắt, nhai thì mềm lại giòn, nhai khẽ thì chính tai mình nghe tiếng sậm sựt. Gần đây trên báo chí trung ương, địa phương, có tới hơn mười bài, nêu ý kiến về vị ngọt sắc hay ngọt sắt. Có lẽ do phương ngôn biểu đạt cảm nhận về độ ngọt của trái chín. Ở vùng quê có cây vải tổ thường dùng chữ “ngọt sắc”. Tác giả Đào Dục Tú có nhắc đến “vải tiến vua” Thanh Hà. Đây có phải là sản vật tiến vua không, cần có dẫn liệu lịch sử, nhưng cây vải cho quả ăn thì vùng châu thổ sông Hồng đã từng có vườn vải, nơi xảy ra vụ án Lệ chi viên oan khốc năm 1442. Gần đây, tôi về đình Quán Giá, nơi thờ Lý Phục Man (Phạm Tu) ở xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội. Nơi bên phải sân đình, sau nhà Tây vu có ba cây vải, gốc to cỡ 3 người ôm. Giống vải này có tên chữ là lệ chi. Vải thiều Thúy Lâm có cùng họ, cùng loài thực vật với lệ chi không?. Có lẽ để các nhà sinh vật học, nhà sử học, văn hóa học cho ý kiến thì xác đáng hơn. Đây mới chỉ điểm qua, còn cây vải, quả vải ở Thúy Lâm đã có cả một di sản vật thể và phi vật thể được ghi vào sách, được truyền khẩu.

Chuyện về 4 cây vải tổ ở thôn Thúy Lâm

Những lần điền dã ở Thúy Lâm, tôi được nghe câu chuyện về cây vải tổ.  Người kể câu chuyện này là ông Đỗ Văn Nhài 75 tuổi, cháu 4 đời người mang hạt về ươm trồng nên cây vải thiều. Câu chuyện được kể ở bàn tiếp khách trong sân nhà tưởng niệm cụ Hoàng Văn Cơm. Khi tôi nêu câu hỏi: có thông tin trên mạng nói cây vải tổ là ở khu từ đường gia đình có chức sắc tại thôn Thúy Lâm, cây vải trong khu tưởng niệm cụ Hoàng Văn Cơm chỉ thuộc hạng hàng “con, cháu”. Ông Nhài nghe dứt câu hỏi đã trả lời ngay: đã từng có 4 cây vải tổ, bây giờ cây vải ở đất cụ Hoàng Văn Cơm, chính là cây vải tổ duy nhất. Ở đây, trước là hai cây, sau vạc (chặt) một cây, nay còn một cây. Cùng với tôi hôm ấy còn có Luật sư Vũ Quang Thắm, Trưởng văn phòng công chứng huyện Thanh Hà, ông bà Thu (chắt nội cụ Hoàng Văn Cơm). Ông Nhài bảo: tôi biết rõ chuyện cây vải tổ, vì cụ Cơm là con rể cụ nội tôi.  Bố vợ cụ Cơm là cụ Đỗ Văn Hòa, cụ Hòa sinh cụ Thược, cụ Thược sinh cụ Bật. Cụ Bật là cha ruột tôi. Thời Pháp, cụ Bật làm chánh hội, nổi tiếng về giúp người và chơi bài, hát cô đầu (Ca trù). Riêng khoản chơi bài, cụ Bật từng thua, phải bán ngôi nhà từ đường (còn gọi là nhà tế, nơi từng trồng hai cây vải tổ). Ngày ấy, cụ Hòa cùng con rể Cơm ra Hải Phòng cắt thuốc Bắc ở hiệu người Tàu. Ông thầy Tàu quý người bệnh, cho quả vải ở đất Thiều Châu bên Trung Quốc. Cụ Hòa ăn thấy ngon, đem hạt về ươm, nẩy được 4 cây. Trồng hai cây ở phần đất nhà mình, hai cây cho con rể. Hai cây vải được các đời, cụ Thược, cụ Bật chăm sóc. Quả vải vẫn cho chất lượng ngon ngọt, hương thơm đặc trưng, nhưng đến đời ông Nhài (cách ngày nay gần 40 năm) thì chặt, do ngày ấy giá gạo cao, giá vải rẻ quá, lại tốn diện tích đất vườn. Ông Nhài dẫn tôi và Luật sư Vũ Quang Thắm tới khu đất từng hiện hữu hai cây vải tổ. Khu đất rộng hơn 6 sào Bắc Bộ, nay do anh Đỗ Văn Tuyên quản lý. Mảnh đất này vốn của hai chủ: thân phụ anh Tuyên (em ruột bố ông Nhài) và con giai ông Nhài. Vị trí cây vải tổ thứ nhất, thứ hai, rồi vị trí, hướng ngôi nhà 5 gian từ đường bằng gỗ lim, được ông Nhài đứng ở đầu khu vườn vừa kể, vừa chỉ vị trí. Sau đó, ông Nhài đưa chúng tôi tới tận nơi, dùng tay chỉ hướng nhà từ đường và lấy chân di xuống chỗ đất trước kia là gốc hai cây vải tổ. Ông Nhài nhớ chi tiết vì trước khi trao quyền sử dụng đất cho anh Tuyên, những vị trí đó thuộc phần đất từ đường, ông Nhài là quyền con trưởng, được cha giao cho thừa kế. Những chuyện về gia đình nói chung, cây vải tổ nói riêng, ông Nhài được nghe cha kể nhiều lần.

tapchi_7_11814
Khách du lịch thưởng thức đặc sản vải thiều và nghe chuyện về cây vải tổ.

Về tên vải thiều, có lẽ, ban đầu gọi là vải Thiều Châu để phân biệt với giống vải vốn đã có từ trước. Theo cách nói rút gọn của ngôn ngữ học, chữ: vải Thiều Châu, thành chữ: vải thiều. Về niên đại mang giống vải thiều về Thúy Lâm, sách Hải Dương di tích và danh thắng, tập I cho là vào khoảng năm 1870.

Chuyện kể của ông Nhài về cây vải tổ có nhiều chi tiết không như đã in trong sách Hải Dương di tích và danh thắng, tập I, chủ biên: Tăng Bá Hoành, Sở Văn hóa Thông tin Hải Dương ấn hành năm 1999. Cây vải tổ ở Thúy Lâm đã được mặc định vào sách mang tính công cụ, nhưng dị bản như chuyện trong bài viết chắc còn người khác bổ sung. Lý do bởi cây vải có tuổi gần 130 năm mới được cơ quan nhà nước có thẩm quyền làm hồ sơ, nhưng tư liệu mới ở mức độ nhất định.

Tuấn Thành (vhttdlhd.vn)