Đền Ngọc Hoa xã Thanh An là một di tích lịch sử nổi tiếng của huyện nhà. Có về thăm nơi đây vào những ngày lễ hội mới thấy được nhiều giá trị văn hóa truyền thống được lưu giữ đến ngày hôm nay.
Rước mâm ngũ quả
Trên mảnh đất Văn Tảo xã Thanh An, có một ngôi đền không chỉ nổi tiếng linh thiêng, mà còn là một điểm tựa tín ngưỡng tâm linh của người dân địa phương. Đó là đền Ngọc Hoa, hay còn gọi là Ngọc Linh Từ. Ngôi đền thờ Quận chúa Ngọc Hoa – nhân vật trong truyện nôm khuyết danh Phạm Tải – Ngọc Hoa củ thế kỷ 18, 19. Và cũng chính là nhân vật đã đi vào lịch sử truyền thuyết Việt Nam, với tấm lòng thủy chung, tiết hạnh, đức độ và thương người bao la.
Ngọc Linh Từ nằm giữa trung tâm thôn Văn Tảo, xã Thanh An. Đền ngự trên một thế đất đẹp, cổng quay hướng nam, lưng tựa vào thế chảy của dòng sông Rạng. Năm Khải Định thứ 9 có ghi: Sắc chỉ cho xã Văn Tảo phụng sự, phong cho Ngọc Hoa là bậc tôn thần chính trực, dịu dàng, giúp nước che chở cho dân, cho phép dân bản phụng sự thần.
Lễ hội vẫn gìn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống
Chuyện kể rằng, Ngọc Hoa là con gái của tướng Trần Công, người có công giúp vua dẹp loạn. Ngọc Hoa được mệnh danh là tuyệt thế giai nhân “má đào, mặt ngọc, tóc mây”, 300 mỹ nữ đẹp nhất Kinh thành lúc ấy không ai sánh bằng nàng. Năm 13 tuổi nàng càng đẹp, nơi nơi đánh tiếng, viếng thăm làm ngây ngất cả vua quan triều đình. Dạo ấy, có người ăn mày rách rưới tên là Phạm Tải sa cơ lỡ bước tới ăn xin. Thấy Phạm Tải khôi ngô tuấn tú, Ngọc Hoa động lòng thương cảm, rồi hai người cứ thế quấn quýt bên nhau. Cha Ngọc Hoa thấy vậy, chẳng suy tính môn đăng, hậu đối nên đã giúp cậu ăn mày sính lễ rồi tổ chức đám cưới cho 2 người thật linh đình.
Rước lễ về đền
Nhưng chẳng bao lâu sau, tai họa đã ập đến. Trong làng có tên Biện Điền con nhà danh giá trước đó đã đến ướm hỏi Ngọc Hoa, nhưng bị nàng từ chối. Tức giận, y bèn thuê một lũ sai nha đến giết Trần Công và cướp nàng Ngọc Hoa. Đám sai nha trên đường đi cướp thì bị một trận “cuồng phong quật ngã đầy đồng”. Không làm gì được, Biện Điền bèn lập mưu tâu cống Ngọc Hoa lên vua Trang Vương. Vua cho đòi Ngọc Hoa đến xem mặt, nàng đã phải tự làm xấu “tóc mây rũ rối, mực bôi má đào… rồi trút hài đi đất, áo quần xộc xệch” để không bị vua chọn. Đồng thời nàng cũng tâu vua là gái đã có chồng.
Nhưng trước sức ép của vua quan, Phạm Tải phải chọn lấy cái chết. Vì thương nhớ chồng, Ngọc Hoa khóc lóc thảm thiết, rồi cuối cùng nàng tự vẫn. Chuyện còn kể rằng cái chết của hai người đã động đến trời đất, Diêm vương tra sổ thiên tào mới hay Phạm Tải là Thiên tử bị chết oan nên đã lệnh bắt vua Trang Vương bỏ vạc dầu, thế rồi sai mây vàng đưa vợ chồng Ngọc Hoa về triều. Phạm Tải lên làm vua, còn Ngọc Hoa làm hoàng hậu. Câu chuyện mặc dù do dân gian thêu dệt, có tính chất hoang đường, nhưng đã khẳng định một chân lý cái thiện luôn thắng cái ác và đề cao giá trị nhân phẩm của con người.
Thi bắt vịt trên cạn
Đền Ngọc Hoa ngự tại thôn Văn Tảo đã mấy trăm năm. Lúc đầu chỉ là ngôi miếu thờ, được sự giúp đỡ của ngành văn hóa – thông tin và công sức của nhân dân xã Thanh An, du khách thập phương, đến nay ngôi đền đã được nâng cấp thành một khu di tích tầm cỡ, có kiến trúc đẹp, cảnh quan ngày một khang trang, tố hảo. Tháng 2 năm 1994, đền được Bộ Văn hóa – Thông tin cấp bằng di tích lịch sử cấp quốc gia.
Ông Nguyễn Đắc Chiếm – Chủ tịch UBND xã, trưởng ban tổ chức lễ hội đền Ngọc Hoa nói: “Qua nhiều lần trùng tu di tích, chúng tôi đã bảo tồn được toàn bộ hệ thống công trình, những vị trí bị hư hỏng đã được phục dựng lại khang trang, nhưng vẫn đảm bảo được tính nghệ thuật mà thế hệ trước để lại. Những năm gần đây, chúng tôi đã đầu tư tổng số trên 2 tỷ đồng để xây dựng thêm các hạng mục như: chùa, hậu cung, sửa mái đình và một số vị trí thuộc khuôn viên khu di tích.”
Để tưởng nhớ tướng Trần Công và người con gái tuyệt sắc giai nhân Ngọc Hoa có tình yêu chung thủy với chồng là Phạm Tải. Hằng năm vào các ngày từ mùng 4 đến mùng 6 tháng 2 âm lịch, người dân nơi đây đều tổ chức Lễ hội truyền thống với nhiều hoạt động sôi nổi, mang đậm những giá trị văn hóa và tâm linh độc đáo.
Triển lãm cây cảnh trong thời gian diễn ra lễ hội
Đặc biệt nhất trong những ngày diễn ra lễ hội, người dân địa phương và du khách thập phương khi về đây du xuân trẩy hội, sẽ được tham gia và đón xem nhiều trò chơi dân gian và phong tục độc đáo như: rước lễ quanh làng, đi cầu thùm, bắt vịt, đập niêu, đi dây trên hồ, thi nấu cơm, nấu xôi, triển lãm sinh vật cảnh..v.v.
Ông Nguyễn Đắc Chiếm – Chủ tịch UBND xã, trưởng ban tổ chức lễ hội đền Ngọc Hoa cho biết thêm: “Lễ hội năm nay được tổ chức làm 2 phần, phần lễ chúng tôi làm theo các nghi lễ truyền thống, còn phần hội thì tổ chức các trò chơi dân gian. Đây là những hoạt động được địa phương chúng tôi duy trì từ nhiều năm nay, theo đúng như các cụ thời xưa để lại.”
Trò chơi đi dây trên hồ lần đầu tiên được tổ chức trong lễ hội năm nay
Trong không khí vui tươi, rộn ràng của những ngày đầu xuân mới, Lễ hội truyền thống đền Ngọc Hoa chính là điểm đến lý tưởng được mọi người nhắc tới. Nó không chỉ là một điểm hẹn tâm linh, mà còn là nơi nhắc nhở con người phải sống sao có tình nghĩa, hướng thiện, tu nhân tích đức và làm những điều tốt đẹp, như câu chuyện về Phạm Tải – Ngọc Hoa vẫn còn lưu giữ đến hôm nay./.