Cây vải tổ có tuổi đời 200 năm được xác lập kỷ lục “Cây vải thiều lâu năm nhất Việt Nam” chính là minh chứng cho nguồn gốc của vải Thanh Hà (tỉnh Hải Dương) ngon trứ danh.
Cây vải tổ được trồng và lưu giữ tại thôn Thuý Lâm, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương có tuổi đời hơn 200 năm. Năm 2016, cây được xác lập Kỷ lục là “Cây vải thiều lâu năm nhất Việt Nam”.
Người có công trồng cây vải tổ là cụ Hoàng Văn Cơm (sinh năm 1848). Ghi chép xưa có viết, cụ Cơm trước đây làm nghề buôn bán hoa trái từ Hải Dương sang Hải Phòng. Trong một lần dự tiệc cưới của người Hoa Kiều tại Hải Phòng, cụ được nếm thử loại vải ngon nên quyết định mang ba hạt về ươm thử và chỉ duy nhất cây vải tổ hiện tại còn sống, cho quả với hương vị thơm ngon đặc biệt.
Sau đó, khi cây phát triển tốt, cụ Cơm đã chiết cành, nhân giống cho bà con trong vùng và các tỉnh thành khác trên cả nước.
Hiện nay, đối với người dân Thanh Hà cây vải tổ như một vật báu, minh chứng cho nguồn gốc lâu đời của giống vải thiều Thanh Hà ngon trứ danh.
Để bảo tồn và giữ gìn cây vải tổ, con cháu trong dòng họ Hoàng nối tiếp nhau trông nom, bảo vệ cây. Ông Hoàng Văn Liệm (cháu đích tôn 5 đời của cụ Hoàng Văn Cơm) cho biết, cây vải tổ năm nào cũng cho quả rất sai. Quả của cây vỏ đỏ hơn các cây khác, nhỏ nhưng cùi dày, bóc ráo nước. Khi ăn có vị giòn, ngọt đậm đà nơi đầu lưỡi.
“Nhiều năm gần đây, tôi phải để ý đến sức khoẻ, tình trạng cây để quyết định có cho cây ra hoa, kết trái hay không. Nếu có cho thì cho ra một vụ, lại nghỉ một vụ để cây có thời gian phục hồi. Năm nay cây khoẻ, tươi tốt nên tôi có cho cây ra hoa để đậu quả” – ông Liệm nói.
Bất kỳ góc nào trên cây cũng níu mắt người nhìn. Nhất là khu vực thân cây những vết sần sùi, màu rêu mốc hằn sâu dấu vết của thời gian.
Bất kỳ góc nào trên cây cũng níu mắt người nhìn. Nhất là khu vực thân cây những vết sần sùi, màu rêu mốc hằn sâu dấu vết của thời gian.
Rễ cây xù xì nổi hẳn lên mặt đất.
Gốc cây vải tổ cho ra nhiều nhánh khác nhau, trong ảnh là một cành mọc bò ngay sát mặt đất.
Xung quanh cây vải tổ còn có cây vải con 185 năm tuổi và cây vải cháu 90 năm tuổi quây quần bên cạnh.
Hiện nay, để duy trì, phát triển giống của “Cây vải thiều lâu năm nhất Việt Nam”, mỗi khi cây trong giai đoạn tươi tốt, ông Liệm thường chiết cành để lại cho ai có nhu cầu trồng và lưu giữ giống cây vải tổ này.
Lương Hà (laodong.vn)