Cây vải từng là cống phẩm dành cho vua chúa, liên quan đến vụ án oan công thần Nguyễn Trãi.
Theo ghi chép trong Nam Phương Thảo Mộc Trạng, năm 111 trước công nguyên, Hán Vũ Đế (Trung Quốc) đã sai đem 100 cây vải từ Giao Chỉ (miền Bắc nước ta) về trồng. Song không cây nào còn sống sót, từ đó, vua Hán bắt Giao Chỉ hàng năm phải cống nạp vải (quả lệ chi).
Dương Quý Phi đời Đường thích ăn vải đến nỗi ưu ái đặt tên cho vải là “phi tử tiếu”, tức “nụ cười Dương Phi”. Đường Huyền Tông muốn chiều lòng ái phi, nên thường xuyên bắt cống nạp vải, sai phu trạ phi ngựa hỏa tốc để vận chuyển. Quả vải được ướp mật hoặc muối để tươi ngon suốt chặng đường dài.
Đến thế kỷ thứ 8 – đời vua Mai Hắc Đế, cây vải được chuyển ra trồng ở vùng Hồng Châu (Hải Dương). Vùng Thanh Hà với thổ nhưỡng được bồi đắp bởi dòng sông Hồng và sông Thái Bình, hay lụt lội nhưng phù sa giàu có, trồng vải cho quả ngọt và năng suất cao.
Quả vải (lệ chi) xuất hiện tại nước ta từ cách đây hàng nghìn năm. Ảnh: Bizmedia
Sách Vân Đài Loại Ngữ của Lê Quý Đôn cũng ca ngợi quả vải “mã ngoài như lụa hồng, tơ tía, thịt vải như thủy tinh” và “nước Nam sản xuất trái lệ chi nhiều nhất, lệ chi ở xã An Nhơn (Yên Nhân) huyện Đường Hào ngon, ngọt, thơm không thể nào tả được”.
Năm 1442, cây vải còn gắn liền với án oan Lệ Chi Viên lớn nhất trong lịch sử của công thần lập quốc nhà Lê – quan hành khiển Nguyễn Trãi. Ông bị triều đình quy tội giết vua Lê Thái Tông trong vườn vải, bắt tội đến 3 họ. Đến năm 1464 – triều Lê Thánh Tông, Nguyễn Trãi mới được minh oan.
Đến thế kỷ 20, thời Tự Đức (1847 – 1883), ngoài giống bản địa, vải thiều được du nhập vào nước ta. Cụ Hoàng Văn Cơm (tên tự Phúc Thành), người thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà mang hạt về ươm từ năm 1870. Cụ ươm lên 3 cây, nhưng chỉ một cây sống sót và ra quả, nhân giống thành những vườn vải thiều rộng khắp vùng Hải Dương. Đến nay, cây vải tổ trên 150 tuổi này vẫn còn tươi tốt.
Ngày nay, vải vùng Yên Nhân mà Lê Quý Đôn ca ngợi vẫn còn, nhưng quả to và chua hơn vải thiều. Giống quả ngon được thị trường ưa chuộng nhất vẫn là vải thiều trồng ở Thanh Hà, Chí Linh (Hải Dương); Đông Triều (Quảng Ninh); Lục Nam, Lục Ngạn (Bắc Giang).
Vải thiều là giống quả bé nhất trong các giống vải hiện nay, đường kính khoảng 3,3 – 3,5 cm; vỏ sần, chín đỏ; hạt nhỏ, đen tuyền hoặc lép. Giống vải chín muộn, thu hoạch từ đầu tháng 5 đến tháng 6 âm lịch.
Hiện ở Thanh Hà còn có các giống vải khác như u trứng, u hồng, u thâm có kích thước lớn, quả hơi bầu dục. Vải Tàu Lai và Lãng Xuyên có quả nhỏ hơn, dạng tròn. Các giống này thường chín sớm hơn, dân gian gọi là vải tu hú (chim tu hú kêu báo hiệu mùa vải chín), nhưng hạt to, vị chua hơn.
Vùng trồng vải Thanh Hà được bồi đắp bởi sông Hồng và sông Thái Bình. Ảnh: Bizmedia
Hải Dương có 14.250 ha trồng vải nhưng tập trung nhiều nhất ở huyện Thanh Hà (47%) và Chí Linh (43%). Thập niên 50-60 của thế kỷ trước, cây vải thiều theo chân ông Nguyễn Đức Trụ (quê xã Nam Dương, Hải Dương) lên Lục Ngạn lập nghiệp. Bén rễ đất đồi, đến nay toàn tỉnh Bắc Giang có khoảng 30.000 ha trồng vải. Trong đó, Lục Ngạn là vùng trồng vải nhiều nhất cả nước với trên 16.000 ha, quả to hơn vải Thanh Hà, giá bán cũng đắt hơn.
Trung Quốc là thị trường tiêu thụ vải mạnh từ xa xưa, đến nay vẫn chiếm tới 80% sản lượng vải thiều Lục Ngạn xuất khẩu. Những năm gần đây, trái vải Việt Nam đã tiếp cận và mở rộng sang nhiều nước khác như Australia, Malaysia, EU, Mỹ, Nhật Bản…
Vải Lục Ngạn trồng theo chuẩn GlobalGAP có mã vạch, tem nhãn truy xuất nguồn gốc. Ảnh: Bizmedia
Để đáp ứng thị trường quốc tế khó tính, nhiều vùng trồng vải tại Bắc Giang, Hải Dương đã chuyển đổi mô hình canh tác theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGAP. Bắc Giang hiện có 11.000 ha vải VietGAP và 285 ha vải GlobalGAP được xây dựng chỉ dẫn địa lý với thị trường Mỹ. Năm 2017, vải thiều Lục Ngạn còn có mặt tại hệ thống siêu thị như Big C, Hapro để phục vụ thị trường trong nước.
Thu Hà (vnexpress.net)